02/04/2025 - 08:28

Mưu sinh nơi “chợ tràm” 

Giữa rừng U Minh Hạ bạt ngàn, ở ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có một khu chợ đặc biệt tồn tại hàng chục năm qua và là nơi mưu sinh của nhiều cư dân địa phương mà họ quen gọi là “chợ tràm”. 

Ông Nguyễn Văn Ðức đã bốc vác tràm gần 30 năm.

Tại “chợ tràm”, bên cạnh những người đàn ông lực lưỡng với làn da rám nắng làm việc bốc vác thì ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có thân hình nhỏ thó bỗng trở lên “nổi bật”. Nắng gắt khiến ông Đức đẫm mồi hôi nhưng vẫn miệt mài với công việc. Nhà ông Đức cách “chợ tràm” không xa, hằng ngày ông làm việc từ 6 giờ đến 16 giờ, mỗi cây tràm không kể lớn nhỏ, khi vác qua lộ ra tới mé kênh 11, được trả công 800 đồng. Gắn bó với nghề vác tràm gần 30 năm, mỗi ngày ông Đức kiếm được 200.000-500.000 đồng nên cũng đủ lo cuộc sống.

“Nghề này cực lắm nên đa số thanh niên bỏ đi làm công ty, chỉ còn những người đã lập gia đình mới trụ với nghề. Tôi vác tràm quanh năm nên da cổ chai sần. Vậy nhưng khi chạm phải sâu trên thân tràm, da lại ngứa, khó chịu và lột hết. Vậy nhưng sáng hôm sau vẫn phải đi vác tràm, sống bằng nghề này phải cố gắng làm kiếm sống” - ông Đức chia sẻ.

Không riêng ông Đức, với nhiều người có “thâm niên” bốc vác tràm ở miệt rừng, “chợ tràm” không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi gắn bó cuộc đời, chất chứa nhiều kỷ niệm buồn vui. Ngoài bốc vác, vận tải tràm cũng là một nghề phổ biến tại “chợ tràm”. Nghề vận tải tràm mang lại thu nhập cao hơn, nhưng đòi hỏi phải có vốn đầu tư ghe. Bên cạnh những ghe vận tải từ trong rừng ra, còn rất nhiều ghe từ vùng trên về cập bến lấy tràm nên không khí tại “chợ tràm” luôn tấp nập, nhộn nhịp. 

Ông Phạm Văn Dẻo (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) từ một người bốc vác ở “chợ tràm” đã tích lũy vốn, mua ghe rồi chuyển sang làm vận tải. Đều đặn, ông Dẻo cùng người làm thuê chạy ghe đi lấy tràm về bãi tập kết từ rất sớm. Với những nơi lấy tràm xa 40-50km thì ông phải lái ghe đi từ giữa khuya, ngày nào muộn cũng đi từ 3 giờ sáng. Ông Dẻo cho biết: “Tôi chở ăn theo ghe. Ghe, công nhà và thuê thêm vài người làm, sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng tôi còn dư khoảng 20 triệu đồng. Nghề này cực lắm, phải thức đêm hôm, nên mỗi ngày cứ khi nào vận chuyển xong ghe thì nghỉ. Mùa khai thác tràm công việc có thường xuyên, khi hết đợt khai thác thì nghỉ vài hôm, đến đợt lại làm tiếp”.

Ngoài 2 nghề chính, tại “chợ tràm” còn có những hộ dân làm nghề hầm than. Họ tận dụng phụ phẩm từ cây tràm sau khi được phân loại, chặt đầu, đuôi đem đi hầm than. Ông Nguyễn Duy Thanh (ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cho biết ông gắn bó với “chợ tràm” này đã mấy chục năm. Nhưng bây giờ lớn tuổi không làm được việc nặng nhọc nên ông chuyển sang mua phụ phẩm tràm về hầm than. Mỗi bao than 15kg ông bán được 70.000 đồng. Nghề hầm than rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm nhưng cũng giúp vợ chồng ông Thanh kiếm được mỗi tháng 5-7 triệu đồng.

Ông Thanh chia sẻ: “Mỗi nghề có cái cực riêng. Hầm than tràm không giống như than đước bởi hao hụt nhiều. Ngày tôi đi phải cưa củi sau đó cùng bà xã chất vô đốt. Đêm phải thức canh lửa, bởi nếu để đống than cháy thành lửa ngọn, sẽ hư hết. Do đó, nghề này chỉ lấy công làm lời, nhưng đối với những người lớn tuổi, không còn sức khỏe để vận chuyển tràm như tôi thì phải chọn hầm than để kiếm thêm thu nhập”.

“Chợ tràm” ở đất rừng U Minh Hạ giờ đây là nơi tụ hợp những con người cần cù, chịu khó bám trụ để mưu sinh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn luôn lạc quan. Mỗi ngày, tiếng bà con cười nói, tiếng máy nổ hòa quyện vào nhau, tạo nên không gian “chợ tràm” rất đặc trưng giữa đại ngàn U Minh Hạ.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

 

Chia sẻ bài viết