17/10/2024 - 07:52

EU cân nhắc lập trung tâm di cư bên ngoài khối 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét thành lập các trung tâm trục xuất bên ngoài khối dành cho những người xin tị nạn không thành công.

Thủ tướng Albania Edi Rama và người đồng cấp Ý Giorgia Meloni ký thỏa thuận về di cư năm ngoái. Ảnh: AFP

Pha “quay xe” của EU

Trong thư gửi cho lãnh đạo các quốc gia thành viên EU trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ngày 17-10, bà Von der Leyen nhấn mạnh chính sách di cư của EU “chỉ có thể bền vững nếu những người không có quyền ở lại khối thực sự được hồi hương”. Bà đề nghị liên minh nên “rút ra bài học” từ thỏa thuận di cư của Ý với Albania.

Thỏa thuận Ý - Albania sẽ kéo dài 5 năm, trong đó cho phép Rome mỗi năm gửi 36.000 người di cư bất hợp pháp đến quốc gia Balkan này.

Trong khi văn kiện trên sẽ chứng kiến ​​các đơn xin tị nạn được xử lý tại Albania, các trung tâm trục xuất do EU đề xuất sẽ được sử dụng làm nơi chứa những người xin tị nạn bất thành bên ngoài khối trước khi gửi trả họ về quốc gia quê hương.

Hơn một nửa số chính phủ trong EU đã kêu gọi Brussels nghiên cứu về các đề xuất liên quan các trung tâm trục xuất, với một số nước lập luận rằng chúng nên được thành lập tại những quốc gia ứng cử viên gia nhập EU do gần gũi về mặt địa lý và chính trị.

Kế hoạch mới đánh dấu sự thay đổi mô hình về vấn đề di cư đối với Brussels, bởi vào năm 2018 họ đã loại trừ các thỏa thuận với những quốc gia ngoài EU để xử lý người xin tị nạn do lo ngại về đạo đức và pháp lý. EC cho rằng các trung tâm như vậy “không mong muốn và khả thi” nhưng hiện nay ủy ban sẽ sửa đổi các quy tắc trục xuất.

Thái độ ở EC đã trở nên cứng rắn hơn sau một loạt chiến thắng trong bầu cử của các đảng cực hữu ở châu Âu, cuộc trấn áp người nhập cư tại Ðức sau vụ tấn công khủng bố Solingen và việc Pháp có chính phủ cánh hữu mới.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm 15-10 đã ca ngợi thỏa thuận di cư với Albania là “dũng cảm” và nó có thể đóng vai trò hình mẫu cho châu Âu. Bà Meloni đưa ra phát biểu này một ngày sau khi đợt chuyển nhóm 16 người di cư đầu tiên tới Albania bắt đầu. Năm ngoái, Thủ tướng Meloni nói rằng để đổi lấy sự ủng hộ của Albania đối với các trung tâm trục xuất, bà sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ủng hộ nước này gia nhập EU.

Vấp phải sự phản đối gay gắt

Trong bối cảnh có báo cáo rằng Brussels có thể yêu cầu các quốc gia Tây Balkan muốn gia nhập EU phải thành lập các trung tâm trục xuất, Albania hôm 15-10 đã loại trừ khả năng ký một thỏa thuận với EU, như đã thực hiện với Ý.

Moldova, quốc gia có tư cách ứng cử viên gia nhập EU, cũng đã bác bỏ khả năng mở bất kỳ trung tâm trục xuất người di cư nào. Moldova sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vào cuối tuần này.

Ðề xuất của EU đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia ứng cử viên khác, bao gồm Bosnia, Serbia và Bắc Macedonia, những bên chưa được tham vấn về kế hoạch lập trung tâm trục xuất.

Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm nhân quyền cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU về vấn đề di cư diễn ra vào ngày 17 và 18-10 tại Brussels (Bỉ), EC cho biết sẽ đề xuất các biện pháp mới.

Theo bà Von der Leyen, ủy ban này sẽ đề xuất một luật mới về tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sở tại. Luật mới sẽ quy định rõ ràng các nước có nghĩa vụ hợp tác trong việc hồi hương và tiếp nhận người di cư bất hợp pháp để quá trình này được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn. Khuôn khổ pháp lý mới này cũng sẽ giúp tăng cường năng lực để giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Theo cơ quan thống kê Eurostat, năm ngoái, chưa đến 20% trong số 484.000 người được lệnh rời khỏi EU thực sự bị trục xuất.

Ngày 15-10, Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết số vụ vượt biên trái phép vào EU trong 9 tháng đầu năm 2024 đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 166.000 vụ. Tuy nhiên, Cơ quan tị nạn thuộc EU lưu ý rằng đã có 513.000 đơn xin tị nạn được nộp tại EU, Na Uy và Thụy Sĩ trong nửa đầu năm nay.


Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã diễn ra tại Brussels trong ngày 16-10, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa 2 khối. Ðây là cơ hội để EU mở rộng quan hệ đối tác với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait - những quốc gia có vị thế quan trọng về địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức quốc tế phức tạp.


HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph, Bloomberg)

 

Chia sẻ bài viết