14/10/2024 - 09:20

Tập trung công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học 

Hội nhập quốc tế đòi hỏi các trường đại học (ÐH) cần xác lập vị thế học thuật và chất lượng đào tạo qua đánh giá của thị trường lao động. Kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) là một trong những công cụ hữu hiệu để các đơn vị thực hiện những chuẩn mực, định vị và tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện tại, các trường ÐH ở TP Cần Thơ tập trung đẩy mạnh hoạt động này.

Lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Đoàn khảo sát của Trung tâm KĐCLGD Sài Gòn ký kết Biên bản hoàn thành đợt khảo sát chính thức. 

Thêm nhiều chương trình đạt chuẩn

Tại lễ khai giảng năm học 2024-2025 Trường ÐH Cần Thơ vừa qua, nhà trường đón nhận thêm 10 chứng nhận của các chương trình đào tạo (CTÐT) đạt chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) và 12 chứng nhận của AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance). Sự kiện này không chỉ là minh chứng cho chất lượng đào tạo, mà còn là động lực thúc đẩy tập thể viên chức, giảng viên nhà trường tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Theo lãnh đạo Trường ÐH Cần Thơ, thời gian qua nhà trường luôn coi trọng công tác bảo đảm và KÐCLGD, xem đây là mục tiêu chiến lược xuyên suốt trong quá trình phát triển. Việc đạt được các chứng nhận KÐCLGD không chỉ là cột mốc quan trọng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của trường trong việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường cam kết tiếp tục cải tiến và nâng cấp chương trình giảng dạy, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động trong nước và quốc tế. Hiện nay, Trường ÐH Cần Thơ có 28 CTÐT đạt chứng nhận KÐCLGD theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT (trong đó có 2 CTÐT trình độ thạc sĩ) và 37 CTÐT đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA (trong đó có 6 CTÐT trình độ thạc sĩ và có 3 chứng nhận thuộc chu kỳ II). Trường đã đạt chứng nhận KÐCL cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT (chu kỳ II).

Tại Trường ÐH Y Dược Cần Thơ, thời gian qua tập thể nhà trường luôn xác định chất lượng là yếu tố then chốt của sự phát triển và bảo đảm chất lượng đã trở thành nhu cầu tự thân để khẳng định vị thế, thương hiệu của trường. Sau khi đạt chuẩn KÐCL cơ sở giáo dục chu kỳ I (giai đoạn 2018-2023), lãnh đạo Trường ÐH Y Dược Cần Thơ đã tiến hành các hoạt động tự đánh giá, chuẩn bị các điều kiện và đạt KÐCL trường chu kỳ II (giai đoạn 2024-2029). Ðầu tháng 7-2024, trường được nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn KÐCL cơ sở giáo dục (chu kỳ II). Ðồng thời, còn có 7 CTÐT thạc sĩ cũng được đánh giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT, gồm: Nội khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa, Dược lý - Dược lâm sàng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Răng Hàm Mặt và Y học dự phòng. Như vậy, đến nay, trường đã có 13 CTÐT đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 48,15% các CTÐT của trường do Bộ GD&ÐT quản lý; vượt mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho các trường ÐH và cao đẳng theo Quyết định số 78/QÐ-TTg. Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, nhằm đảm bảo cam kết và giải trình với xã hội về chất lượng, uy tín và khẳng định thương hiệu, trường sẽ cải tiến chất lượng liên tục và đăng ký đánh giá tiếp tục các chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA, cũng như các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác trong thời gian tới.

Các trường ÐH ngoài công lập như ÐH Tây Ðô, ÐH Nam Cần Thơ đã tập trung đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện tại, cả 2 trường ÐH này đều đã đạt KÐCL cơ sở giáo dục chu kỳ II. Riêng Trường ÐH Nam Cần Thơ, cuối tháng 9-2024, trường công bố có thêm 8 CTÐT đạt chuẩn KÐCLGD theo các điều kiện quy định của Bộ GD&ÐT, gồm: Dược học, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật xây dựng, Luật Kinh tế và thạc sĩ ngành Luật Kinh tế.

Định vị để phát triển

KÐCL cơ sở giáo dục là một quá trình xem xét chất lượng cơ sở giáo dục từ bên ngoài, qua đó khảo sát, đánh giá nhằm giúp các đơn vị cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Hiện nay, các trường ÐH được đánh gía KÐCL theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT (với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí). Ðối với KÐCLGD các CTÐT của trường ÐH cũng được khảo sát đánh giá về chất lượng đào tạo, số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ giảng viên… Vì thế, công tác này đòi hỏi sự nỗ lực đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các trường.

Ðiển hình Trường ÐH Cần Thơ, nhiều năm qua, lãnh đạo trường luôn chú trọng thực hiện công tác tự đánh giá, kiểm định các CTÐT theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT và AUN-QA. Từ năm 2009, Trường ÐH Cần Thơ được Hội đồng quốc gia KÐCLGD công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục. Năm 2017, trường đạt chứng nhận KÐCLGD giai đoạn 2018-2022. Tháng 1-2024, trường đạt chứng nhận KÐCL cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT (chu kỳ II). Theo PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, nhà trường đã và đang thúc đẩy triển khai đề án xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học của vùng ÐBSCL cũng như cả nước. Ðể hiện thực hóa đề án, nhà trường chú trọng việc đảm bảo đạt chuẩn KÐCL. Hiện nay, Trường ÐH Cần Thơ tổ chức đào tạo 119 CTÐT bậc đại học, 52 ngành cao học và 21 ngành nghiên cứu sinh. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 95,34%.

Tại Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, từ ngày 27-9 đến ngày 1-10, Ðoàn khảo sát của Trung tâm KÐCLGD Sài Gòn đến thực hiện đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài 6 CTÐT. Trong 5 ngày, các chuyên gia của đoàn làm việc với trường, khảo sát đánh giá về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ giảng viên, liên kết hợp tác doanh nghiệp và các hồ sơ minh chứng… Theo GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc ÐH Ðà Nẵng, Trưởng Ðoàn khảo sát, các CTÐT của trường đều đạt yêu cầu theo quy định. Trong đó, những mặt mạnh cần phát huy như cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm thực hành được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ giảng viên phát triển nhanh; chất lượng đào tạo cũng như công tác tuyển sinh của trường được đảm bảo kế hoạch hằng năm... Tuy vậy, nhà trường cần có chính sách thu hút giảng viên, tranh thủ nguồn lực đầu tư để phát triển cơ sở vật chất cũng như xây dựng chương trình đào tạo… Dự kiến, tháng 11-2024, trường sẽ nhận quyết định KÐCLGD 6 CTÐT.

Hiện nay, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ có 22 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, với hơn 6.000 sinh viên. Việc đánh giá ngoài các CTÐT nhằm thực hiện công tác KÐCLGD theo quy định của Bộ GD&ÐT, đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo, đồng thời khẳng được thương hiệu, chất lượng của trường ÐH. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết trường tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo để có thêm 6 CTÐT đạt KÐCL, nâng tổng số lên 12 CTÐT đạt KÐCL, đạt 100% CTÐT có sinh viên tốt nghiệp được KÐCL. Nhà trường mong rằng, sang năm 2025 Trung tâm KÐCLGD Sài Gòn tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài 7 chương trình đào tạo của CTUT vừa có sinh viên tốt nghiệp, để trường tiếp tục duy trì và nâng cao thương hiệu, chất lượng đào tạo vùng ÐBSCL và cả nước.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết