14/10/2024 - 09:12

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL

Khai mở tiềm năng, chuyển mình bứt phá
Bài cuối: Nguồn năng lượng mới 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) được thông qua tại Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ mô hình CNH, HÐH trong thời kỳ mới là: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HÐH cao dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”. Và theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong thời đại mới, ÐBSCL phải linh hoạt đổi mới, ứng dụng thành tựu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song đó, cần phát huy cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn lực, khai thác lợi thế so sánh, hình thành chuỗi giá trị vùng và liên vùng, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững.

Lãnh đạo TP Cần Thơ khảo sát các khu vực quy hoạch cảng dọc sông Hậu để phục vụ mời gọi các nhà đầu tư. Ảnh: MINH HUYỀN

Khơi thông mọi nguồn lực

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành một trong những yếu tố then chốt để đẩy nhanh tiến trình CNH, HÐH ở ÐBSCL. Cần Thơ hiện có 70 tổ chức KH&CN có hoạt động với 6.813 người hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 41 tổ chức KH&CN; 29 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có hoạt động KH&CN. Hệ thống tổ chức này cung cấp nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật, đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, là nguồn lực KH&CN mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung. Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, TP Cần Thơ huy động đa dạng nguồn lực phát triển hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo; tăng dần tỷ trọng đầu tư cho ngành KH&CN từng năm, mục tiêu đạt 2% GDP vào năm 2030. Một số chính sách có thể xem xét như thay vì tập trung vào việc kiểm soát đầu vào và quy trình thì cần chú trọng vào việc đo lường và đánh giá kết quả, tác động của các hoạt động, sản phẩm KH&CN; giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà; tăng mức chi cho nhiệm vụ KH&CN ở những lĩnh vực là thế mạnh của vùng ÐBSCL; chính sách đặc biệt để thu hút chuyên gia đầu ngành, nhân tài, hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, có tiềm năng…

Tiềm năng của ÐBSCL còn rất lớn và chưa được khai phá đúng mức. Theo ông John Rockhold, Trưởng nhóm điện và Năng lượng, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), việc đầu tư, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử, đầu tư vào điện tử và vi mạch… sẽ củng cố vai trò trung tâm công nghệ khu vực của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ như gia công cơ khí chính xác CNC và sản xuất linh kiện, lĩnh vực dược phẩm và sinh học… cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đổi mới công nghệ.  TP Hồ Chí Minh cùng với khu vực phía Nam có nhiều tiềm năng to lớn để tham gia và dẫn đầu xu hướng phát triển năng lượng xanh công nghệ cao. Bởi nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn điện năng đáng tin cậy, bền vững với giá cả phải chăng. Do đó, cần kết hợp nguồn cung năng lượng sạch với các chiến lược kinh tế hiệu quả để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung tối đa cho các ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

ÐBSCL có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chất lượng chưa tương xứng. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, tỉnh có nhiều chính sách đưa các em học giỏi đi học tập ở các nước, đưa lao động sang làm việc ở nước ngoài để học tập kinh nghiệm, vừa làm thuê, vừa làm chủ, nhất là phát triển các phong trào khởi nghiệp. Ðây chính là những điều kiện để Ðồng Tháp có thể hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư đến ÐBSCL có thể nghiên cứu, hợp tác, khai thác các dư địa phát triển của vùng. Về cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư bến cảng, hạ tầng logistics, giao thông thủy, bộ và kể cả các cửa khẩu… Ðồng thời, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hữu cơ, gắn với chuyển đổi số, đầu tư công nghiệp chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng đa giá trị.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

TP Cần Thơ được Trung ương khẳng định vị thế là trung tâm động lực của vùng ÐBSCL qua các Nghị quyết của Trung ương về tầm nhìn chiến lược phát triển TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL. Ðể giúp TP Cần Thơ tạo thế và lực vươn lên khẳng định vai trò của mình, Trung ương đã ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30-8-2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong tiến trình CNH, HÐH, TP Cần Thơ xác định tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng ÐBSCL, chủ động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ÐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm TP Hồ Chí Minh, Ðông Nam Bộ và các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển Cần Thơ thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, KH&CN, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Ðặc biệt là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm dịch vụ KH&CN nông nghiệp, đặc biệt là trung tâm sản xuất giống cây, con chủ lực; phát triển ngành chế biến sâu nông sản để kết nối với các tỉnh vùng ÐBSCL, xây dựng và phát triển Cần Thơ thành trung tâm logistics nông sản của vùng cho thị trường trong nước và thế giới. Phát triển nhanh và bền vững thành phố theo hướng tăng trưởng xanh dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quan tâm, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN có tài năng, tạo điều kiện thuận lợi để sáng tạo và cống hiến cho thành phố và cho vùng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tiến trình CNH, HÐH ở ÐBSCL cần gắn kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tham gia vào chuỗi giá trị vùng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: TP Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ cùng ÐBSCL có nhiều thỏa thuận hợp tác với từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam liên quan đến thực hiện các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, phát triển KH&CN, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài cho vùng… Ðặc biệt, trong mời gọi, thu hút đầu tư, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành khu vực phía Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích nhà đầu tư cam kết đầu tư dài hạn tại các địa phương có thỏa thuận hợp tác.

Ðảng và Nhà nước đã công nhận vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân trong công cuộc CNH, HÐH đất nước. Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu CNH, HÐH đất nước”. Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI ÐBSCL:  ÐBSCL hiện có khoảng 64.649 doanh nghiệp đang hoạt động. Với động lực là lợi nhuận và áp lực cạnh tranh toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân sẵn sàng đầu tư mạnh vào nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiên tiến, đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh. Ðể tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong công cuộc CNH, HÐH cần có các cơ chế sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) nhằm tạo điều kiện thuận lợi, động lực cho doanh nghiệp tham gia sâu vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, các cơ chế tiếp nhận, hợp tác với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, các chính sách hỗ trợ khuyến khích hợp tác và tiếp thu công nghệ cụ thể và rõ ràng. Ðặc biệt, cần có những chính sách cung cấp khoản vay ưu đãi, miễn giảm thuế cho các dự án công nghệ cao, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp, đổi mới sáng tạo.

*
* *

Ðường hướng cho tiến trình CNH, HÐH của ÐBSCL đã mở với những quyết sách từ cấp Trung ương, cấp vùng và mỗi địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển của mỗi quốc gia hiện nay không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Do đó, Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng cần tận dụng, khai thác hiệu quả mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện để xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch CNH, HÐH. Song song đó, chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu CNH, HÐH.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết