Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực ngày càng tăng về trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp (DN) đang nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo hướng xanh và bền vững. ESG (môi trường - xã hội - quản trị) đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của DN. Để thực hiện thành công chuyển đổi ESG, DN cần quan tâm đầu tư các nguồn lực cần thiết, có lộ trình chuyển đổi phù hợp với năng lực DN và nhu cầu thị trường.
Xu thế tất yếu
Trong khuôn khổ hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi ESG: Cơ hội và thách thức cho DN hiện đại” do Cổng thông tin hỗ trợ DN, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển bền vững, khái niệm ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hình hoạt động và chiến lược phát triển của DN.
Hợp tác xã Hòa Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau áp dụng quy trình nuôi tôm siêu thâm canh, truy xuất nguồn gốc để cung ứng cho các DN xuất khẩu.
Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên năng lượng, nước, suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý khí thải, chất thải… đòi hỏi chung tay đạt mục tiêu “Net Zero”. Các thách thức chung mang tính toàn cầu cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích công bằng và bình đẳng, kích thích sáng tạo và đổi mới. Liên Hiệp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải quyết những thách thức trên và tạo ra một “Tương lai bền vững”. Bên cạnh đó, quy chuẩn thương mại của các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe như EU có cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM); chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD); Hoa Kỳ có đạo luật cạnh tranh sạch. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ có những cơ chế tương tự. Xuất khẩu là động lực tăng trưởng của Việt Nam và để giữ được thị trường, động lực “Chuyển đổi xanh” là bắt buộc.
Chuyển đổi ESG không chỉ đơn thuần là việc thực hiện một vài thay đổi nhỏ trong hoạt động kinh doanh. Nó đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về tư duy, chiến lược và quy trình hoạt động. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn DN, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), cộng đồng DN rất quan tâm đến việc chuyển đổi ESG. Bảo vệ môi trường sống hiện nay được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm của DN. Vì vậy, DN cần xem chuyển đổi số là phương tiện, chuyển đổi xanh là mục đích cần hướng đến. Nếu chuyển đổi kép sẽ giúp DN phát triển mạnh mẽ hơn. DN ở các nước phát triển trải qua thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải đánh đổi nhiều yếu tố liên quan đến môi trường và có yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn. DN Việt Nam tham gia thị trường thế giới cần tuân thủ luật chơi và cũng đồng thời góp phần vào quá trình xây dựng Việt Nam thành quốc gia đáng sống hơn.
Tiệm cận với quốc tế
Chuyển đổi ESG mang đến cơ hội lớn để DN tiếp cận thị trường quốc tế và thu hút nhà đầu tư, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức cần vượt qua. Để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại, DN phải tuân thủ các quy định về an toàn sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, cơ hội về bình đẳng giới, tuân thủ quy định về không sử dụng lao động dưới 18 tuổi, các tiêu chuẩn về xã hội với nhà cung cấp, bảo vệ thông tin khách hàng… Các tiêu chuẩn về quản trị để bảo vệ chính DN, cam kết thực hiện ESG hoặc kinh doanh bền vững, tính công khai minh bạch của DN…
Công ty CP Việt Nam Food là một trong những DN đi đầu về nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ, thực hành ESG vào quá trình hoạt động và mang lại hiệu quả cao. Theo ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Food (VNF), trong quá trình chuyển đổi ESG, công ty xác định mô hình phát triển bền vững là tập trung vào yếu tố “E-Environment”. Bởi môi trường là khởi nguồn, là định hướng xuyên suốt, đảm bảo mô hình sản xuất xanh - sạch - bền vững. VNF đầu tư triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, bên cạnh đầu tư thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến tôm, Công ty thu hồi đầu và vỏ tôm để chế biến thành thực phẩm dinh dưỡng sinh học, chất chống oxy hóa tự nhiên, polymer sinh học… VNF cũng áp dụng công nghệ sinh học theo định hướng sản xuất không chất thải để tận thu tối đa nguồn dinh dưỡng từ phụ phẩm tôm và giảm gánh nặng xử lý môi trường. Vì vậy, VNF xem ESG là một hành trình thú vị và không ngừng nghỉ chứ không phải là một điểm đến cố định.
Theo các chuyên gia, DN có hoạt động ESG tốt sẽ thu hút được sự tin tưởng, ủng hộ từ khách hàng, đối tác và nhà đầu tư. ESG giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững. DN có hoạt động ESG tốt sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, mỗi DN cần xác định hành trình chuyển đổi xanh của DN mình sao cho phù hợp với xu hướng thời đại. Mỗi DN sẽ có con đường xanh hóa của riêng mình, yêu cầu khách hàng sẽ dẫn dắt sản phẩm của DN hoặc sản phẩm của DN sẽ thay đổi thói quen của người tiêu dùng. DN mong muốn làm tốt các tiêu chuẩn ESG phải nhận thức được ý nghĩa của việc thực hiện ESG, thay đổi tâm thế, thái độ, quyết tâm và tìm giải pháp vạch lộ trình để đầu tư làm chủ công nghệ. DN cũng cần nỗ lực vượt qua thách thức đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi ESG khi gia nhập vào thị trường quốc tế.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN