Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trên thế giới thúc đẩy các nền sản xuất công nghiệp đạt hiệu suất cao với chất lượng sản phẩm tốt và giá thành hạ, đồng thời tác động trực tiếp đến các lĩnh vực dịch vụ và lưu thông hàng hóa cũng như có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước. Hơn bao giờ hết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đang đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn rất coi trọng việc phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST, là động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quốc phòng - an ninh. Trước những thách thức đặt ra từ cuộc CMCN 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng vai trò của KH,CN&ĐMST coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới.
TS Ngô Anh Tín.
Trong bối cảnh đó, vai trò, sứ mệnh của KH,CN&ĐMSTđã được khẳng định mạnh mẽ trong 6 nhiệm vụ và 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Với vai trò KH,CN&ĐMSTgóp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, ngày 11-5-2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMSTđến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là KH,CN&ĐMSTđóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Hoạt động kết nối cung cầu khoa học, công nghệ thường xuyên được tổ chức.
Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, KH,CN&ĐMST đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ, từng bước nêu cao vai trò TP Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực theo đúng tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị và góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
► Huy động nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế khoa học và công nghệ
Trong thời gian qua, thành phố đã xác định: "Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế; trong đó, đặc biệt coi trọng nguồn lực về khoa học - công nghệ, coi đây là khâu đột phá và là động lực của thành phố trong quá trình phát triển". Đến nay, tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố tiếp tục từng bước được nâng lên, cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Nhân lực khoa học và công nghệ với đội ngũ trí thức, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực ngày càng tăng, đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL. Năm 2023, có 70 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ với số lượng nhân lực là 6.813 người (trong đó có 1.202 người có học vị tiến sĩ; 2.859 nguời có học vị thạc sĩ, 1.955 người có trình độ đại học). Giai đoạn 2016-2023, có khoảng 2.000 lượt nhà khoa học tư vấn cho thành phố thực hiện, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư...
Thành phố ưu tiên tập trung đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn nhiệm vụ phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ với nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có sự chuyển dịch cơ cấu từ lĩnh vực nông nghiệp, môi trường sang công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa… đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH sản xuất; phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Giai đoạn 2004-2023, toàn thành phố có hơn 16.380 nhiệm vụ KH&CN các cấp được triển khai thực hiện. Kết quả các nhiệm vụ giải quyết những vấn đề trọng điểm phục vụ cho sản xuất, phát triển xã hội, đóng góp tích cực trong hoạch định các chủ trương, đường lối, định hướng phát triển thành phố.
Lãnh đạo thành phố tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo và ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện nhiều năm qua đã mang lại nhiều lợi ích và có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp nhỏ và vừa: (1) Giai đoạn 2016-2020, các chương trình, dự án đã hỗ trợ cho 221 đơn vị với kinh phí trên 14 tỉ đồng. Trong đó, sự lan tỏa của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị, đã giúp hoạt động chuyển giao đổi mới, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp TP Cần Thơ chuyển biến mạnh mẽ. Đến năm 2022, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp TP Cần Thơ đạt 13,31%. Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là 32,5%.; (2) Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, được thành phố triển khai từ năm 2013, là bước đột phá khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự án hỗ trợ 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống: ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17025, VietGAP...; (3) Chương trình Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ được triển khai từ những năm 2009, được đầu tư thực hiện đồng bộ theo từng giai đoạn. Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm chủ lực địa phương dần được quan tâm, có xu hướng dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của TP Cần Thơ trong thời kỳ hội nhập. Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2004 toàn thành phố chỉ có 492 văn bằng được bảo hộ; đến tháng 8-2024, thành phố có 5.476 văn bằng sở hữu trí tuệ, số văn bằng cấp mới tăng khoảng 10-12% mỗi năm và tăng hơn 37% so với giai đoạn 2016-2019.
► Điểm nhấn từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ năm 2017 đến nay đã triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 12-12-2017 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30-6-2021 về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tính đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 23 tổ chức, đơn vị tham gia quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó, có 05 tổ chức có không gian làm việc chung (Co-Working Space).
Đại biểu trải nghiệm công nghệ 4.0 tại một sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức và phối hợp tổ chức khoảng 30 khóa đào tạo nâng cao năng lực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút 1.000 lượt học viên tham dự chương trình. Các hoạt động kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên kết nối, trao đổi thông tin về khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ được duy trì hoạt động thông qua phát triển các Fanpage về đổi mới sáng tạo; diễn đàn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL; Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo ; Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL - Mekong Startup Contest; Cuộc thi sinh viên CTUMP với ý tưởng khởi nghiệp. Sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Diễn đàn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL là 2 sự kiện lớn thường niên của thành phố về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút khoảng 3.000 lượt khách quan tâm tham dự mỗi năm.
Thành phố đã xây dựng các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, Mạng lưới liên kết phát triển các tổ hợp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng vùng ĐBSCL, Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL,… Thành phố đã và đang thúc đẩy, thiết lập quan hệ hợp tác theo chiều sâu với một số đối tác chiến lược trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã có khoảng 30 ghi nhớ hợp tác với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ trung bình cho 30 nhóm dự án sử dụng dịch vụ KNĐMST thông qua quảng bá sản phẩm KNĐMST tại các sự kiện Ngày hội KNĐMST Quốc gia (Techfest Vietnam), Chợ Công nghệ - thiết bị (Techmart), các hội thảo khoa học, diễn đàn về đổi mới sáng tạo tại các tỉnh/thành khác… Năm 2022, TP Cần Thơ thực hiện thành công 8 thương vụ đầu tư trực tiếp cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, với tổng số tiền đầu tư là 39,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đã được Sở KH&CN TP Cần Thơ xây dựng hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trung tâm này là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL.
► Trung tâm kết nối, hỗ trợ dịch vụ khoa học công nghệ của vùng
Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập thông qua nhiều hoạt động xúc tiến như triển lãm chuyên ngành, xây dựng các điểm kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị… Đến nay, Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ (sàn ảo) tại tên miền www.catex.vn đã đăng tải trên 11.708 thông tin về thiết bị - công nghệ với 240 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ, thiết bị. Mỗi năm, có trên 1.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị mới được cập nhật và hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được quan tâm, tìm kiếm trên Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ. Đồng thời, Sở cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Dự án Sàn giao dịch công nghệ vùng ĐBSCL (sàn thực). Hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ sẽ đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao dịch công nghệ cấp vùng, đồng thời thực hiện vai trò kết nối của vùng ĐBSCL với các trung tâm trong nước và quốc tế.
Hoạt động phát triển dịch vụ về KH&CN đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, và hoạt động sản xuất, kinh doanh: (1) Năng lực kỹ thuật về kiểm định đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ hiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đo lường pháp quyền, phục vụ sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL. Đến nay, Trung tâm đã được 7 bộ ngành chỉ định thực hiện thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, huấn luyện trên nhiều lĩnh vực như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và VietGAP... Giai đoạn 2020 đến nay, trung bình mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 5.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp của thành phố và các tỉnh ĐBSCL thực hiện công tác quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo đo lường pháp quyền; (2) Với hạ tầng thông tin KH&CN được đầu tư hoàn thiện, Trung tâm Thông tin KH&CN thành phố đã hỗ trợ tích cực việc chia sẻ thông tin chuyên sâu về thành tựu KH&CN. Đến nay, đã duy trì cập nhật hơn 60.000 tin tổng hợp về KH&CN, hơn 53.000 tài liệu chuyên ngành; 11.000 thông tin thiết bị công nghệ; hơn 15.500 tài liệu, thông tin về sở hữu trí tuệ; hơn 6.300 thông tin về khởi nghiệp ĐMST và hơn 1.500 thông tin về tổ chức KH&CN lên Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN, các trang thông tin điện tử do Trung tâm quản lý, đồng thời đã liên kết hơn 4 triệu tài liệu điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin của người dùng. Dự kiến trong thời gian tới sẽ ra mắt chuyên trang chia sẻ dữ liệu KH,CN&ĐMSTtại tên miền tailieukhoahoc.vn. Chuyên trang được kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp và chia sẻ rộng rãi các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và cả vùng; (3) Hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN, ươm tạo công nghệ của thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã phối hợp với chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao thành công 14 công nghệ, 10 quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường tại Cần Thơ và cả nước. Hoạt động ươm tạo công nghệ, đến tháng 9 năm 2024, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại Vườn ươm.
Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Năm 2022 là năm đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương, trong đó Cần Thơ là một trong những địa phương tham gia thí điểm. Năm 2023, thành phố Cần Thơ xếp thứ 5 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023, với điểm số 49,66. Trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như: cơ sở hạ tầng (55,45 điểm, đứng thứ 9); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (52,52 điểm, đứng thứ 12); thể chế (50,02 điểm, đứng thứ 6)… Điều này phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên và cơ cấu kinh tế của địa phương trong vùng. Thành phố cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra đổi mới sáng tạo đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Kết quả này cho thấy, thành phố nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ với đơn vị đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cùng giống cây trồng.
Hoạt động liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ giữa TP Cần Thơ và các địa phương trong cả nước, với các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó có, chương trình hợp tác hoạt động khoa học, công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Chương trình có nội dung nhằm đẩy mạnh phát triển KH,CN&ĐMSTphục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Nội dung chương trình cũng đã khẳng định vị thế của TP Cần Thơ là trung tâm khoa học và công nghệ của vùng.
► Thay đổi tư duy, tăng cường kết nối hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm KH,CN&ĐMST
Trong thời gian tới, với vai trò liên kết vùng và là trung tâm để định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng có hiệu quả cao, một số định hướng phát triển KH,CN&ĐMSTnhư :
Tham mưu các chính sách hỗ trợ hợp lý để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mà ở đó doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân; từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh và kinh tế số cho thành phố và các tỉnh ĐBSCL.
Các sự kiện khoa học và công nghệ do thành phố tổ chức là nơi để nhà khoa học, viện trường và các nhà quản lý gặp gỡ, chia sẻ cùng đưa KH,CN&ĐMST của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển lên tầm cao mới.
Tiếp tục xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hoạt động và cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, phấn đấu đến năm 2030 TP Cần Thơ là Trung tâm của vùng về khoa học và công nghệ. Chú trọng phát triển, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực địa phương, bao gồm cả đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ kỹ thuật và quản trị công nghệ ở các doanh nghiệp và kỹ năng người lao động.
Đề xuất thử nghiệm chính sách mới (Sandbox) nhằm thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ mới; khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo ở địa phương. Thay đổi tư duy “nhiệm kỳ” và “cục bộ địa phương” trong hoạch định và thực thi chính sách phát triển. Đẩy mạnh các giải pháp thay đổi tư duy của các chủ thể sản xuất kinh doanh (người dân, các doanh nghiệp, các hội sản xuất...) về liên kết thị trường và sự tham gia vào chuỗi giá trị.
Tăng cường hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KH,CN&ĐMSTvới các địa phương trong vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng. Tăng cường kết nối, tương tác giữa viện, trường, doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo địa phương và vùng. Tăng cường vai trò của các sàn giao dịch công nghệ, kết nối với các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của thành phố, chia sẻ dữ liệu chung, kết nối thông tin nhu cầu cung - cầu công nghệ thông qua các sàn giao dịch, điểm kết nối cung, cầu công nghệ.
Tận dụng cuộc CMCN 4.0, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ. Tăng cường năng lực hấp thụ, khai thác, ứng dụng công nghệ và các tiến bộ khoa học và công nghệ trong giải quyết các vấn đề của vùng và địa phương.
Tiếp tục phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ kết nối với các hệ sinh thái khu vực và cả nước nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố và vùng ĐBSCL để góp phần xây dựng và phát triển thành phố trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; khẳng định vị thế của TP Cần Thơ là trung tâm khoa học và công nghệ của vùng ĐBSCL và phấn đấu trở thành nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á.
TS. Ngô Anh Tín
Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