Đó là ngày vui - nói sao hén? Vui chưa từng có khi được vinh danh và chính thức gia nhập đội hình doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tại dinh Thống Nhất, ngày 25-3-2025. Mọi người chia vui với các bạn về kết quả Người tiêu dùng bình chọn, cũng là niềm vui của cả đội hình khi thế hệ doanh nhân trẻ, đang lớn lên, gia nhập đội hình. Có ai đó nói với Dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm ở Cần Thơ, Phạm Xuân Thành ở Cà Mau…
Đóm lửa nhỏ đã bừng lên
Lớn lên từ những cuộc thi, những lần thử sức dành cho các Start Up khởi nghiệp từ nông nghiệp - cọ xát thực tế mỗi ngày từ trong nước tới hội chợ nước ngoài… trải qua nhiều cung bậc, lên bờ, xuống ruộng… Những chủ thể siêu nhỏ đã chạm tới danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn.

Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Doanh nhân Đoàn Thị Hồng Thắm.
Hơn 20 năm phụ trách R&D các dòng sản phẩm từ thảo dược ở Dược Hậu Giang, là chủ đề tài nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc ho Eugica, Dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm dừng công việc ở công ty để khởi nghiệp với dược trà và tinh dầu. Dấy lên tiềm năng thương mại của thảo dược và làm cho rau thoát cảnh bấp bênh, sáng tươi chiều héo… cứ tưởng ý tốt ấy sẽ làm cho hành trình đi tới thành công dễ dàng, nhưng “lâm trận” mới thấy như vậy là chưa đủ.
Bám thực tiễn để sáng tạo, Dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm tạo bất ngờ khi biến những loại rau, củ thành dược trà và giờ đây là cách truyền cảm hứng với khẩu ngữ - thoạt nghe cứ tưởng “làm giàu không khó”- “Xin nói rõ làm dầu không khó”, Thắm chỉ cách làm dầu đơn giản - bóc mẽ - chiêu thôi miên bán dầu Thái thảo dược.
Cảm hứng từ tài nguyên bản địa và công nghệ tương thích, đầu tiên Dược sĩ Thắm đã tạo ra 14 sản phẩm định danh dược trà, gồm Trà Gừng Mật Ong, Trà Gừng Chanh Sả, Trà Diếp Cá, Trà Đinh Lăng và Trà Rau Om Tía, Trà Hoa Cúc, Trà Lạc Tiên Tâm sen, Trà Cà Gai Leo, Trà Dây Thìa Canh... chỉ cần uống một ly trà thay vì người ta phải ăn một rổ rau. Nếu uống thuốc nam, phải nấu cả siêu, cả nồi… bịt mũi, nhắm mắt uống thì vừa mất công vừa khó uống. Ứng dụng công nghệ từ ngành dược, bào chế ra sản phẩm tiện dụng, hữu hiệu… là phương cách tốt nhất do mấy cái lợi: 1/ Sản phẩm mới tiện dụng cho mọi người; 2/ Khắc phục được chuyện sáng rau chiều rác - kéo dài thời hạn sử dụng tới 18-24 tháng; 3/ Sản phẩm có thể đi xa được.
Sau hơn 4 năm vận hành trong hệ sinh thái khởi nghiệp, chịu thách thức khi điểm xuất phát siêu nhỏ, cộng đồng tiêu dùng còn chưa rõ chân dung, nguyên liệu an toàn còn phải kêu gọi làm theo chuẩn an toàn, dòng vốn đầu tư, bán hàng ra, thu tiền về rỉ rả - Thắm tự rút ra bài học - đã là Start Up siêu nhỏ - thì phải có quyết tâm, phải biết cách nuôi dưỡng đam mê, phải học hoài để sáng tạo, phải có gan và phải lì đòn”, Dược sĩ Thắm nói.
