Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng khai thác giá trị những di tích văn hóa lịch sử và sinh thái trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.
.webp)
Du khách đến tham quan Lăng mộ Hoàng gia.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, địa phương hiện có trên 2.100 di tích lịch sử - văn hóa, bao gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo tín ngưỡng và di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, có 21 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và 86 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tạo nên một bức tranh đa màu sắc về đất nước và con người Đồng Tháp, với những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được kết tinh từ ngàn đời nay. Hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa ở Đồng Tháp là nơi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, tôn vinh các giá trị văn hóa, là nguồn tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu văn hóa vùng và văn hóa dân tộc cũng như là các điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Thế mạnh của du lịch Đồng Tháp gắn liền với những di tích văn hóa lịch sử và sinh thái như di tích văn hóa Óc Eo, Gò Thành thế kỷ I đến thế kỷ VI (sau Công Nguyên) ở xã Tân Thuận Bình; di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút ở xã Kim Sơn, di tích chiến thắng Ấp Bắc ở xã Tân Phú, lũy Pháo Đài ở xã Tân Thới; nhiều lăng mộ, đền chùa: lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, chùa Sắc Tứ… Đối với vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt ở phía Tây của tỉnh Đồng Tháp, một trong những điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước là di sản văn hóa làng cổ Đông Hòa Hiệp ở xã Cái Bè. Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”.
Chủ tịch UBND xã Cái Bè - Nguyễn Hoàng Sơn, cho biết: Làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum suê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Khi đến vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn ở phía Đông của tỉnh Đồng Tháp, khách du lịch có thể tham quan di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia Lăng mộ Hoàng Gia ở Long Hưng (phường Sơn Quy) để tìm hiểu và biết thêm về nơi phát tích của một bà Thái hậu đức độ Từ Dụ (Từ Dũ). Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1826, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị... Ngoài ra, du khách không thể bỏ qua một di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận theo Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 18-7-2024 là các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định, gồm: Mộ và Đền thờ Trương Định (phường Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Đông); Lũy Pháo Đài (xã Tân Phú Tân). Tại di tích các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định, khách du lịch có thể tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của vị Anh hùng Trương Định, một nét son ngời sáng tô thắm thêm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc cùng khí tiết của người anh hùng… Ngoài ra, Gò Công còn thu hút khách du lịch đến tham quan nhà cổ với hàng chục ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông - Tây độc đáo như nhà đốc phủ Nguyễn Văn Hải (ở phường Gò Công) được xây dựng năm 1860; đình Trung được xây cuối thế kỷ 19…
Để phát huy tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử tại địa phương, Đồng Tháp đã tập trung triển khai thực hiện các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch địa phương, quan tâm khai thác tốt các tour du lịch mới thu hút khách du lịch được tăng cường và thực hiện thường xuyên thông qua sự kết nối, tổ chức của các doanh nghiệp lữ hành trong ngoài tỉnh; hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn; các doanh nghiệp lữ hành đã chủ động xây dựng tour, tuyến và mở rộng thị trường du lịch giữa Đồng Tháp với các vùng, miền trong cả nước.
Ông Võ Phạm Tân cho biết thêm, với tiềm năng phong phú, đa dạng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng bề dày về lịch sử văn hóa, tỉnh Đồng Tháp đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách. Việc khai thác hợp lý tiềm năng du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch Đồng Tháp phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập. Đồng Tháp hiện có hơn 20 đơn vị kinh doanh lữ hành hoạt động cùng với trên 200 thuyền máy vận chuyển khách du lịch, cùng gần 100 nhà hàng, khách sạn không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đón khoảng 2,1 triệu lượt du khách, trong đó có 700.000 khách quốc tế và doanh thu từ du lịch mang lại cho địa phương đạt 1.507 tỉ đồng.
Bài, ảnh: PHÙNG LONG