Bài 3: Hướng đi nào cho tiến trình CNH, HĐH vùng ĐBSCL?
Quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chỉ rõ “CNH, HĐH phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của từng vùng, và địa phương”. Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, ĐBSCL xác định “CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. Cùng với đó, công nghiệp cũng được đầu tư thỏa đáng với kỳ vọng là đòn bẩy cho tiến trình CNH, HĐH của vùng.
Quyết tâm CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
Vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành Nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại... Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có những bước đi đáng ghi nhận trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các tiến bộ khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH
TP Cần Thơ có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 114.000ha, trong đó 80% diện tích đất nông nghiệp. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở khâu gieo sạ trên 95%, khâu chăm sóc khoảng 95%. Trong đó cơ giới hóa khâu bón phân 100%, phun thuốc trừ sâu, bệnh 90%, khâu thu hoạch 100%. Ngoài ra, tỷ lệ áp dụng máy bay không người lái (drone) trong phun thuốc, bón phân và gieo sạ chiếm khoảng 30% trong khâu chăm sóc… Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Mặc dù diện tích trồng lúa không lớn và tổng sản lượng lúa trên địa bàn chỉ hơn 1,3 triệu tấn/năm. Song với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng, thuận lợi giao thương, TP Cần Thơ là nơi tập trung các cơ sở chế biến, xuất khẩu lúa gạo lớn nhất vùng ĐBSCL. Thành phố hiện có 35/158 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm 22% doanh nghiệp xuất khẩu gạo của cả nước. Sản lượng gạo xuất khẩu không ngừng tăng trưởng qua các năm và hiện chiếm hơn 32% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL đã, đang và sẽ chuyển biến về chất với những mô hình ứng dụng công nghệ cao, sạch và bền vững hơn. Chiếm hơn 20% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước, hằng năm sản lượng tôm nuôi bình quân của tỉnh Bạc Liêu khoảng 247.140 tấn. Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh phát triển mạnh, cho năng suất cao hơn từ 10-15 lần so với các mô hình nuôi tôm khác. Toàn tỉnh hiện có 5 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, diện tích 3.900ha; 2 khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới; 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và 316 hộ dân được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, Global GAP, ASC...) và 5 tổ chức được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với diện tích 4.584ha.
Đồng Tháp Aqua là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua, chia sẻ: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, một số tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, môi trường nước ô nhiễm và đứng trước nguy cơ cạn kiệt, công ty đã nghiên cứu phát triển mô hình nuôi thủy sản tuần hoàn siêu tiết kiệm nước. Đây là mô hình tuần hoàn, khép kín để nuôi thủy sản với mật độ dày và các chất thải từ thủy sản sẽ được chuyển hóa để cung cấp chất dinh dưỡng cho các cây rau, cây ăn trái mà không đào thải ra môi trường. Đặc biệt là cho ra các sản phẩm nông thủy sản đảm bảo chất lượng, kiểm soát nguồn gốc, tuân thủ các quy định quốc tế từ quy trình tuần hoàn này, đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP.
Ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, luân canh cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, thích ứng với nhu cầu thị trường cũng được xem là giải pháp để nông dân vùng ĐBSCL thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Là một nông dân năng động ở tỉnh An Giang ông Nguyễn Lợi Đức, chủ Farm chuối Sáu Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn đã tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm để đầu tư mở rộng diện tích canh tác lúa từ 3ha lên 65ha. Đặc biệt, sau nhiều năm gắn bó với cây lúa, ông linh hoạt chuyển đổi trồng luân canh giữa cây lúa và cây chuối cấy mô, mang lại thu nhập hàng chục tỉ đồng/năm. Ông cũng đầu tư máy móc phục vụ các khâu làm đất, thu hoạch lúa, đầu tư máy bay không người lái để bón phân, phun xịt thuốc cho vườn chuối, đầu tư nhà xưởng để phân loại, sơ chế, đóng container xuất khẩu. Ông Đức cho biết: “Vườn chuối cấy mô của tôi luôn có đối tác bao tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vấn đề là phải chú trọng kỹ thuật để chuối thu hoạch có mẫu mã đẹp, chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của đối tác cung ứng xuất khẩu”.
Phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…
Công ty CP Việt Nam Food (VNF) là một trong những doanh nghiệp năng động đi đầu về nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ và mang lại hiệu quả cao. Những năm qua, với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành tôm chế biến xuất khẩu kéo theo lượng lớn phụ phẩm tôm cần được xử lý hiệu quả và triệt để. Trước yêu cầu này, VNF đã đầu tư triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, bên cạnh nuôi trồng, chế biến tôm, công ty thu hồi đầu và vỏ tôm để chế biến thành thực phẩm dinh dưỡng sinh học, chất chống oxy hóa tự nhiên, polyme sinh học… Đồng thời, thu hồi cả phụ phẩm từ ao nuôi tôm để phục vụ lại cho ngành tôm và một số ngành khác. Theo ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc VNF, công ty xác định mô hình phát triển bền vững là tập trung vào yếu tố “E-Environment”. Bởi môi trường là khởi nguồn, là định hướng xuyên suốt, đảm bảo sản xuất xanh - sạch - bền vững. Công ty xác định chất thải hôm nay là tài nguyên của ngày mai và định hướng chiến lược đầu tư công nghệ, tạo chuỗi giá trị cho ngành công nghiệp phụ phẩm. Cùng với đó, áp dụng mô hình sản xuất không chất thải, ứng dụng công nghệ sinh học, tận dụng tối đa nguồn dinh dưỡng từ phụ phẩm tôm và giảm gánh nặng xử lý môi trường.
Định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp có chọn lọc đang được nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL triển khai thực hiện. Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, thời gian qua, trong quá trình xúc tiến đầu tư, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An, chúng tôi cũng xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh dàn trải. Với sự sàng lọc như vậy, các nhà đầu tư có thương hiệu đã đến với Long An như Pepsico đã khởi công vào tháng 4-2024, Nhà máy dệt Thái Tuấn đã đăng ký đầu tư vào Long An với số vốn trên 542 triệu USD tương đương trên 12.000 tỉ đồng, đây được xem là nhà máy dệt có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam đầu tư vào Long An. Các dự án cho thấy tỉnh luôn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án đầu tư ảnh hưởng đến môi trường.
Các khu công nghiệp của TP Cần Thơ có 257 dự án còn hiệu lực, thuê 315,63ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,931 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,261 tỉ USD chiếm 65% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 227 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án FDI và 1 dự án ODA đang hoạt động. Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nhấn mạnh: Muốn thu hút đầu tư, hạ tầng ĐBSCL phải hoàn thiện đến chân công trình, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn phải chỉn chu cả hạ tầng xã hội. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, khung pháp lý cho khu công nghiệp, khu kinh tế để nhà đầu tư an tâm đầu tư. Hiện nay giảm thuế, miễn thuế không còn hấp dẫn nhà đầu tư nhiều như trước nữa, mà điều các nhà đầu tư cần là thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh và minh bạch; có cơ chế giám sát để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; tạo “luồng xanh” để thu hút đầu tư chip bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch…
***
Trong giai đoạn phát triển sắp tới, ĐBSCL đã chuyển đổi tư duy về tăng trưởng kinh tế dựa trên tốc độ tăng trưởng GRDP hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Để thực hiện đạt mục tiêu này, các tỉnh, thành phố trong vùng đang tích cực triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
MINH HUYỀN - MỸ THANH
Bài 4: Tăng trưởng xanh - chìa khóa cho sự phát triển bền vững