Từ giữa tháng Giêng đến nay giá thịt heo liên tục tăng, kéo theo từ ổ bánh mì, đĩa cơm tấm, tới tô hủ tiếu cũng đội giá 2.000-5.000 đồng. Thế nhưng thu nhập của người lao động không tăng, người bán hàng có tăng giá cũng không khá gì (không tăng giá thì bán không có lời)… đang gây áp lực chi tiêu cho nhiều tầng lớp trong xã hội.

Không ít người luôn ưu tiên lựa chọn thịt heo trong khẩu phần ăn của mình.
Cô Ba bán quán cơm bình dân trên đường số 7 (nay là Phạm Sơn Khai), phường An Khánh, quận Ninh Kiều, chia sẻ, từ giữa tháng 3 cô phải “xin” thêm khách hàng 2.000 đồng cho mỗi phần cơm bán ra, vì giá thịt heo tăng từ Tết tới giờ. Chỉ tăng thêm 2.000 đồng cho mỗi phần cơm (lên 27.000 đồng/phần), nhưng cảm giác của khách tới ăn ngay cả những sinh viên, người lao động là mối quen nhiều năm cũng không vui.
Còn anh Tuấn có nhà trong hẻm đường 30 tháng 4, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều chuyên bán cơm phần giao tận nơi cho các anh làm bảo vệ cho công ty, ngân hàng. Anh đã thông báo trước 10 ngày sẽ tăng giá bán cơm phần lên 2.000 đồng/phần, nhưng ngay khi thông báo xong, những khách mối này đã “nhằn nhện”, đem giá các quán khác ra để so sánh. “Nếu không tăng giá bán thì buộc phải giảm đi một ít cơm, một ít thịt hay đồ xào… thì mới có lời chút ít. Còn khách không chịu theo giá mới thì chắc nghỉ bán hoặc bán được bao nhiêu thì bán, chứ bó tay rồi!” - anh Tuấn buồn bã.
Thật ra, việc tăng giá bán những thực phẩm thiết yếu hằng ngày với số tiền 2.000-5.000 đồng là không nhiều, nhưng với những người lao động làm công ăn lương hay sinh viên phải chi tiêu nhiều thứ, trong khi thu nhập không tăng, riêng các em sinh viên thì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào gia đình, cha mẹ thôi, sẽ là gánh nặng không hề nhỏ đối với họ. Còn đối với các hàng quán ăn uống cao cấp, thì việc tăng giá bán đã bắt đầu từ Tết Nguyên đán 2025 đến nay và hầu hết họ đều giữ giá đó cho đến nay. Một chủ quán bán hủ tiếu có tiếng ở đường 3 tháng 2, gần Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết đã tăng giá bán 5.000 đồng/tô hủ tiếu để bù đắp giá thịt heo tăng, nhưng khi giá tăng đến nay thì lượng khách giảm dần, doanh thu giảm, nhưng các chi phí cố định thì “đứng yên”. “Thật sự quán tôi không muốn tăng giá bán, thà bán ít lời ít, còn đằng này bắt buộc phải tăng giá lên theo giá thịt heo, thu được nhiều tiền hơn mà lợi nhuận không thấy tăng”- chủ quán chia sẻ. Ðương nhiên, vẫn có trường hợp chủ quán “tranh thủ” dịp lễ, Tết để tăng giá bán kiếm lời nhiều hơn, rồi giữ giá đó luôn …
Trở lại giá heo hơi tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL hiện đã đạt mức giá lên đến 8-8,2 triệu đồng/tạ, mức giá này cao hơn từ 2,2-2,5 triệu đồng/tạ so với cùng kỳ năm 2024. Còn tại nhiều chợ và điểm kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP Cần Thơ, thịt heo đùi được bán với giá 120.000-130.000 đồng/kg, ba rọi 140.000-150.000 đồng/kg, sườn non ở mức trên dưới 170.000-180.000 đồng/kg. Ở các siêu thị và cửa hàng tiện ích giá còn cao hơn nhiều, sườn non 230.000-245.000 đồng/kg, thịt heo nạc ở mức 150.000-159.000 đồng/kg, ba rọi 190.000-200.000 đồng/kg… Mức giá này tăng ít nhất từ 20.000-30.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2025. Giá thịt heo tăng nhưng tại các chợ tình trạng thịt heo ế ẩm diễn ra thường xuyên do nhu cầu tiêu thụ giảm, nhiều tiểu thương cho hay, sức mua thịt heo đã giảm 20-50% so với trước. Thời điểm này, các hộ nuôi sốt ruột tái đàn nhưng heo giống đang khan hiếm và giá tăng gấp 3 lần, lên gần 3 triệu đồng/con. Thời gian nuôi khoảng 4 tháng mới có thể xuất bán nên cơ hội giá cao không nhiều. Hơn nữa, bài học từ cơn sốt giá heo hơi năm 2020 vẫn khiến nhiều người lo ngại. Khi đó, giá heo hơi từ 100.000 đồng/kg đã rớt xuống dưới 40.000 đồng, nên cơ hội phục hồi, tái đàn của địa phương bây giờ cũng không dễ.
Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng, sở ngành liên quan cần tính toán, cân đối lại để đảm bảo giá bình ổn hợp lý, một mặt cũng nên gia tăng các hàng hóa có khả năng thay thế thịt heo, như cá, gia cầm. Sở Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện, doanh nghiệp cần tham gia bình ổn thị trường, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá heo hơi trên địa bàn… Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận giá heo tăng phù hợp với thị trường, vì trải qua thời gian dài dịch bệnh, chi phí sản xuất rất cao nhưng lượng đàn bị giảm nhiều. Nếu giá bán thấp sẽ không kích thích hộ nuôi tái đàn. Ðây cũng là bước sàn lọc giúp cho chăn nuôi, sản xuất đi theo hướng bền vững, bớt sản xuất tự phát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng sản xuất cũng tốt, dễ kiểm soát hơn. Phía người tiêu dùng, nhất là dân miền Tây hầu hết trong các món ăn đều có thịt heo, thịt heo gần như là ưu tiên một, do đó nên chăng cũng cần cân đối lựa chọn phân bổ món ăn cho đa dạng hơn như thịt gà, thịt vịt, tôm cá có giá rẻ hơn… thay vì cứ ưu tiên thịt kho, cơm sườn, hủ tiếu xương…
Bài, ảnh: AN KHÁNH