Sau chuyến đi ThaiFex cùng đoàn “Studies tour” do BSA tổ chức, cọ xát thực tế, Dược sĩ Thắm thấy mình đi đúng đường - trùng khớp xu hướng định dạng bột hòa tan, không cặn lắng. Sản phẩm của Hygie & Panacee - Nghe khách từ nhiều nền văn hóa khác, nhiều thị phần khó tính, nói “rất bất ngờ với những sản phẩm từ rau củ mà Việt Nam làm được”. Sản phẩm của mình, lồng trong hai tiếng Việt Nam cứ như chạm tới điều thiêng liêng. Hygie & Panacee là tên hai người con của vị Thần Asclepius về y học trong thần thoại Hy Lạp. Lần này, Hygie & Panacee có tên trong đội hình HVNCLC 2025, vui lắm, mừng thiệt là mừng - không hiểu sao cứ muốn khóc một trận cho đã đời.
Quyết định khiến cha mẹ ngơ ngác của Phạm Xuân Thành
Xa lắc, xa lơ ở vùng cực Nam của đất nước, sản phẩm với thương hiệu “Con Tôm Rừng” đã hiện diện ở Vinwonder, ở Sài Gòn, Hà Nội, ở Thaifex Anuga Asia, Thái Lan… do nỗ lực không mệt mỏi của Phạm Xuân Thành, người điều hành Công ty TNHH Con Tôm Rừng. “Đây là bánh phồng Con tôm rừng được sản xuất thủ công truyền thống, tỷ lệ 40% tôm tươi…” Thành thú thiệt: Nhiều lượt chào bán ở Vinwonder chỉ để cho vui, chứ không có lời, bù lại là cơ hội tiếp cận thị trường mới, tiếp xúc với nhóm khách hàng mới.

Phạm Xuân Thành, chia sẻ nhận thức “Con tôm rừng” từ rừng ngập mặn Cà Mau.
Tốt nghiệp đại học kiến trúc ngành Quy hoạch vùng và đô thị năm 2014. Ở huyện Ngọc Hiển này học vấn như Thành là điều hãnh diện với gia đình và bạn bè. Vậy mà, Kiến trúc sư Phạm Xuân Thành “đóng gói” ước mơ từ hồi trung học ngoặt sang hướng tìm vui từ rừng ngập mặn. Cha mẹ Thành ngơ ngác trước quyết định của Thành.
Lý lẽ của Thành? Năm 2016, dù từng gắn bó với vùng đất hoang sơ này từ những năm 90 thế kỷ trước, sau những thất bại tới mức trắng tay, gia đình Thành chẳng muốn sống ở nơi khỉ ho, cò gáy này mãi. Lúc đó, 30 gia đình là bà con thân tộc, chòm xóm đã bàn nhau bỏ rừng đi “Bình Dương”.
Từ Sài Gòn về quê, từng bán tôm phụ gia đình khi còn đi học. Nguồn lợi lớn hơn dưới tán rừng còn nguyên, mỗi tháng có thể khai thác nguồn lợi thủy sản hai lần theo con nước rằm và ba mươi. Tôm thẻ, tôm sú, cua, các loại cá… nhiều nhất vẫn là con tôm đất - nguồn nguyên liệu chính để làm tôm khô… Thành trấn an gia đình và nói rõ ý định mở Công ty TNHH Con Tôm Rừng, ở ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại sao có nhiều thứ từ rừng ngập mặn mà Thành chỉ chọn con tôm rừng? Chẳng lẽ mong muốn của Thành bấy nhiêu thôi?
“Tôm đất ở đây được thiên nhiên nuôi lớn từ rong, tảo tới các sinh vật phù du, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp, không xài thuốc kháng sinh. Chỉ cần minh bạch hóa nguồn gốc tự nhiên của tôm đất, tôm bạc, tôm sú - những loài bản địa, đặc biệt ngon - từ những rặng đước, rừng bần, sú, vẹt… Chỉ cần chỉn chu sản phẩm trước khi bán, có kế hoạch chặt chẽ thì 1 năm, 3 năm hay 5 năm nữa Thành vẫn sẽ đi bán tôm vì đó là cái duyên của mình với con tôm rừng - sản phẩm đặc hữu của vùng này”, Thành trả lời.
