01/10/2024 - 07:43

Hợp sức thu hút dòng vốn đầu tư cho ĐBSCL 

ĐBSCL được xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả nước trong bối cảnh mới. Đặc biệt, với lợi thế về nông nghiệp, ĐBSCL được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Theo các chuyên gia, để ĐBSCL phát triển và đạt được mục tiêu kỳ vọng, ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách, các địa phương trong vùng phải năng động, linh hoạt trong thu hút đầu tư từ nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân.

Nhiều điểm nghẽn

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu quy mô nền kinh tế ĐBSCL tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người/năm là 146 triệu đồng.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp ĐBSCL và doanh nghiệp Trung Quốc giao lưu, kết nối đầu tư tại một sự kiện do VCCI chi nhánh ĐBSCL tổ chức.

Với mục tiêu đặt ra, ĐBSCL rất cần việc đa dạng nguồn vốn để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Tuy vậy, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL qua các năm cho thấy việc thiếu đầu tư và đầu tư kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vòng xoáy đi xuống và làm cho ĐBSCL chậm phát triển so các vùng khác.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI còn nhiều hạn chế. Giai đoạn 2014-2023, chỉ có tỉnh Long An là địa phương thu hút tốt các nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách (11,42%), nguồn vốn FDI (30,94%), kế đến là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; các địa phương còn lại tỷ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%. Từ phân tích trên cho thấy, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nếu tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và năng lực khai thác.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL, có 3 nguồn vốn đầu tư vào ĐBSCL là vốn đầu tư toàn xã hội do Chính phủ phân bổ, vốn đầu tư FDI và nguồn vốn từ doanh nghiệp. Về tổng số vốn Chính phủ đầu tư cho ĐBSCL có sự tăng lên đáng kể những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ rót khoảng 65.120 tỉ đồng thì năm 2023 lên hơn 80.000 tỉ đồng. Nguồn lực này giúp khu vực đầu tư tốt hơn về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Tuy vậy nếu phân tích thấu đáo, tổng vốn đầu toàn xã hội trong nội vùng cũng có sự chênh lệch giữa địa phương. Tỉnh nhiều nhất hiện nay là 35.000 tỉ đồng, ít nhất là 12.000 tỉ đồng. Sự đầu tư chênh lệch giữa các địa phương có điều kiện tương đồng là một trong những nguyên nhân kéo vùng đi xuống.

Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của vùng vốn ít và yếu những năm qua, ngoài đột phá trong năm 2020-2021 từ các dự án năng lượng nhà máy nhiệt điện, điện gió, tỷ trọng FDI vào ĐBSCL rất ít. Hiện ĐBSCL có 2.063 dự án FDI, với tổng vốn 35,6 tỉ USD, chỉ chiếm 7,6% cả nước. Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp (DN) đưa vốn vào xã hội, các DN thành lập mới không tăng.

Năm 2023, toàn vùng có 15.043 DN thành lập mới thì có tới 14.800 DN rời thị trường, tức cả năm chỉ có 190 DN tham gia thị trường. Trong 5 năm trở lại đây, ghi nhận mỗi năm cả vùng có chưa tới 1.500 DN thành lập mới, bổ sung thêm nguồn vốn, nguồn lực vào xã hội, so với các địa phương khác con số này cực kỳ thấp.

"Hiến kế" thu hút đầu tư cho vùng

Tại tọa đàm Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư cho ĐBSCL mới đây, vấn đề liên kết vùng để phát huy sức mạnh tổng thể thu hút đầu tư cũng được nhiều đại biểu đề cập. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mới có thể tạo ra được những sản phẩm giá trị gia tăng cao đáp ứng được đòi hỏi từ các tập đoàn lớn và yêu cầu từ thị trường.

Ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho rằng, với thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cần được Chính phủ đầu tư mạnh mẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông thủy sản theo hướng tinh, sâu. Mặt khác, muốn gia tăng vốn vào nền kinh tế, phải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển DN thông qua các kênh như các chính sách khuyến khích thành lập DN, khởi nghiệp.

Ngoài ra, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên đặc biệt chú ý hỗ trợ DN quay lại thị trường, các hoạt động restartup. Đó là những DN thiếu vốn, bị đứt gãy thị trường do ảnh hưởng dịch COVID-19… Bởi đây là lực lượng có kinh nghiệm cũng là những mảnh ghép có thể tận dụng để huy động tốt nguồn lực đầu tư.

Là tỉnh có hoạt động thu hút đầu tư tốt nhất trong vùng, ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, chia sẻ: "Ngoài việc đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh còn đặc biệt chú trọng khâu "chăm sóc khách hàng" là nhà đầu tư tại chỗ. Đơn cử, nếu chúng ta chăm sóc tốt nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư tại địa phương và làm họ hài lòng thì khi những doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc khác đến tìm hiểu và muốn đầu tư ở Long An, chính những DN này là kênh quảng bá uy tín, hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng, thời gian qua, Long An cũng rất quan tâm đến việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư. Đó là những mấu chốt để tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư an tâm đến với tỉnh Long An".

Vấn đề nắm bắt tâm lý, đáp ứng xu hướng đầu tư mới cũng cần được các địa phương trong vùng quan tâm. Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nhấn mạnh: Muốn thu hút đầu tư, hạ tầng ĐBSCL phải hoàn thiện đến chân công trình, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn phải chỉn chu cả hạ tầng xã hội.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, khung pháp lý cho khu công nghiệp, khu kinh tế để nhà đầu tư an tâm đầu tư. Hiện nay giảm thuế, miễn thuế không còn hấp dẫn nhà đầu tư nhiều như trước nữa, mà điều các nhà đầu tư cần là thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh và minh bạch; có cơ chế giám sát để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; tạo "luồng xanh" để thu hút đầu tư chip bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết