16/10/2024 - 10:00

Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập 

Luật Hộ tịch năm 2014 liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Sau thời gian triển khai thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn TP Cần Thơ, đã đạt được những kết quả quan trọng, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hộ tịch được thực hiện nhanh chóng, khoa học, đáp ứng yêu cầu của người dân...

Lãnh đạo Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho người dân.

Chị Tr.T.K ngụ phường Thới An, quận Ô Môn vừa hoàn tất thủ tục hành chính đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Chị K bộc bạch: “Tôi kết hôn với người nước ngoài hơn 3 tháng. Theo quy định hiện hành, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã được rút ngắn. Tôi thực hiện thủ tục dễ dàng”.

Theo quy định, từ ngày 1-1-2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài được chuyển giao cho UBND cấp huyện. Quy trình giải quyết đã được rút gọn, đơn giản các thủ tục không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý. Nhờ đó, thời gian đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được rút ngắn từ 25 ngày làm việc xuống còn 15 ngày. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký kết hôn trong nước, khai sinh, khai tử, thực hiện đăng ký nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh, bản sao giấy tờ hộ tịch... đều được thực hiện nhanh gọn, khoa học hơn.

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: “Chúng tôi đã kịp thời có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cán bộ phụ trách lĩnh vực hộ tịch các phường nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng quy định Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tham mưu UBND quận ban hành Quyết định 482/QĐ-UBND ngày 2-4-2024 về việc ủy quyền giải quyết một số thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch cho Phòng Tư pháp”. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cấp quận đã tiếp nhận, giải quyết 1.246 hồ sơ; cấp phường đã tiếp nhận, giải quyết 18.817 hồ sơ. Tất cả đều đúng hẹn. Việc thực hiện Đề án 06, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu hộ tịch, số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn đạt 100%, đã hoàn thành việc số hóa sổ hộ tịch.

Ông Bùi Đức Lợi, Chủ tịch UBND phường Thới Thuận, cho biết: “Phòng Tư pháp quận thường xuyên hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, việc sử dụng các tính năng mới của phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức phụ trách công tác tuyên truyền, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ đó, chúng tôi vận dụng kịp thời các văn bản, tài liệu có liên quan để nắm bắt các quy định pháp luật, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương thực hiện cho phù hợp”.

UBND phường Thới Thuận quan tâm chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch quản lý, sử dụng các loại hồ sơ hộ tịch; sổ hộ tịch; biểu mẫu hộ tịch; việc mở sổ, ghi chép, khóa sổ… đúng theo Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ và Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 16-7-2020 của Bộ Tư pháp... Chị Trần Thị Trúc Ly, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Thới Thuận, cho biết: “Chúng tôi phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội phường thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch. Đến nay, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014. Đồng thời, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch”.

Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở huyện Cờ Đỏ có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu của người dân. 9 tháng đầu năm 2024, cấp huyện đã tiếp nhận, giải quyết 2.406 trường hợp; cấp xã đã tiếp nhận, giải quyết 17.211 trường hợp. Toàn huyện đã số hóa 204.632 trường hợp sổ hộ tịch giấy lên phần mềm hộ tịch điện tử dùng chung, đạt tỷ lệ 99,9%... Ông Trần Tấn Lợi, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Đội ngũ làm công tác tư pháp được củng cố, kiện toàn, chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, tạo sự chuyển biến cơ bản trong tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tình hình mới. Hiện nay, Phòng Tư pháp có 4 biên chế; tổng số công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã là 16 người. Tất cả đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên”.

Quận Cái Răng cũng thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Ông Lâm Thành Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp quận Cái Răng, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực theo quy định của pháp luật về hộ tịch, chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác Tư pháp - Hộ tịch, chứng thực cho cán bộ, công chức...”...

Việc tạo chuyển biến trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch bằng dữ liệu điện tử thay sổ sách, biểu mẫu hộ tịch, cũng như thời gian được rút ngắn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết