15/10/2024 - 19:53

Nga phản ứng trước cuộc tập trận hạt nhân của NATO 

Điện Kremlin cho rằng cuộc tập trận hạt nhân thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn ở Ukraine.

Oanh tạc cơ B-52 của Mỹ cất cánh. Ảnh: Airforce Times

“Trong bối cảnh xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine, những cuộc tập trận như vậy chỉ khiến căng thẳng leo thang”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, ám chỉ cuộc tập trận hạt nhân Steadfast Noon của NATO khai mạc vào ngày 14-10.

Cuộc tập trận trên huy động khoảng 60 máy bay từ 13 quốc gia, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35A và oanh tạc cơ B-52 với khả năng mang vũ khí hạt nhân. Khoảng 2.000 quân nhân từ 8 căn cứ ở các nước thành viên NATO tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần này.

Các máy bay tham gia tập trận chủ yếu hoạt động trên không phận Bỉ, Hà Lan, Anh, Đan Mạch, cùng vùng biển nối giữa eo biển Anh và biển Na Uy. Nhân vật chính của sự kiện quân sự này là 3 quốc gia NATO có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp) và 5 thành viên không có vũ khí hạt nhân (Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ). Các nước thành viên còn lại thực hiện chức năng phụ trợ.

Đây là cuộc tập trận hạt nhân Steadfast Noon thứ ba của NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Không giống như những cuộc tập trận trước, sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh chính sách hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa được cập nhật.

Mặc dù các quan chức NATO nhấn mạnh rằng cuộc tập trận không phải là phản ứng trước bất kỳ tuyên bố nào gần đây từ Mát-xcơ-va, nhưng rõ ràng là khối quân sự do Mỹ dẫn đầu muốn thể hiện khả năng răn đe hạt nhân đối với Nga bằng cách phô trương năng lực của mình. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố Steadfast Noon là màn phô trương năng lực răn đe của liên minh, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng đến mọi đối thủ rằng NATO sẽ bảo vệ mọi đồng minh.

Theo các chuyên gia, khi xung đột Nga - Ukraine đang tiến gần đến các cuộc đàm phán tiềm năng, tất cả các bên đều tìm cách tạo đòn bẩy để giành lợi thế trên bàn đối thoại. Các cuộc tập trận hạt nhân của NATO đóng vai trò là một “con bài mặc cả” quan trọng cho các cuộc đàm phán.

Trong những năm gần đây, NATO liên tục tăng cường các cuộc tập trận hạt nhân, viện dẫn các mối đe dọa bên ngoài gia tăng. Theo tờ Newsweek, Mỹ đã triển khai bom trọng lực hạt nhân B61 ở châu Âu như một phần trong các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, trong đó vũ khí hạt nhân vẫn nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của quân đội xứ cờ hoa. Chúng sẽ được trang bị trên các chiến đấu cơ của đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gần đây nhấn mạnh: “Mối đe dọa hạt nhân không chỉ giới hạn trong sách lịch sử và vũ khí hạt nhân vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với nhân loại, một lần nữa xuất hiện trong diễn ngôn hàng ngày của quan hệ quốc tế”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cho rằng Nga không thể đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ, vì các cường quốc phương Tây đã tham gia cuộc xung đột chống lại Mát-xcơ-va. Do đó, mọi cuộc đàm phán an ninh cần bao trùm phạm vi rộng hơn nhiều so với hiện tại.

Tuần rồi, sau khi Giải Nobel Hòa bình được trao cho Nihon Hidankyo, tổ chức đại diện cho những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẵn sàng tham gia đàm phán với Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết để giảm mối đe dọa hạt nhân.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết