19/09/2024 - 12:26

Trăm năm khóm Cầu Đúc
Bài cuối: Định hình mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc 

Người dân trồng khóm Cầu Đúc bây giờ đã quá quen với khái niệm trồng khóm VietGAP, GLOBALGAP, sản phẩm OCOP khóm Cầu Đúc hay việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây khóm. Những nông dân một nắng hai sương miền Hậu Giang cũng đang quen dần với du lịch nông nghiệp, mỗi nông dân là một hướng dẫn viên, mỗi rẫy khóm là một điểm tham quan. Việc định hình mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc đang được ngành Du lịch địa phương quan tâm. Chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết:

- Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc có vị thế thuận lợi, là một phần ven sông Cái Lớn, có cánh đồng khóm bạt ngàn, có Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh là Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (Căn cứ Chìa Khóm). Nơi đây, có nguồn lực để phát triển du lịch, các hộ dân có điều kiện làm du lịch cộng đồng, là điểm đến mới lạ, thích hợp với những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với ruộng đồng.

Nhằm phát huy giá trị của khóm Cầu Đúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã tổ chức xác lập kỷ lục và lần lượt được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục các món ăn từ khóm Cầu Đúc. Đây là cơ hội để khóm Cầu Đúc khẳng định vị thế và tiếp tục vươn xa, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.

Bà Nguyễn Thị Lý (bìa trái) cùng các chuyên gia ẩm thực tại Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang”, trình diễn 200 món ăn chế biến từ khóm Cầu Đúc và cá thát lát, nhằm quảng bá du lịch Hậu Giang.

Hiện nay, khóm Cầu Đúc được chế biến thành những sản phẩm có giá trị, như mứt khóm, bánh khóm, rượu khóm, nước màu khóm… và nhiều món ăn dân dã, đậm đà hương vị: bánh xèo củ hủ khóm, khóm nấu canh chua, khóm xào tép, cá kho khóm… Đây là những sản phẩm để khách du lịch khi đến nơi đây có thể thưởng thức và mua về làm quà tặng.

Ngoài ra, địa phương định hướng vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc liên kết với các tour, tuyến, kết nối các điểm du lịch lân cận bằng đường bộ lẫn đường thủy như: chợ quê Vị Thanh (chợ nông sản phường III, TP Vị Thanh), các di tích lịch sử, đi thuyền từ kênh xáng Xà No (lấy trọng tâm là Tàu Du lịch Xà No làm trung tâm kết nối)…

* Mô hình làng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc thời gian qua được nhiều du khách biết đến. Xin bà chia sẻ thêm về mô hình này?

- Vừa qua, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, Đề án có đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thí điểm xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, trong phạm vi khu vực tập trung canh tác khóm Cầu Đúc. Hiện tại đã có 6 hộ và 1 hợp tác xã đồng ý tham gia mô hình với các nội dung: cung cấp các dịch vụ về ẩm thực, quà lưu niệm, tham quan, trải nghiệm trò chơi dân gian, văn nghệ, vận chuyển, lưu trú, du lịch đường sông, cơ sở chế biến các sản phẩm từ khóm… Đề án cũng đã xác định 8 bước để thực hiện, trong đó chú trọng tiến hành xây dựng các thiết chế để vận hành hô hình như thiết lập các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng; thiết kế cảnh quan chung và từng hộ; hàng hóa, đặc sản địa phương; lưu thông và phương tiện vận chuyển; hướng dẫn viên địa phương… Đặc biệt, địa phương quan tâm xây dựng bộ sản phẩm du lịch cùng các tour, tuyến kết nối: sản phẩm lưu trú; sản phẩm ẩm thực; sản phẩm tour - các hoạt động trải nghiệm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; hoạt động thể lực: thể thao, dưỡng sinh… Việc xây dựng lịch trình tour hoàn chỉnh dựa trên các dịch vụ, hoạt động trải nghiệm đã được xác định và lựa chọn phù hợp với yêu cầu của du khách.

Ngành Du lịch tỉnh Hậu Giang cũng đang triển khai xây dựng bộ thuyết minh chuẩn cho các sản phẩm du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, bên cạnh xây dựng bộ thực đơn chuẩn chuyên về trái khóm và cây khóm. Việc cụ thể hóa các quy tắc ứng xử cho mô hình, nghiên cứu thị trường và xác định nhóm du khách mục tiêu cũng đang được triển khai.

* Đâu là những định hướng trong khai thác trái khóm và nghề trồng khóm Cầu Đúc gắn với du lịch trong thời gian tới, thưa bà?

- Trong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, chúng tôi đã định hướng khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các thế mạnh, đặc trưng của vùng trồng khóm Cầu Đúc, cũng như trái khóm và các sản phẩm làm từ khóm. Do đó, thời gian tới tỉnh sẽ sớm xây dựng hoàn thành mô hình để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.

Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Hậu Giang đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch trong thời gian tới là tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, trong đó có du lịch trên tàu tuyến kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục khai thác những thế mạnh của trái khóm cũng như nghề trồng khóm để xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần vào xây dựng điểm nhấn du lịch trên của tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan và nhà vườn nâng cao chất lượng các sản phẩm làm từ trái khóm để tạo ra nhiều sản phẩm, làm phong phú thêm quà tặng du lịch từ trái khóm, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc và sản phẩm khóm, nghề trồng khóm đến với các đơn vị kinh doanh lữ hành, du khách trong và ngoài tỉnh.

Với niềm tự hào về đặc sản quê hương cũng như ý thức giá trị tài nguyên du lịch quý báu này, tỉnh Hậu Giang nỗ lực để khóm Cầu Đúc ngày càng có sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa địa phương.

Xin cảm ơn bà!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết