10/10/2024 - 09:12

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ÐBSCL

Khai mở tiềm năng, chuyển mình bứt phá 

Là vùng cực Nam của Tổ quốc - địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế trọng yếu đối với cả nước, ĐBSCL bám sát định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”trong thực hiện chủ trương CNH, HĐH. Toàn vùng đang dồn toàn lực thực hiện mục tiêu CNH, HĐH gắn với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. CNH, HĐH đang dẫn dắt vùng đất Chín Rồng bứt phá trong giai đoạn mới, phát huy tiềm năng, lợi thế và vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Bài 1: Bước tiến dài trong hành trình CNH, HÐH

ÐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Ðông Nam Á, vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực chủ lực của Việt Nam. CNH, HÐH vùng ÐBSCL đã tận dụng tốt các lợi thế này và đạt được nhiều thành quả. Nơi đây đóng góp nhiều mặt hàng xuất khẩu “tỉ đô”, với các thương hiệu lúa gạo, thủy sản nổi tiếng khắp thế giới...

Các KCN của TP Cần Thơ có 29 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 612 triệu USD. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất đế giày của Công ty TNHH TKG TaeKwang Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Ðiểm sáng từ CNH, HÐH

Tại nhiều địa phương, tiến trình CNH, HÐH gắn liền với những thế mạnh phát triển nông, thủy sản của vùng đồng bằng châu thổ. Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: Trong số 5 DN xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay, có đến 2 DN của Ðồng Tháp là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Ðầu tư và Phát triển IDI. Các DN đã mang cá tra phile đông lạnh, cá tra xẻ bướm đông lạnh, cá tra chế biến… mang thương hiệu của mình xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU, Canada, Mexico... Ðối với mặt hàng gạo, tỉnh có Công ty TNHH Cỏ May, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam đưa sản phẩm gạo xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Anh, Canada, Úc... Ðối với mặt hàng chế biến như hạt sen, củ sen sấy, trái cây sấy, tỉnh đã đưa được sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Singapore, Thái Lan, Malaysia qua thương hiệu của Công ty CP Thực phẩm Sen Ðại Việt, Công ty TNHH MTV Nam Huy Ðồng Tháp; Công ty CP Thực phẩm Thành Ngọc…

Ðóng góp vào bức tranh chung về tiến trình CNH, HÐH vùng ÐBSCL còn có những điển hình tiêu biểu, những DN tiên phong truyền cảm hứng. Công ty CP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood), TP Cần Thơ, thành lập vào năm 2003. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Westfood không ngừng lớn mạnh và đạt được những thành tựu nhất định. Xuất phát với vốn điều lệ chỉ 9 tỉ đồng hiện công ty đã tăng 30 lần đạt 302 tỉ đồng. Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 300 tỉ đồng và dự kiến năm 2024 lên 430 tỉ đồng. Hiện công ty có khoảng 500 lao động làm việc thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Westfood, chia sẻ: “Từ 1 dây chuyền đồ hộp duy nhất khi mới thành lập, đến nay Westfood đang sở hữu một nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam, với các dây chuyền đóng lon, đóng cup, dây chuyền cấp đông IQF nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Hiện sản phẩm trái cây đóng hộp của Westfood đã được xuất khẩu đến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh”.

Quá trình CNH, HÐH, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL ghi dấu ấn với hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Là tỉnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp cũng như có hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả nhất vùng, đến nay, toàn tỉnh Long An có 36 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch hơn 9.693ha. Trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch 5.982,14ha, có tỷ lệ lấp đầy đạt 67,8%. Lũy kế đến hết tháng 6-2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 1.936 dự án, vốn đầu tư mới và tăng vốn lần lượt là 6,8 tỉ USD và 140.813 tỉ đồng.

Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Long An, chia sẻ: Long An triển khai mô hình xúc tiến đầu tư tại chỗ. Hằng quý tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư, DN và phân chia theo thị trường tiềm năng. Tỉnh phân chia những DN có thị trường tiềm năng và truyền thống với Long An như Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức đối thoại riêng. Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đối thoại riêng và nhà đầu tư trong nước đối thoại riêng. Long An cũng thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc khi DN đến đầu tư tại Long An. Không cần đợi đến khi đối thoại tập trung nếu mỗi ngày có nhận được thông tin phản ảnh sẽ giải quyết ngay nếu có thể. Mặt khác cơ quan xúc tiến đầu tư được bố trí tại Trung tâm dịch vụ hành chính công để trực tiếp hướng dẫn và cung cấp các thông tin về các quy hoạch xem dự án có phù hợp với vị trí, địa bàn tại đó không để nhà đầu tư nắm bắt thông tin và đăng ký đầu tư một cách thuận tiện nhất.

Thúc đẩy, cải thiện chất lượng tăng trưởng

CNH, HÐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ÐBSCL duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Tại TP Cần Thơ, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2023, ước tăng bình quân 5,73%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Cần Thơ cũng tăng đáng kể. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỉ đồng năm 2004 lên 22.000 tỉ đồng năm 2020 và năm 2023 đạt 28.524 tỉ đồng, tăng bình quân 11,88%/năm. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, TP Cần Thơ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành hữu quan duy trì phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu, mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao giá trị xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung thu hút đầu tư sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu phù hợp với điều kiện phát triển thành phố. Ðặc biệt là tập trung phát triển các KCN, phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ...

ÐBSCL có 122 KCN, khu kinh tế, tổng diện tích trên 137.500ha, trong đó, có 52 KCN, khu kinh tế đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 106.800ha. Từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) triển khai thực hiện Dự án triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam với sự tài trợ của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái trong các năm 2015-2019 được thí điểm tại Ninh Bình, Ðà Nẵng và Cần Thơ. Tiếp đó, từ năm 2020-2024, dự án lại được triển khai tại 5 địa phương và đã thực hiện chuyển đổi các KCN hiện có theo mô hình KCN sinh thái: KCN Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), KCN Ðình Vũ - Deep C (Hải Phòng), KCN Amata Biên Hòa (Ðồng Nai), KCN Hòa Khánh (Ðà Nẵng), KCN Trà Nóc 1 và 2 ( TP Cần Thơ).

Theo Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam VIPFA, Nguyên Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đa phần hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng đều tập trung trong các KCN. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có xu hướng đầu tư vào các KCN tập trung. Ảnh hưởng của sản xuất công nghiệp cũng gây nên những tác động lớn đến môi trường tự nhiên, lượng khí thải, nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất không được xử lý phù hợp, làm ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân. Do vậy, việc các địa phương ở ÐBSCL chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang các KCN xanh, sinh thái là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới và tại Việt Nam.

***

Những năm qua, các địa phương vùng ÐBSCL đã thực hiện chủ trương, đường lối đẩy mạnh CNH, HÐH của Ðảng một cách đồng bộ, nhất quán và đóng góp tích cực vào thành quả của tiến trình CNH, HÐH của cả nước. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, CNH, HÐH của vùng trên thực tế vẫn vướng nhiều cản ngại từ các yếu tố chủ quan, lẫn khách quan dẫn đến chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.

Bài 2: Vẫn còn “khoảng cách” để hoàn thành mục tiêu

MINH HUYỀN - MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết