16/10/2024 - 08:40

Công nghệ sinh học giúp tăng tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam 

Hòa cùng xu thế phát triển chung của thế giới, thời gian qua nước ta đã quan tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Song, do gặp nhiều khó khăn nên việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế và chậm so với một số nước trên thế giới, ngành chức năng cần quan tâm để có giải pháp thúc đẩy nhanh hơn…

Nhiều lợi ích từ CNSH

Hiện nay CNSH đã được đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đáng chú ý, việc nghiên cứu, tạo ra những giống cây trồng mới từ CNSH, nhất là công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất lợi. Công nghệ sinh học cũng đã được ứng dụng vào bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và gia tăng giá trị xuất khẩu. Các giải pháp công nghệ vi sinh được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm sử dụng phân bón hóa học, từ đó nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác.

Thời gian qua, có nhiều giống hoa kiểng đẹp được tạo ra từ việc ứng dụng CNSH đã được nông dân tại ĐBSCL đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu về các giống hoa mới được trưng bài tại một sự kiện triển lãm ở tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), CNSH là một thành tựu của nhân loại đã trở thành công cụ khoa học mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo của ngành Nông nghiệp trên thế giới trong ít nhất 3 thập kỷ vừa qua. Các chế phẩm sinh học được sử dụng rộng rãi cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như một giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững. Nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng ổn định. Công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống. Hiện toàn thế giới đã có gần 200 triệu héc-ta cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ trồng đậu tương biến đổi gen đã chiếm 78% diện tích đậu tương toàn cầu, cây bông vải chiếm 64%, cây bắp chiếm 26% diện tích bắp toàn cầu... CNSH đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là cây bắp, đậu tương và cây bông. Giúp giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí sản xuất đầu vào…

Tại Việt Nam, sau quá trình khảo nghiệm chặt chẽ theo các chuẩn mực quốc tế, cây bắp, đậu tương và cây bông biến đổi gen đã được phép gieo trồng và sử dụng ở nước ta từ năm 2014. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân tại nhiều địa phương. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học và kỹ thuật cấy mô cũng giúp nâng cao hiệu quả trong nhân giống cây trồng và quản lý, phòng trừ các loại dịch hại.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng

Nhằm thúc đẩy ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế". Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế và còn chậm so với nhiều nước trên thế giới. Tới đây, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp để tăng cường các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức và hành động của các bên có liên quan. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn nữa. Chú ý hoàn thiện các khung hành lang pháp lý và có thêm nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác quản lý, phòng tránh các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Ông Cao Đức Phát cho rằng: "Lợi ích của việc sử dụng CNSH trong nông nghiệp ở nước ta là không thể phủ nhận, trong khi đến nay không có bằng chứng về những tác hại như một số người lo ngại. Điều đáng tiếc là việc phát triển, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp nước ta còn quá chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng giãn ra". Theo ông Phát, cản trở chính có lẽ là vấn đề nhận thức, vì thế cần nâng cao nhận thức về CNSH và có sự thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương để thực hiện một cách mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều xu thế mới trong phát triển và ứng dụng CNSH, việc kết hợp công nghệ vi sinh và nano trong chế tạo các chế phẩm sinh học đã tạo ra những chế phẩm hết sức có hiệu quả. Công nghệ tế bào không chỉ được sử dụng trong nuôi cấy mô mà còn dùng sản xuất thương mại thịt, cá và nhiều loại thực phẩm khác. Công nghệ CRISPR được sử dụng ngày càng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực tại nhiều nước. Sự kết hợp giữa CNSH và công nghệ số, AI, cho phép nâng cao hiệu quả nghiên cứu và phát triển CNSH vô cùng mạnh mẽ. Để không bị tụt hậu, nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.

Theo TS Đỗ Tiến Phát, Trưởng Phòng Công nghệ Tế bào Thực vật, Viện CNSH thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng CNSH. Những tiến bộ như công nghệ CRISPR hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng CNSH không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.

Hiện nay việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH ở nước ta còn gặp khó do còn gặp vướng mắc ở một số cơ, chế chính sách về huy động, hỗ trợ các nguồn lực đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, cũng như còn hạn chế trong huy động, khuyến khích các doanh nghiệp và đơn vị tư nhân tham gia. Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT, tới đây các cấp thẩm quyền cần quan tâm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện khung hành lang pháp lý để tạo thuận lợi hơn cho nghiên cứu, ứng dụng CNSH và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khối tư nhân tham gia vào các hoạt động phát triển sản phẩm CNSH. Có cơ chế thuận lợi hơn cho đầu tư các phòng nghiên cứu CNSH trọng điểm để có các trang thiết bị hiện đại  giúp đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, cũng như kịp thời triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt kịp các xu hướng của thế giới. Có các quỹ để hỗ trợ các nhà khoa học trong việc hợp tác, nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác nghiên cứu với quốc tế để có thể tiếp cận nhanh các công nghệ mới…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết