Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ, thống nhất nội dung, chương trình tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Đồng Nai.
Danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang tầm tư duy chiến lược của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhằm “trải thảm đỏ” mời gọi các hiệp hội và hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu ở tỉnh Đồng Nai và khu vực phía Nam đến tìm hiểu “cơ hội vàng” đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Đồng Nai được chuẩn bị kỹ lưỡng, diễn ra vào lúc 14 giờ, ngày 18/10, tại khách sạn Mira Central Park, số 1809, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, Tp. Biên Hòa (Đồng Nai).
Khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ
Với mục tiêu của hội nghị là: Tỉnh tập trung huy động nguồn lực để hiện thực hóa Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên tinh thần đó, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh, tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Cảng Tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) có vị trí chiến lược tại Khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, tỉnh còn giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở pháp lý minh bạch; phân tích vị trí chiến lược của tỉnh nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tạo thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước; cùng với cơ sở hạ tầng giao thông được tỉnh đầu tư đồng bộ, kết nối liên thông giữa các vùng và hưởng lợi từ tuyến cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 1, đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và phát huy lợi thế Cảng biển tổng hợp nước sâu Cà Ná có khả năng đón tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên.
Qua đó, sẽ giúp lãnh đạo các hiệp hội và hơn 100 nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phía Nam tiếp cận thông tin, có tầm nhìn tổng quan đến nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo, hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp. Cụ thể như: Khu công nghiệp Phước Nam, quy mô 370 ha; Khu công nghiệp Thành Hải, quy mô 78ha; Khu công nghiệp Du Long, quy mô 407,28ha và đang trình Chính phủ phê duyệt Khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 827,2 ha.
Một góc Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ
Hiện tại, quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn khá lớn, có mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 30%); cùng với lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo có kỹ năng nghề; giá thuê nhân công rẻ hơn khu vực các tỉnh, thành phía Nam (bằng khoảng 70%)… là điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để phát triển tại tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần khẳng định với các nhà đầu tư đến với tỉnh đó là "Sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh", chính vì vậy tỉnh luôn đón nhận các nhà đầu tư mang hết tâm huyết, trách nhiệm đến đầu tư tại tỉnh và tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công góp phần mang lại sự thịnh vượng cho tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gặp các nhà đầu tư tại Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tinh Bình Dương năm 2023. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, tại sự kiện này tỉnh còn cung cấp toàn diện về bức tranh kinh tế của tỉnh trong những năm qua để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết về quy mô nền kinh tế của tỉnh được mở rộng đáng kể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 87,7 triệu đồng/người, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và bằng 81,2% bình quân cả nước.
Năng lực cạnh tranh của tỉnh cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2023.
Khu đô thị Đông Bắc-K1 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ
Riêng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh tiếp tục phục hồi, ổn định. Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá, kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 20.662 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.540 tỷ đồng.
Những kết quả nổi bật trên là nền tảng để các nhà đầu tư ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam đặc biệt quan tâm, cân nhắc, ưu tiên lựa chọn hợp tác lâu dài, phát triển bền vững cùng với tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.
Các cơ sở lưu trú được đầu tư hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Ảnh: Văn Nỷ
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến Ninh Thuận đầu tư hơn 9 năm qua phấn khởi cho biết, Ninh Thuận có môi trường, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, luôn đồng hành với doanh nghiệp, do đó, năm 2015, GC Food quyết định đầu tư 30 tỷ đồng, thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, tiến hành xây dựng Nhà máy sản xuất, chế biến nha đam với dây chuyền hiện đại tại Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Sau 3 năm hoạt động, GC Food thành lập thêm Công ty Cổ phần Nắng và Gió (Ninh Sơn) với quỹ đất hơn 100 ha của doanh nghiệp để trồng dưa lưới, nho, táo, ổi,… đồng thời chủ động liên kết với các nông hộ, đến nay GC Food đã mở rộng vùng trồng hơn 250 ha nha đam. Đến năm 2023, GC Food tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn Nhiệt Đới để cung cấp cho thị trường các sản phẩm nha đam có chứng nhận an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) gia tăng sản xuất tại Khu công nghiệp Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Ông Nguyễn Văn Thứ chia sẻ thêm, nhờ sự quan tâm, đồng hành, tháo gỡ khó khăn kịp thời của chính quyền địa phương nên GC Food ổn định vùng nguyên liệu nha đam; tỉnh quan tâm đầu tư 23 hồ, đập kết nối liên thông, có dung tích hơn 414 triệu m3 nước tưới nên công ty rất an tâm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, GC Food có công suất chế biến 150 tấn lá nha đam/ngày; công suất thành phẩm 2.000 tấn nha đam/tháng; giải quyết việc làm cho 500 lao động địa phương; xuất khẩu sản phẩm nha đam đến hơn 20 nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á... nên doanh thu trong năm 2023 đạt trên 200 tỷ đồng. Với thành quả trên, ông Nguyễn Văn Thứ tự tin khẳng định rằng, tỉnh Ninh Thuận là nơi đầu tư chiến lược hàng đầu và sẽ phát triển thịnh vượng trong tương lai.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham quan nhà máy cấy mô nha đam của GC Food tại Khu Công nghiệp Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Đồng Nai sẽ tiến hành tổ chức ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận; đi khảo sát thực tế dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 để học hỏi kinh nghiệm quản lý đầu tư, giúp Ninh Thuận hiện thực phát triển 1.500MW điện khí LNG đến năm 2030.
Với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp cùng với “thiên thời-địa lợi-nhân hòa”, tỉnh Ninh Thuận luôn trọng thị, chào đón các nhà đầu tư các tỉnh, thành phía Nam đến tìm hiểu, mở rộng đầu tư kinh doanh. Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương, đảm bảo quyền lợi tốt nhất để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Nguồn: Báo điện tử Ninh Thuận