17/10/2024 - 07:53

Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi kép 

Cùng với các chương trình đồng hành, khuyến khích doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng số hóa và xanh hóa của thành phố, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã từng bước ứng dụng công nghệ số, gắn với chuyển đổi xanh vào quy trình sản xuất kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi kép, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam.

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (Ban Quản lý), cho biết: Để thúc đẩy doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chuyển đổi kép, theo xu thế số hóa và xanh hóa, Ban Quản lý đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố cùng các doanh nghiệp số triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, cung cấp các giải pháp công nghệ số, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh.

Hiện TP Cần Thơ có 6 khu công nghiệp, với trên 176 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, góp phần tạo việc cho hơn 42.630 người lao động trong và ngoài thành phố. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, chế biến thủy sản xuất khẩu… có đủ tiềm lực về tài chính và nhân lực, đã thực hiện chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng số hóa và xanh hóa, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, như giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh thị trường.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, lông vũ xuất khẩu, nên việc đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu rất được doanh nghiệp chú trọng. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tự động hóa vào dây chuyền may mặc, nhằm tăng năng suất và tối ưu hóa chí phí sản xuất; sử dụng phầm mềm quản lý, kiểm soát hàng hóa từ kho nhập nguyên liệu đến đơn hàng của khách hàng…

Theo ông Thanh, việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động, đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu hóa nguồn lực và nhất là nâng cao năng lực làm việc cho công nhân, nhân viên kỹ thuật tại đơn vị.

Là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra có thương hiệu trên thị trường, Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam (SOUTH VINA) khu công nghiệp Trà Nóc 2 đã không ngừng đầu tư công nghệ, trang bị máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất, áp dụng tốt các tiêu chuẩn chất lượng vào quy trình chế biến như HACCP, BRC, ISO 22000, IFS, ASC, đáp ứng tối ưu yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Cùng với đó, SOUTH VINA còn đầu tư, lắp đặt hệ thống giàn nước nóng năng lượng mặt trời, phục vụ cho việc vệ sinh dụng cụ chế biến cá tra…

Theo ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc SOUTH VINA, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ, trong đó, có giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo vào quy trình sản xuất đã giúp SOUTH VINA tiết giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc về sử dụng năng lượng xanh - sạch, bảo vệ môi trường của các nhà nhập khẩu…

Nhờ đó, SOUTH VINA ngày càng khẳng định thương hiệu và uy tín với khách hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu và đạt tổng doanh thu từ 50 triệu USD trở lên/năm, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 1.000 công nhân và người lao động làm việc tại SOUTH VINA.

Theo nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, việc chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh chỉ thực hiện ở các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực về tài chính và nhân sự, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa, như mới chuyển từ các tài liệu giấy sang bản mềm, ứng dụng chữ ký số, khai thuế điện tử… còn việc áp dụng các phần mềm quản lý theo hệ thống bài bản, từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến khâu sản xuất, thành phẩm, bảo quản đến đầu ra tới khách hàng chưa thể thực hiện được, bởi còn khó khăn về tài chính, nhân sự…

Theo ông Phạm Duy Tín, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình chuyển đổi số, Ban quản lý sẽ tiếp tục tìm cơ hội, kết nối với các đối tác chuyên cung cấp giải pháp công nghệ số, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, để có thể ứng dụng các giải pháp số phù hợp với điều kiện hiện có; đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng thành phố có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ cùng các giải pháp số hóa; kết hợp xây dựng lộ trình cho chuyển đổi số một cách bài bản hơn cho doanh nghiệp…

Từ đó, không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi kép, mà còn góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút doanh nhiệp tăng cường đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Chia sẻ bài viết