27/04/2024 - 09:09

EU nỗ lực chống gián điệp 

Sau một loạt vụ bê bối về ảnh hưởng của nước ngoài tại Nghị viện châu Âu (EP) và một số nước thành viên, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực xử lý các vụ nghi ngờ làm gián điệp cho Nga và Trung Quốc nhằm tạo dựng niềm tin với cử tri trước thềm bầu cử EP vào tháng 6.

Bỉ bị xem như “ổ gián điệp” vì là nơi đặt trụ sở EU và NATO. Ảnh: Council of Europe

Theo trang tin DW, công chúng trong 18 tháng qua đã chứng kiến một loạt vụ tai tiếng về ảnh hưởng của nước ngoài liên quan nghị sĩ EU. Đầu tiên là cáo buộc gây chấn động vào tháng 12-2022, rằng nhiều quan chức cùng trợ lý hàng đầu trong EP từ năm 2018 đã nhận hối lộ từ Qatar, Maroc và Mauritania để gây ảnh hưởng lên các quyết định về kinh tế, chính trị của EP. Đầu năm nay, lại có cáo buộc cho rằng Chủ tịch Liên minh Những người nói tiếng Nga ở EU (EURSA) Tatjana Zdanoka làm việc cho các đặc vụ Cơ quan An ninh Liên bang Nga ít nhất từ ​​năm 2004.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gần đây công bố mở cuộc điều tra về nghi ngờ Nga can thiệp bầu cử EP. Động thái được đưa ra dựa trên xác nhận của cơ quan tình báo Bỉ về sự tồn tại của mạng lưới can thiệp thân Nga đang cố làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine. Brussels hiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền Séc sau khi hoạt động gây ảnh hưởng thân Nga bị phát hiện ở đó. Theo điều tra, Nga đã tiếp cận và trả tiền cho các thành viên EP để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Mát-xcơ-va. Trong vụ việc mới nhất, các công tố viên Đức tuần này đã ra lệnh bắt giữ công dân Đức được xác định là Jian G, hiện giữ chức trợ lý của nghị sĩ EP Maximilian Krah thuộc đảng cực hữu AfD. Ông này bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc. 

Nhiều vụ bắt giữ cũng đang diễn ra ở các quốc gia nằm ngoài EU như Anh đối với những cá nhân bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả cáo buộc trên là vô căn cứ và có động cơ chính trị.

Châu Âu cảnh giác cao độ

Tại EU, hoạt động gián điệp của Nga nhìn chung vẫn là mối lo ngại lớn nhất. Theo phân tích về các trường hợp người châu Âu bị kết án làm gián điệp giai đoạn 2010-2021, Mát-xcơ-va bị cho đứng sau hầu hết các vụ việc. Trong 11 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) cho biết các nước EU đã trục xuất 490 nhà ngoại giao Nga, phần lớn bị nghi ngờ là đặc vụ hoặc hợp tác với tình báo Nga.

Theo kết quả cuộc thăm dò công bố mới đây, tỷ lệ người dân trong các nước thành viên EU quan tâm đến cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới,  tăng đáng kể so với cuộc bầu cử tương tự hồi năm 2019. Đáng chú ý, tình trạng đói nghèo, sức khỏe, việc làm và quốc phòng là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Khoảng 80% số người được hỏi tại 27 quốc gia thành viên EU cho biết bối cảnh quốc tế, đáng chú ý nhất là cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, khiến việc bỏ phiếu quan trọng hơn.

Các hoạt động của Nga được ghi nhận trên khắp EU, nhưng tích cực nhất là ở những nước có cơ sở hạ tầng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trụ sở các tổ chức quốc tế. Vì thế, Bỉ là mục tiêu hàng đầu của hoạt động gián điệp. Sau những tiết lộ mới nhất liên quan EP, Thủ tướng De Croo đã nhiều lần nhấn mạnh trách nhiệm đặc biệt của Brussels kèm theo lời kêu gọi EU xem xét phối hợp chặt chẽ hơn, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên và bổ sung công cụ trừng phạt mới nhằm chống lại các hoạt động ác ý của Nga.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá EP chưa thực hiện đúng trách nhiệm và không có cải cách đáng kể về giám sát độc lập. Tuy hợp tác liên EU tăng lên, tình báo vẫn là một trong những lĩnh vực chính sách mà 27 nước thành viên bảo vệ chặt chẽ như vấn đề nội bộ. Hiện nhiều quốc gia trong khối bị hạn chế về năng lực chống hoạt động gián điệp, trong khi hợp tác ở cấp EU vẫn còn bị cản trở bởi sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa và thiếu tin tưởng lẫn nhau.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết