“Kỹ thuật viết Prompt hiệu quả - ứng dụng Generative AI trong công việc” là chủ đề lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU vừa phối hợp tổ chức. Những kiến thức được chuyển tải từ lớp tập huấn đã lần nữa khẳng định trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ hữu ích, giúp nâng cao hiệu quả công việc cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập.

Học viên thực hành tại lớp tập huấn “Kỹ thuật viết Prompt hiệu quả - ứng dụng Generative AI trong công việc”.
Sử dụng AI thế nào để đạt hiệu quả?
Hiện nay, AI đang thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi trong cách con người làm việc trên toàn cầu. Không chỉ các doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ, AI đã có mặt trong đời sống xã hội, dĩ nhiên có cả trong các cơ quan nhà nước. Cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người lao động biết cách sử dụng hợp lý, khai thác tối đa tiềm năng của AI nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc trước xu thế hiện nay. Vấn đề là, sử dụng AI thế nào để đạt hiệu quả?
Theo ThS. Thiều Quang Trung, giảng viên lớp tập huấn, Generative AI (gọi tắt là GenAI) là trí tuệ nhân tạo tạo sinh, một nhánh của AI, tập trung vào việc tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video hoặc mã nguồn. GenAI sử dụng các mô hình học sâu, đặc biệt là mô hình Transformer như GPT, DALL-E, Stable Diffusion, để học từ dữ liệu huấn luyện và tạo ra nội dung phù hợp với yêu cầu người dùng.
Các mô hình GenAI phổ biến hiện nay: chuyển văn bản sang văn bản, mã lập trình (ChatGPT, Claude, Gemini, Grok, DeepSeek, Mistral, Ollama…); chuyển văn bản sang hình ảnh (MidJourney, Stable Diffusion, Shakker AI, OpenArt, Haiper AI, Image Creator, Gemini, DALL-E (OpenAI), Meta AI, FluxPro…); chuyển văn bản sang video (Runway (Gen-3 Alpha), Kling AI, Lumalabs (Dream Machine), Hailuo AI, Vidu Studio, Haiper AI, Pixverse AI…); chuyển văn bản sang âm thanh (Elevenlabs, Loudly, Soundraw.io, Suno…); chuyển giọng nói sang văn bản (TurboScribe, Happy Scribe…). Từ các mô hình này, có thể ứng dụng GenAI với các công việc phổ biến như sáng tạo nội dung (viết bài báo, viết quảng cáo, sáng tác nghệ thuật…); phát triển sản phẩm (thiết kế thời trang, nội thất, đồ họa…); nghiên cứu khoa học (mô phỏng các hiện tượng tự nhiên, tổng hợp dữ liệu…).
Ðể GenAI hoạt động hiệu quả, đưa ra các kết quả như mong muốn, đòi hỏi người dùng phải đưa ra các yêu cầu, cung cấp các dữ liệu cần thiết, hợp lý. Ðây là thao tác viết Prompt, hay là câu lệnh. Theo ThS. Thiều Quang Trung, kỹ thuật viết Prompt yêu cầu chứa một hoặc nhiều thành phần như instruction (hướng dẫn/mô tả nhiệm vụ), context (ngữ cảnh/bối cảnh), input (đầu vào/câu hỏi/ví dụ), output (yêu cầu/định dạng cho kết quả)…
Ðể có một câu lệnh Prompt tốt nhất, “chìa khóa” là người dùng phải thử nhiều lần để có kết quả tối ưu, bắt đầu từ Prompt đơn giản rồi tiếp tục bổ sung thêm các ràng buộc và ngữ cảnh để đạt kết quả tốt hơn. Bí quyết nữa là, Prompt cụ thể, đơn giản và ngắn gọn thường cho kết quả tốt hơn. Và khi có một nhiệm vụ lớn bao gồm nhiều nhiệm vụ nhỏ thì người dùng cần chia thành những nhiệm vụ nhỏ để nhận được những GenAI chuẩn xác nhất có thể.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số
Học viên tham gia tập huấn là cán bộ công chức, viên chức thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và một số sở, ngành, đơn vị của TP Cần Thơ. Trong một ngày, lớp tập huấn được giảng viên cung cấp, hướng dẫn, thực hành kỹ năng viết Prompt và đánh giá phản hồi; ứng dụng Generative AI vào công việc chuyên môn.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ÐMST&CÐSQG) đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo rất cụ thể, thiết thực. Trong đó, Nghị quyết số 57 nhấn mạnh: “Phát triển KHCN, ÐMST&CÐSQG là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỹ nguyên mới”. Nghị quyết 57 đồng thời xác định, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ÐMST&CÐSQG”.
Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 20-2-2025 để triển khai thực hiện đột phá phát triển KHCN, ÐMST&CÐSQG trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến các nhiệm vụ liên quan đến nguồn nhân lực trong tổ chức bộ máy. Cụ thể là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN, ÐMST&CÐSQG của cơ quan, tổ chức; giao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kế hoạch hành động về phát triển KHCN, ÐMST&CÐSQG hằng năm. Rà soát tiêu chuẩn chức danh công chức, lãnh đạo quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, phấn đấu bố trí tỷ lệ phù hợp cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị. Ðào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức kiến thức về chuyển đổi số. Ðồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát động phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “học tập số” trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh: “Với những quan điểm và nhiệm vụ cụ thể này, cho thấy việc đào tạo những kiến thức cơ bản ứng dụng công nghệ AI trong công việc chuyên môn đối với cán bộ công chức, viên chức ngành khoa học và công nghệ nói riêng và của toàn thành phố nói chung là điều cần thiết và hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay”.
Ðánh giá cao Sở Khoa học và Công nghệ đã tiên phong đi đầu trong việc triển khai đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức trong ngành những kiến thức cơ bản, hữu ích về AI, lãnh đạo thành phố yêu cầu sau khóa học, Sở có báo cáo đánh giá cơ bản về sự phù hợp, tính hữu ích, hiệu quả của khóa học. Từ đó, UBND thành phố xem xét mở rộng đến các đối tượng công chức, viên chức khác trên toàn thành phố.
x x x
Ðảng, Nhà nước ta đang quyết liệt đổi mới, cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Ðiều này cũng đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải được nâng cao, ngang tầm nhiệm vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung, AI nói riêng, sẽ là “chìa khóa” giúp nâng cao năng suất, chất lượng công việc.