“Con Tôm Rừng là “local brand” rừng ngập mặn Cà Mau. Có bánh phồng tôm; Tôm khô; Riêu tôm; Mắm tôm chua… Thành nói: Sản phẩm chủ lực là bánh phồng tôm và riêu tôm, chiếm 60% sản lượng và doanh số.
Cà Mau có hơn 60.000ha rừng ngập mặn, diện tích rừng thưa dần khi ai nấy đầu tư tiền tỉ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú kiểu công nghiệp, còn gia đình Thành chỉ có 9ha đất rừng nhận khoán từ Nhà nước! Mở cửa ra là thấy mắm, đước, sú, vẹt, chà là và dây leo. Ngày xưa lựa xong là bán cho thương lái, còn bây giờ lựa xong phải hấp, rồi phơi để làm tôm khô, hoặc đem đi cấp đông làm tôm đông lạnh. Nhân công chỉ làm ban ngày, tối về nhà đi đổ tôm. nếu không có con tôm rừng thì ai nấy bán đất, bán nhà đi thành phố hết rồi chứ không ở đây. Bây giờ thì cả nhà ngồi lựa tôm, chuyện vãn tới khuya. Khởi nghiệp từ công ty gia đình, “team” gia đình nhỏ xíu - không quá vội vàng, Thành ráng đầu tư nhà xưởng 200m2 theo chuẩn ISO và HACCP, vận hành theo hệ thống tiêu chuẩn VSATTP, năng lực cung cấp: 30 tấn/tháng. Năm sau và nhiều năm sau nữa, Thành vẫn tự tin khi nói về Con tôm rừng và việc” bám trụ” là quyết định đúng đắn, Thành tự tin nói.
Giờ đây, thương hiệu Con Tôm Rừng bao gồm cả mô hình du lịch cộng đồng ngay chính vuông tôm đất rừng - là nét riêng độc đáo để giới thiệu hình ảnh của rừng ngập mặn Cà Mau đến với du khách gần xa. Thành chào hàng, liên tục gặp gỡ, trao đổi và đã đón đoàn khách VIP của chuỗi siêu thị lớn trong nước, trực tiếp trao đổi với bộ phận thu mua ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Mọi người ghé thăm farm, xem cơ sở sản xuất thân thiện tự nhiên và sau đó là… đánh giá một bữa trưa - gọn nhẹ; tất cả cùng ngồi trên nhà sàn, bỏ qua những tiểu tiết, tập trung vào phần ngon, tự mỗi người xem ngon từ cái gì.
Vậy đó, Con Tôm Rừng làm từng món ngon, từng là phép thử sức chịu đựng đối với Start Up khi quy mô còn quá nhỏ, là thách thức của cả cái xóm nhỏ ven rừng này. Đối với Thành - thành công ở đích đến khó nhìn thấy nên càng phải tự tin ở hành trình mình đang đi mang theo dấu ấn tạo sinh từ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Người thân của Thành, không ai phải rời bỏ làng quê trong tuyệt vọng nữa là thành công đầu tiên, sau đó là câu trả lời cho câu hỏi “tiền đâu”? “Từ rừng ngập mặn này đây”, Thành nói.
Liên kết doanh nghiệp ĐBSCL - câu hỏi cho tương lai
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), năm 2024, vùng ĐBSCL có khoảng 70.600 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,6% so với năm 2023 (khoảng 2.400 doanh nghiệp. Năm 2025, năm thứ 29 của chương trình HVNCLC, có 95 doanh nghiệp ở ĐBSCL được người tiêu dùng bình chọn. Long An có số lượng doanh nghiệp đạt HVNCLC cao nhất (chiếm 23%), An Giang (18%), Cần Thơ (13%), Đồng Tháp (12%), Bến Tre (8%), Kiên Giang (8%), Tiền Giang (5%), Vĩnh Long (3%), Trà Vinh (3%), Bạc Liêu (2%), Cà Mau (2%), Hậu Giang (2%).
Năm nào cũng vậy, sau khi danh sách doanh nghiệp HVNCLC được công bố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, số doanh nghiệp ở vùng này được bình chọn vào đội hình doanh nghiệp HVNCLC như vậy đặt ra điều gì?
An Giang đều chuẩn bị tổ chức sự kiện để UBND tỉnh trao bằng khen cho các doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn, chị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, cho biết. Các cuộc trao đổi thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương cho thấy:
Các doanh nghiệp trong vùng từng được người tiêu dùng bình chọn HVNCLC từ nhiều năm trước đã có nhiều thay đổi (cấu trúc, mô hình, lực lượng kế thừa…), có sự khác biệt trong cách tăng tiến thuận chiều hoặc teo tóp, thay đổi hướng đi, hình thái doanh nghiệp… Những bài học sinh tồn, hiếm khi được đúc kết, chia sẻ. Trong khi đó các doanh nghiệp mới được bình chọn trong các SMEs, có nhiều chênh lệch về nhận thức, cách vận hành và sự gắn kết rất hạn chế.
Làm sao trong một thời gian có thể rút ngắn khoảng cách để khắc phục những giới hạn nêu trên? Làm sao từng địa phương có đội hình tiên phong thực hành các tiêu chuẩn chất lượng khi hội nhập, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, xanh hóa, chuẩn hóa, số hóa… khi cục diện thay đổi?
Theo ông Nguyễn Tường Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, các chủ thể OCOP, các Start Up có tiềm lực, đi đúng hướng, thậm chí các hợp tác xã vượt trội trong việc thực hành những chuẩn mực cần được chia sẻ cách tiếp cận HVNCLC. Nên chăng có cơ chế phối hợp trong tương lai giữa Hội doanh nghiệp HVNCLC và các địa phương, trong đó phối hợp chọn lựa “Doanh nghiệp hạt giống”, kết nối chuyên gia nâng cao năng lực vận hành, tạo bước nhảy quan trọng trong các doanh nghiệp để các doanh nghiệp trở thành thực thể nhiều tiềm năng đóng góp vào sự tăng trưởng ở địa phương.
Các doanh nghiệp, nhất là các công ty gia đình, xuất hiện thế hệ kế thừa. Lực lượng này cũng có những chênh lệch. Do đó, cần định hướng bảo toàn và gia tăng năng lượng tại doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi, thích ứng. Từ đó tạo điều kiện để lực lượng kế thừa có nhiều cơ hội học hỏi, thực hành chuyển đổi, thích ứng và tạo bước nhảy có ý nghĩa trong bối cảnh có quá nhiều biến đổi.
Theo ông Nam, đào tạo nguồn nhân lực luôn là giải pháp tăng cường bền vững (Lãnh đạo doanh nghiệp/ Các nhóm động lực của doanh nghiệp, lập nhóm trẻ tư duy chiến lược và phát triển sản phẩm), việc phát huy kinh nghiệm tổ chức Study tour của Trung tâm BSA, cùng đi thực tế với chuyên gia (Khóa học thực địa/ thực tế/ kết nối - chia sẻ những bài học), từ các doanh nghiệp dẫn đầu, các bài học thực chiến luôn có ích cho việc thay đổi. Do đó cần tăng cường các phương thức huấn luyện thực địa. Đặc biệt, Hội doanh nghiệp HVNCLC, Trung tâm BSA có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức học tập gắn với các hội chợ quốc tế/ các Study tour ở nước ngoài, có các chuyên gia đánh giá, phân tích giúp doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động.
Trong tương lai dù có sự thay đổi lớn ở các địa phương, lực lượng doanh nghiệp hoạt động theo đội hình, hệ sinh thái mới, việc hợp tác công - tư, tư nhân - tư nhân… thì cục diện mới vẫn kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân mới, tầm nhìn tinh tế, giỏi thực chiến và gắn kết chặt chẽ với nhau, ông Nguyễn Tường Nam kỳ vọng.
CHÂU LAN