Bài 2: Vẫn còn “khoảng cách” để hoàn thành mục tiêu
Ðánh giá về kết quả tiến trình CNH, HÐH của nước ta giai đoạn trước, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ: “Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình”. Ðối với ÐBSCL, tiến trình CNH, HÐH còn vướng nhiều rào cản. Các chuyên gia nhận định, ÐBSCL giàu tiềm năng nhưng đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế cả nước.
Hạ tầng giao thông ở ĐBSCL được quan tâm đầu tư kết nối nội vùng và liên vùng. Trong ảnh: Thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: MỸ THANH
Những nút thắt kìm hãm đà tăng trưởng
Trong hai thập niên trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ÐBSCL luôn cao hơn mức trung bình của cả nước. Khu vực này đóng góp khoảng 16% GDP của Việt Nam, nhưng tỷ trọng này đã giảm xuống còn 12% trong những năm gần đây. Thực tế những năm qua cho thấy, quá trình CNH, HÐH trong lĩnh vực công nghiệp của ÐBSCL phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, CNH, HÐH chỉ có thể thực hiện thành công khi gắn với sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường, trong khi sản xuất của ÐBSCL nhỏ, phân tán khó có thể ứng dụng máy móc hiện đại, không thể gắn sản xuất với dịch vụ, chế biến, bảo quản và tiếp cận thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… Chia sẻ về nỗi trăn trở với ngành công nghiệp chế biến, theo ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Food (VNF), ngành công nghiệp chế biến tạo ra rất nhiều phụ phẩm, nhưng lại không có ngành công nghiệp phụ phẩm, chủ yếu là hấp, sấy, nghiền phụ phẩm để xuất thô. Trong khi thế giới nhập nguyên liệu thô về để tinh chế làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và xuất khẩu ra nước ngoài, Việt Nam lại xuất thô và nhập tinh, bán rẻ các tài nguyên hiện có. Vì vậy, rất cần tận dụng các tài nguyên này để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là nút thắt đối với tiến trình CNH, HÐH của vùng. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật, quản lý, nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Theo TS Trần Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Ðại học Cần Thơ, lực lượng lao động ở ÐBSCL hơn 10 triệu người, tuy nhiên số lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp nhất trong cả nước. Ðơn cử, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở ÐBSCL chiếm 14,53%, trong khi đó ở Ðồng bằng sông Hồng là 37,14%, Ðông Nam Bộ là 28,19%, Trung du và miền núi phía Bắc 26,36%, Tây Nguyên là 17,62%. Ngoài ra, ÐBSCL cũng là nơi có tỷ lệ lao động có bằng đại học trở lên thấp nhất nước, năng suất lao động thấp nhất nước và tỷ suất xuất cư cao nhất nước.
Quan điểm chỉ đạo của Ðảng trong tiến trình CNH, HÐH phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, đầu tiên là cần có cơ chế và chính sách cụ thể trong việc liên kết vùng, xác định được lợi thế của từng địa phương, từ đó làm cơ sở tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực chung và riêng của từng địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ÐBSCL, những năm gần đây, Trung ương đã ban hành hàng loạt chính sách riêng cho vùng, tuy nhiên, nội dung về CNH, HÐH, còn lồng ghép, chưa có những Nghị quyết, chủ trương riêng. Chính vì vậy, việc cụ thể hoá các chủ trương trong điều kiện toàn vùng còn hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa đạt hiệu quả. Ðơn cử, ÐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt dưới mức trung vị (3%). Ðiều này cho thấy, mô hình, phương thức sản xuất của ngành đã đạt ngưỡng, bão hòa và cần phải thay đổi để có thể tăng trưởng bền vững. Một trong những giải pháp là cần có cơ chế chính sách trong việc tạo điều kiện nghiên cứu, đầu tư công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ÐBSCL chỉ có một vài địa phương có quy hoạch, đang triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao. Vùng chỉ có một viện nghiên cứu về cây trồng - Viện Cây ăn quả Miền Nam, một viện nghiên cứu về cây lúa - Viện Lúa ÐBSCL, chưa có những cơ quan nghiên cứu chuyên sâu như viện gen…
Phân bổ nguồn lực chưa hợp lý
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ xưa, giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam phát triển giao thông thủy là chính. Về sau này giao thông bộ phát triển chính và giao thông thủy hỗ trợ. Nhưng về giao thông bộ tính kết nối chưa thành hệ thống, chỉ có những trục chính đi tới, đi lui, thiếu các trục đi vòng, đi ngang để chia sẻ lẫn nhau. Hệ thống giao thông đường bộ ở phía Nam với hệ thống sông, ngòi, kênh rạch chằng chịt làm tăng chi phí đầu tư cho giao thông. Những năm gần đây, Chính phủ quan tâm đầu tư cho các tỉnh miền Tây về cơ bản đã có kết nối nhưng các trục đường xương sống, các nhánh rẽ chưa phát triển nhiều. Chính phủ đang có định hướng mở rộng, kể cả phát triển đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh. Hạ tầng vẫn là khâu yếu nhất ở các tỉnh phía Nam và cơ hội là đang được Chính phủ quan tâm để tiếp tục đầu tư mở rộng cho các tỉnh phía Nam trong đó có khu vực ÐBSCL.
Theo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Ðến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng vùng ÐBSCL không chỉ mang tính liên kết nối liên vùng nhất là kết nối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ.
Với mục tiêu đặt ra, ÐBSCL rất cần việc đa dạng nguồn vốn để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Tuy vậy, Báo cáo Kinh tế thường niên ÐBSCL qua các năm cho thấy việc thiếu đầu tư, đầu tư kém hiệu quả, không hấp thụ được các nguồn lực đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến vòng xoáy đi xuống và làm cho ÐBSCL chậm phát triển so các vùng khác. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ÐBSCL nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI còn nhiều hạn chế. Giai đoạn 2014-2023, chỉ có tỉnh Long An là địa phương thu hút tốt các nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách (11,42%), nguồn vốn FDI (30,94%), kế đến là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; các địa phương còn lại tỷ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%. Từ phân tích trên cho thấy, ÐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nếu tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và năng lực khai thác.
Vùng ÐBSCL được đánh giá có hệ sinh thái đa dạng nhưng nhạy cảm với các tác động bên ngoài. Việc phát triển công nghiệp cần được thực hiện thận trọng để tránh gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái. Vùng cũng đối mặt với thách thức về kinh tế - xã hội như hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống giao thông, thủy lợi, năng lượng, logistics... còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ðồng Tháp, chia sẻ: Một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế vùng ÐBSCL nói chung và Ðồng Tháp nói riêng hiện nay là hệ thống logistics thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... Vì vậy, song song với việc khắc phục, nâng cấp hạ tầng logistics, tỉnh tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
* * *
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, ÐBSCL đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương CNH, HÐH theo Nghị quyết số 29-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây là con đường tất yếu để ÐBSCL phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành vùng sinh thái, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế nông nghiệp của cả nước và khu vực.
Bài 3: Hướng đi nào cho tiến trình CNH, HÐH vùng ÐBSCL?