02/04/2025 - 19:22

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ:

Phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ trong đời sống hiện đại 

Qua 11 lần tổ chức, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (Lễ hội) từng bước trở thành thương hiệu có sức lan tỏa của Cần Thơ, được nhiều du khách mong chờ vào tháng 4 hằng năm. Theo từng kỳ Lễ hội, nhiều loại bánh dân gian được gìn giữ và dần phát huy giá trị trong nhịp sống hiện đại.

Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 4 đến 8-4-2025 với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ” tại quảng trường quận Bình Thủy, với nhiều hoạt động đa dạng để du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức lễ hội, thông tin:

- Lễ hội là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) và chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đây là năm thứ 12 Lễ hội diễn ra, từng bước góp phần quảng bá, phát huy giá trị và định vị thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ.

Lễ hội năm nay có một số hoạt động chính: Lễ khai mạc diễn ra lúc 19 giờ ngày 4-4, được truyền hình trực tiếp trên Đài PTTH TP Cần Thơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ Dâng bánh; Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động nổi bật: quảng diễn bánh xèo, giới thiệu bánh chưng lớn nhất ĐBSCL, diễu hành trang phục truyền thống Việt Nam (Việt phục) từ Đền thờ Vua Hùng đến không gian Lễ hội, các gian hàng quảng bá bánh dân gian, đặc sản vùng miền, biểu diễn làm bánh dân gian và du khách trải nghiệm làm bánh, các chương trình văn nghệ phục vụ du khách, khu hội thi và triển lãm sinh vật cảnh...

Quảng diễn bánh xèo tại Lễ hội năm 2024. Ảnh: KIỀU MAI

* Xin ông cho biết thêm quy mô và điểm mới của các hoạt động Lễ hội năm nay?

- Lễ hội năm nay có 231 gian hàng đến từ 18 tỉnh, thành trên cả nước, như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến tre, Sóc Trăng, An Giang, Hà Tĩnh, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk...  Trong đó, Ban tổ chức tổ chức 4 khu vực chính: Không gian bánh dân gian, Không gian đặc sản vùng miền, Không gian ẩm thực và Không gian trưng bày hoa kiểng. Điểm mới của năm nay là chúng tôi có thêm khu Hội thi và triển lãm sinh vật cảnh. Dự kiến tại đây sẽ có hơn 50 tác phẩm trưng bày từ Hội thi và trưng bày cây kiểng, bonsai do Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức.

Năm 2024, hoạt động trình diễn làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023), do các nghệ nhân đến từ làng nghề 100 năm ở Thốt Nốt thực hiện đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm. Năm nay, chúng tôi tiếp tục giữ không gian này, đồng thời có thêm khu hướng dẫn làm một số bánh dân gian như bánh ít, bánh tét, bánh kẹp, bánh phục linh, bánh tằm se tay… để du khách có thể tìm hiểu và học cách làm bánh dân gian với sự hướng dẫn cụ thể từ các nghệ nhân.

* Nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của bánh dân gian Nam Bộ, Ban tổ chức Lễ hội đã tạo điều kiện như thế nào cho các nghệ nhân, thưa ông?

- Trong khuôn khổ của Lễ hội, Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ là điểm nhấn, tạo điều kiện cho nhiều nghệ nhân phát huy, gìn giữ nghề truyền thống. Qua các kỳ hội thi, nhiều nghệ nhân đã làm nên tên tuổi cũng như nhiều loại bánh truyền thống độc đáo, vốn thất truyền, ít người biết đến dần được khôi phục, như bánh hỏi mặt võng Cần Thơ, bánh bầu Sóc Trăng, bánh nghệ Tiền Giang… Từng bước hội thi đã tạo thành sân chơi hữu ích cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời sáng tạo thêm nhiều món bánh độc đáo phù hợp theo tiến trình hội nhập quốc tế.

Năm nay hội thi quy tụ 44 đội dự thi đến từ 23 đơn vị của 13 tỉnh, thành: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu và TP Hồ Chí Minh, cùng 10 đơn vị thuộc TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nhiều nghệ nhân có thể cùng tham gia Lễ hội, cùng sáng tạo thêm nhiều loại bánh dân gian, ẩm thực mới thì năm nay Ban tổ chức đã giảm 25% tiền thuê gian hàng khu bánh dân gian so với năm 2024.

* Lễ hội thường sẽ rất đông người tham gia, đặc biệt với lễ hội về ẩm thực, thì công tác đảm bảo an toàn cho du khách được tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi phối hợp với các ngành hữu quan thành lập nhiều tiểu ban giúp việc, an ninh để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Cụ thể, tổ chức các đợt tập huấn về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng Tiểu ban An ninh trật tự, dự kiến bố trí hơn 300 người trực xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng yêu cầu các đơn vị tham gia kinh doanh niêm yết giá và bán đúng giá; đồng thời tuyên truyền nâng cao ứng xử văn hóa văn minh du lịch trong mua bán, giới thiệu sản phẩm để tạo ấn tượng tốt cho người dân và du khách tham gia lễ hội. Ban tổ chức cũng phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện kích cầu du lịch, với mức giảm từ 10-25% ở các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm du lịch… nhằm góp phần tạo điều kiện thu hút du khách đến Lễ hội và Cần Thơ.

* Xin cám ơn ông!

ÁI LAM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết