16/10/2024 - 14:50

Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó cho giao thông ĐBSCL 

(CTO) - Hầu hết các dự án cao tốc đang triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%, do thiếu nguồn cát.

Sáng 16-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL…

Chậm tiến độ do thiếu cát

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tinh thần hội nghị hôm nay, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, không để trì trệ, không để kéo dài. Phân công thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả”.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, các địa phương, nhà thầu… đánh giá lại sau 3 tháng (tháng 7-2024) tại cuộc họp của Thủ tướng, các Bộ ngành Trung ương với các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm triển khai tại ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: A.KHOA

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL có nhiều lợi thế, nhưng hạ tầng giao thông còn khó khăn, vận chuyển hàng hóa khó, làm tăng chi phí logistics, khó cạnh tranh sản phẩm. Vì vậy, phải nghiên cứu thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa vùng ĐBSCL, tích cực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp phân quyền… để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm hiệu quả nhất. Thủ tướng đề nghị các Bộ xem các vấn đề về thủ tục, bố trí nguồn vốn trên nguyên tắc bố trí đủ nhu cầu của các địa phương; các địa phương xem nguyên vật liệu vướng cái gì, vướng ở đâu để báo cáo tại hội nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ.  

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương để chỉ đạo, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, các dự án cao tốc đang triển khai tại ĐBSCL đều chậm tiến độ 4% đến 15% so với kế hoạch.

Lãnh đạo các địa phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: A.KHOA

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, riêng Dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua TP Cần Thơ).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra cao tốc Cần Thơ - Cà Mau ngày 15-10-2024. Ảnh: AN CHI

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, để đảm bảo hoàn thành các dự án theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại ĐBSCL (riêng Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực). Tuy nhiên, hầu hết các dự án/dự án thành phần (DATP) đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%.

Trong các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, chỉ có DATP1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án cầu Rạch Miễu 2, Dự án cầu Đại Ngãi đáp ứng tiến độ; nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án. Hiện nay, tại Dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000 mét khối/76.000 mét khối. "Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10-2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.

Khoảng 106.000 tỉ đồng vốn đầu tư 9 dự án trọng điểm tại ĐBSCL

ĐBSCL đang triển khai 9 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức triển khai thi công, Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 (gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km, gồm: 2 Dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; DATP1 Cao Lãnh - An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ.

 

Bàn làm, không bàn lùi

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu mét khối/nhu cầu 65 triệu mét khối. Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cát đáp ứng tiến độ các dự án, căn cứ vào trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án, tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Khai thác mỏ cát ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: AN CHI

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương: Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp phép khai thác mỏ cát với các mỏ thương mại và mỏ theo cơ chế đặc thù của Trung ương. Đồng thời cũng phản ánh đa số các mỏ trữ lượng khai thác không đáp ứng yêu cầu, thiếu hụt so với đánh giá ban đầu, có mỏ không có cát khai thác. Một số mỏ cát ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, nên cần thời gian đánh giá đầy đủ tác động môi trường,… Các địa phương đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét bố trí thêm vốn trong năm 2024 với các dự án đang cần vốn để giải ngân kịp tiến độ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát ở Vĩnh Long cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, tháng 5-2024.  Ảnh: AN CHI

Theo Bộ GTVT, vốn bố trí cho các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ thi công (vốn bố trí năm 2024: Dự án Cần Thơ - Cà Mau 5.850 tỉ đồng; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 10.423 tỉ đồng; Dự án Cao Lãnh - An Hữu 2.454 tỉ đồng; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận 1.390 tỉ đồng). Riêng DATP1 Dự án Cao Lãnh - An Hữu cần bổ sung thêm 250 tỉ đồng, tỉnh Đồng Tháp đang cân đối nguồn vốn của địa phương; Dự án cầu Rạch Miễu 2 cần bổ sung thêm 1.192 tỉ đồng vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết. Tiến độ giải ngân vốn năm 2024 của các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt từ 75%-98%), riêng DATP3 (Hậu Giang) và DATP4 (Sóc Trăng) thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn thấp hơn so với mặt bằng chung.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: AN CHI

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, bộ trên tinh thần là đảm bảo bố trí đủ vốn cho các dự án giao thông quan trọng của vùng.  Đến nay, vốn đầu tư công bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT khoảng 72.000 tỉ đồng. 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hôm nay là cuộc họp thứ 6 về vấn đề cao tốc ở ĐBSCL. Tôi đề nghị các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương trên tinh thần khó ở đâu thì ở đó gỡ; bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng cho biết, từ khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu các dự án cao tốc ở ĐBSCL, với nhiều cuộc họp, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện. Chúng ta đã biến cái không thể thành cái có thể, từ khó thành dễ, từ không có tuyến đường đến có các dự án cụ thể và nhiều cây cầu lớn đã hoàn thành. Từ cánh đồng lúa bát ngát đến cao tốc hiện đại để góp phần phát triển ĐBSCL. Kết quả này là nỗ lực rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu không để chậm tiến độ các dự án, phải hoàn thành mục tiêu 2025 phải có 3.000km cao tốc, trong đó ĐBSCL là 207km. Khó ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không để trì trệ, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.200km. Vì vậy phải làm sao đến 2025 ĐBSCL có 550km đường cao tốc được đưa vào khai thác, đến 2030 có 1.200km. Các dự án nếu kéo dài sẽ lãng phí nguồn lực, nên chúng ta làm dựa trên đòi hỏi của nhân dân, của yêu cầu phát triển ĐBSCL. Và đã làm thì phải có sản phẩm cụ thể, kết quả cụ thể. “Giao thông phải đi trước mở đường để đưa ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần quyết tâm chính trị cao nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang ngày 15-10-2024. Ảnh: AN CHI

GIA BẢO - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết