Nhiều năm qua tại TP Cần Thơ, các trường từ bậc phổ thông đến đại học đã đa dạng hình thức tư vấn hướng nghiệp, góp phần cân bằng cơ cấu đào tạo, đáp ứng đa dạng yêu cầu nhân lực của xã hội và thị trường lao động, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Một buổi học của học sinh lớp 12 Trường THPT An Khánh. Ảnh: B.NG
Trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021, giáo dục hướng nghiệp được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện hành; bám sát nội dung Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QÐ-TTg. Giáo dục hướng nghiệp trong chương trình GDPT bao gồm các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp, thị trường lao động; giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân để lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chương trình có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Những năm qua, các trường phổ thông từ bậc tiểu học đến THPT ở Cần Thơ tổ chức tốt công tác tư vấn hướng nghiệp trong học sinh, với hình thức và nội dung phù hợp điều kiện của mỗi đơn vị, cấp học. Các trường THCS tạo điều kiện học sinh lớp 8 và 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn. Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Thới An Đông, hằng năm, trường tạo điều kiện để học sinh tham quan trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để các em cảm nhận, hiểu hơn về ngành nghề và định hướng chọn lựa phù hợp. Theo thầy Trần Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, điểm mới năm nay là ngành Giáo dục thành phố triển khai phần mềm khảo sát đến các trường để học sinh (được cấp 1 tài khoản đăng ký nghề dự định học) chọn lựa ngành nghề sau khi tốt nghiệp THCS; từ đó, có thể nắm rõ tình hình học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Thầy Trần Thanh Sơn cho biết: “Nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp theo dõi sát tình hình học tập, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh lớp 9 để chọn trường, học nghề phù hợp. Những năm qua, trường có trên 20% học sinh lớp 9 chọn học nghề, trung cấp… sau tốt nghiệp THCS”.
Tại các trường THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp theo quy định, trước thềm mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường linh hoạt tổ chức đa dạng hình thức tư vấn - hướng nghiệp cho học sinh. Hoạt động này được tổ chức từ cuối tháng 2 đến tháng 3-2025. Theo cô Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, Ngày hội hướng nghiệp năm học 2024-2025 của trường có sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài thành phố. Tại đây, đại diện các trường, doanh nghiệp, đơn vị về các lĩnh vực luật, truyền thông, du lịch, kinh tế… tư vấn và trả lời trực tiếp thắc mắc của học sinh để các em hiểu được tầm quan trọng của việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai; góp phần giúp các em hiểu rõ phẩm chất, năng lực, sở thích bản thân, điều kiện hiện tại, nắm bắt nhu cầu xã hội về các ngành nghề để từ đó có những lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Trường THPT An Khánh hiện đang tổ chức giảng dạy cho các em học sinh khối lớp 12 nội dung chương trình chính khóa; đồng thời lồng ghép vào các nội dung ôn tập, đặc biệt là ôn tập lại các kiến thức trong toàn bộ chương trình THPT để giúp học sinh nắm nội dung kiến thức, tự tin khi tham gia các bài kiểm tra đánh giá định kỳ, cũng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sắp tới. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, nhà trường đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, từ đó giúp các em định hướng nghề nghiệp, lựa chọn các khối thi, môn thi phù hợp với năng lực. Em Nguyễn Phú Túc, học sinh lớp 12 của trường, cho biết: Thầy cô đã định hướng cho em trong các tiết học như lồng ghép đề thi minh họa, lồng ghép câu hỏi trong phần giảng dạy… Trong các tiết trải nghiệm hướng nghiệp, thầy cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo Chương trình GDPT 2018; việc chọn trường, ngành học phù hợp sau tốt nghiệp THPT.
* * *
TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học và 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn. Hiện tại, công tác tuyển sinh năm 2025 ở các đơn vị đã khởi động. Để định hướng cho học sinh chọn trường, ngành nghề phù hợp, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp tổ chức tư vấn trực tiếp từng trường THPT trong và ngoài TP Cần Thơ. Đơn cử, từ giữa tháng 2 đến tháng 3-2025, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã tổ chức các đoàn tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2025 tại các trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tại các điểm đến, nhà trường trực tiếp tư vấn, giải đáp những thắc mắc cho học sinh về nét mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học chính quy năm 2025; tư vấn chọn ngành nghề và chọn trường phối hợp với sở thích, năng lực học tập của bản thân học sinh. Năm nay, trường dự kiến tuyển 1.720 chỉ tiêu, với các ngành ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật - công nghệ, Công nghệ sinh học, kinh tế, luật… Trong đó, nổi bật là 2 chuyên ngành mới: Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn, Công nghệ kỹ thuật Robot và trí tuệ nhân tạo. Trường có 3 phương thức xét tuyển qua kết quả: học bạ THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo đánh giá chung từ bộ phận tuyển sinh của các trường cao đẳng, học sinh hiện nay đã có định hướng và quyết định chắc chắn trong chọn ngành nghề phù hợp. Chất lượng xét tuyển sinh đầu vào của các trường cũng cao hơn. Ðiều này chứng tỏ các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong chọn nghề nghiệp cho học sinh. Qua thống kê năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ đã tuyển mới và đào tạo 45.152 người, đạt 100,34% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng tuyển được trên 6.511 sinh viên; trung cấp tuyển được 2.283 học sinh... Công tác giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,5%.
Thực tế, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở câu chuyện học sinh chọn trường, ngành, nghề để học sau khi tốt nghiệp phổ thông; mà còn phải được tiếp tục định hướng tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp. Theo các chuyên gia giáo dục, việc thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cung ứng đa dạng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
BÍCH KIÊN