Chuyển đổi số là định hướng thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch theo hướng năng động và bền vững. Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đang được nhiều cơ quan quản lý, đơn vị và doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, tập trung thực hiện.
Đưa công nghệ số vào hoạt động du lịch
Chuyển đổi số trong du lịch là hướng đến xây dựng, định hình hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng linh hoạt công tác quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ, tiện ích công nghệ cho du khách. Bên cạnh xây dựng dữ liệu số về du lịch, những sản phẩm công nghệ tiên tiến, như tham quan thực tế ảo 360 độ, website 360 độ, màn hình tương tác thông tin tích hợp giới thiệu điểm đến… đang được ngành Du lịch nước ta nghiên cứu ứng dụng. Các sản phẩm này không chỉ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng mà còn gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan. Theo đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động du lịch với hình thức đa dạng.
Người tham gia chương trình “Hành trình dìa nhà - Khám phá thu Tây Đô” ứng dụng mạng xã hội để vượt trạm, tích điểm. Ảnh: CTV
Một trong những ứng dụng công nghệ số được nhiều du khách quan tâm chính là mô hình trải nghiệm trò chơi tham quan. Cụ thể, nhiều game trải nghiệm như Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Tour game di sản ở làng cổ Đường Lâm, Chương trình trải nghiệm foodtour phố cổ Hà Nội… đều được du khách đón nhận và yêu thích. Với những hành trình này, du khách phải nhập vai người chơi và sử dụng bản đồ số, hoặc các ứng dụng (app) của chương trình để trải nghiệm, truy tìm điểm đến, vượt trạm lấy điểm thưởng để về đích. Ứng dụng sẽ có bản vẽ đường đi từng trạm, khi đến đúng điểm, du khách được giới thiệu thông tin về di sản đó. Đồng thời, các nhiệm vụ, thử thách cũng lần lượt được đưa ra, gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến. Người chơi phải trả lời từng câu hỏi để tích điểm. Việc tạo trải nghiệm thành game và ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch sẽ góp phần gia tăng tính hấp dẫn cho hành trình khám phá của du khách.
Tại Cần Thơ, một số đơn vị đã đưa công nghệ vào hoạt động du lịch theo nhiều hình thức. Chương trình “Hành trình dìa nhà - Khám phá thu Tây Đô”, hành trình “Di sản bên sông”… của Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ đều kết hợp linh hoạt công nghệ vào các trải nghiệm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho biết: “Trong các hành trình khám phá, chúng tôi thiết kế chương trình để làm sao du khách trở thành người chơi game. Chúng tôi dẫn dắt game bằng công nghệ, nghĩa là dựa trên thói quen của du khách với điện thoại thông minh, mạng xã hội và tận dụng điều đó để xây dựng các trạm check-in, đặt mật mã. Du khách phải vượt qua từng thử thách và điều đó được hiển thị trên ứng dụng, bản đồ số của mỗi chương trình”. Cụ thể như chương trình “Hành trình dìa nhà - Khám phá thu Tây Đô”, du khách sẽ dựa trên bản đồ số đến các trạm ở Bảo gia trang viên, Chợ Cái Chanh, Bảo gia Farm Camping, từng bước giải mật thư tích điểm hoàn thành thử thách, đổi quà… Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Flex Travel, cho biết: “Tôi rất thích các hoạt động teambuilding như thế này vì sự sáng tạo và tạo sự thú vị cho người chơi”.
Thực tế, khi ứng dụng công nghệ vào du lịch sẽ mang đến nhiều lợi ích, vừa gia tăng tính trải nghiệm cho du khách vừa tiết kiệm nhiều chi phí vận hành, thời gian; đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa, quảng bá tốt. Không cần các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức quảng bá mà tự người chơi đã lan tỏa hình ảnh, trải nghiệm trên các ứng dụng, mạng xã hội một cách chân thực.
Da dạng hóa ứng dụng số
Victoria Resort Cần Thơ đang ứng dụng công nghệ số để tạo thêm tiện ích cho khách trải nghiệm, bên cạnh các chương trình workshop làm bánh dân gian (ảnh), làng nghề truyền thống... Ảnh: Victoria Resort Cần Thơ
Tại Cần Thơ, nhiều đơn vị lưu trú đang ứng dụng công nghệ để mang đến nhiều tiện ích cho du khách. Bà Võ Xuân Thư, Tổng Giám đốc Victoria Resort Cần Thơ, cho biết: “Để tạo thêm sự thoải mái, tiện ích cho du khách, khách sạn chúng tôi đang hướng tới một số dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, du khách có thể quét mã QR Code để sử dụng dịch vụ tại khách sạn, lựa chọn check-in tiết kiệm thời gian thông qua điện thoại hoặc cổng thông tin khách hàng”.
Trong khi đó tại SOJO Hotel Can Tho, các tiện ích của khách sạn đều có thể được thực hiện qua điện thoại. Cụ thể, du khách có thể đặt phòng và check in/chọn phòng trực tuyến 100% trước thời điểm lưu trú 48h. Du khách chỉ cần sử dụng thiết bị có camera để thực hiện các thủ tục và gửi lên hệ thống của SOJO qua các kênh: mobile app hoặc website. Khi thực hiện check-in trực tuyến thành công, du khách chỉ cần đến nhận chìa khóa tự động từ ki-ốt để lên phòng. Các tiện ích trong phòng và các dịch vụ đều được kết nối ứng dụng qua điện thoại, du khách chỉ cần đặt dịch vụ là có thể trải nghiệm. Tương tự, WINK Hotel Can Tho cũng hướng đến sự tiện ích dành cho du khách. Khách sạn ứng dụng công nghệ số hiện đại, làm thủ tục tự động tại quầy hoặc qua các ứng dụng công nghệ thông minh trên điện thoại, nhận - trả phòng nhanh chóng, thanh toán không tiền mặt ngay tại các máy pha cà phê, bán hàng tự động tại các tầng khách sạn, khu vực tiện lợi hoặc khu vực giặt ủi. Mỗi phòng đều có trang bị tivi thông minh, cho phép khách lưu trú có thể trực tiếp kết nối thiết bị cá nhân. Đặc biệt, WINK Hotel Can Tho còn có cửa hàng tiện lợi 24/7 Grab & GO và 24/7 WINK Bar.
Trong kế hoạch Chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có xác định chuyển đổi số trong ngành du lịch là một trong những nội dung quan trọng và ưu tiên. Các phần việc cần được tập trung đó là phát triển, triển khai các ứng dụng số để cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh và thay đổi phương thức tương tác với khách du lịch trên môi trường số: xây dựng hệ thống Thẻ du lịch thông minh tích hợp đa dạng các thông tin, dịch vụ, tiện ích cho du khách; số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa giải trí trên địa bàn sử dụng bản đồ số; ứng dụng thuyết minh du lịch trên thiết bị di động sử dụng các công nghệ chuyển đổi giọng nói giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ thông dụng khác; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ mới khác nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng sức hấp dẫn của các điểm đến. Hướng tới hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển, triển khai ứng dụng du lịch số theo hướng “All-in-one” để hỗ trợ khách du lịch trong suốt chuyến du lịch (đặt phòng/tour, đặt vé tàu/xe/máy bay, các dịch vụ du lịch khác). Ðồng thời, tích hợp, kết nối với các ứng dụng cho phép tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch; tích hợp, kết nối nền tảng thanh toán trực tuyến của địa phương, đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm đến du lịch. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch (cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển, khu, điểm du lịch, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...).
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từng bước đổi mới hình thức quảng bá xúc tiến du lịch, quản lý điểm đến truyền thống sang hình thức sử dụng các công nghệ số. Ðồng thời số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch, các tài nguyên, sản phẩm du lịch; kết nối và chia sẻ thông tin về thị trường khách; tăng cường hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Cần Thơ với các địa phương khác. Theo đó, ngành Du lịch địa phương đã phối hợp với VNPT Cần Thơ, Viettel Cần Thơ, Mobifone Cần Thơ xây dựng và thí điểm nhiều mô hình về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, như hệ thống du lịch thông minh, nền tảng du lịch thông minh, sàn thương mại điện tử... Cụ thể, VNPT đã phối hợp với ngành Du lịch thành phố xây dựng thí điểm hệ thống du lịch thông minh, tập trung vào 6 nội dung chính: cổng thông tin du lịch thành phố, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị điện thoại, bản đồ số du lịch, phân tích phản hồi của du khách về du lịch trên hệ thống tích hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, xây dựng hệ thống chatbox tích hợp vào cổng thông tin du lịch thành phố và ứng dụng di động. Hiện cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh đã tích hợp nhiều tích năng mới, hiện đại, như: bản đồ du lịch ảo 3D, giới thiệu các điểm đến du lịch Cần Thơ bằng công nghệ VR360, camera 360…
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch tại Cần Thơ đang được quan tâm, không chỉ ở góc độ quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, mà còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch. Điều này không chỉ góp phần thiết lập, xây dựng nền tảng dữ liệu số, hệ sinh thái du lịch thông minh mà còn là góp phần tạo lực thúc đẩy phát triển du lịch địa phương linh hoạt theo hướng hiện đại.
ÁI LAM