15/10/2024 - 09:06

Bạo lực, bất ổn chính trị “phủ bóng” thượng đỉnh SCO 

Trong bối cảnh bất ổn chính trị và tình trạng bạo lực không ngừng tiếp diễn, đặc biệt là sau vụ tấn công nhằm vào đoàn xe chở kỹ sư Trung Quốc tại thành phố cảng Karachi mới đây khiến 2 người thiệt mạng, Pakistan hôm 13-10 đã cho phong tỏa thủ đô Islamabad trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)  trong 2 ngày 15 và 16/10, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia Nam Á này.

Binh sĩ Pakistan được triển khai để bảo vệ an ninh cho thượng đỉnh SCO. Ảnh: AFP

Vụ tấn công không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về giao thức an toàn dành cho du khách mà còn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, đe dọa quan hệ ngoại giao, thách thức hình ảnh của Pakistan trên trường quốc tế. Vụ tấn công diễn ra chỉ ít lâu sau khi Pakistan khởi xướng chiến lược chống khủng bố mới, gồm các nỗ lực xây dựng liên minh khu vực nhằm hỗ trợ các sáng kiến chống khủng bố của nước này.

Theo hãng tin AFP, với sự tham dự của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cùng nhiều quan chức cấp cao khác, thượng đỉnh SCO lần thứ 23 sẽ tập trung luận bàn các vấn đề về thương mại, nhân đạo và văn hóa dù nhiệm vụ cốt lõi của SCO là vấn đề an ninh.

Chính sự hiện diện của những nhà lãnh đạo nói trên cho thấy tầm quan trọng của hội nghị, đặc biệt là sự góp mặt của Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ đến Pakistan trong vòng 9 năm qua. Theo giới chuyên gia, sự hiện diện của ông Jaishankar tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ - Pakistan căng thẳng. Trong khi đó, sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ mang lại uy tín cho hội nghị, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận xung quanh các thỏa thuận quan trọng liên quan đến Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

SCO gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Belarus cùng với 16 quốc gia khác với tư cách là quan sát viên hoặc “đối tác đối thoại”. SCO đôi khi được coi là giải pháp thay thế cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và là diễn đàn để Trung Quốc gây ảnh hưởng tại khu vực.

Hơn nữa, hội nghị lần này đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của phái đoàn chính phủ mới của Iran. Đây là cơ hội quan trọng để Pakistan bắt tay với giới lãnh đạo Iran để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi tại khu vực.

Song, bất chấp những triển vọng đầy hứa hẹn nói trên, giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về kết quả tiềm năng của hội nghị đối với Pakistan do tình hình bất ổn chính trị và các thách thức an ninh đang diễn ra. Theo đó, mối quan hệ giữa Chính phủ Pakistan và các đảng đối lập ngày càng trở nên căng thẳng khi cả hai bên đưa ra những lời cáo buộc đe dọa làm lu mờ tầm quan trọng của hội nghị.

Gần đây, Pakistan còn mạnh tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, cấm một phong trào dân tộc chủ nghĩa, ban hành luật mới để hạn chế biểu tình ở Islamabad cũng như bắt giữ hàng trăm người ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập Imran Khan. AFP cho hay Islamabad cũng đã cho phép triển khai lực lượng quân đội trên đường phố trong suốt thời gian diễn ra hội nghị (bên cạnh 10.000 nhân viên cảnh sát và bán vũ trang); phong tỏa các con đường để hạn chế việc di chuyển xung quanh khu vực diễn ra hội nghị. Trong khi đó, khu nhà tổ chức hội nghị sẽ được các hàng rào thép gai bảo vệ. Ngoài ra, theo tờ Times of India, để bảo đảm an ninh cho hội nghị, chính quyền trung ương đã cho phép 3 ngày nghỉ lễ, bắt đầu từ ngày 14-10.

Imtiaz Gul, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và An ninh Pakistan, nhận định hội nghị có ý nghĩa rất lớn đối với một quốc gia “không được coi là an toàn” như Pakistan. “Chính phủ tuyên bố triển khai các biện pháp an ninh phức tạp. Điều này là dễ hiểu bởi họ phải đảm bảo rằng sự kiện diễn ra trong hòa bình và không có bất kỳ sự cố đáng tiếc nào” - ông Gul nói.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết