Chi bộ ấp Tân Bình (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) đã lãnh đạo cán bộ (CB), đảng viên (ĐV), nhân dân "làm theo" tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hành động thiết thực… Qua đó, góp phần nâng chất các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cán bộ xã Giai Xuân và ấp Tân Bình thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của người dân.
Chúng tôi đến đúng lúc CB, ĐV cùng nhân dân ấp Tân Bình đang xây taluy ngăn nước tràn gây ngập đường giao thông, nhà, vườn cây ăn trái. Đồng chí Nguyễn Văn Hái, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Bình, cho biết: "Từ năm 2023, CB, ĐV ấp đã vận động người dân đắp taluy bằng đất hoặc xây gạch khoảng 5.000m. Xây khoảng 30m này nữa là nước không còn tràn vào ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất của người dân". Ông Ngô Tấn Kiệt, người dân trong ấp nói: "Nhờ CB ấp vận động, bà con đồng lòng đóng góp tiền, ngày công lao động đắp đê bao mà nước không tràn qua đường, ảnh hưởng đến cuộc sống".
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hái, từ năm 2023 đến nay, CB, ĐV ấp phối hợp CB xã vận động xây dựng 7 cây cầu, sửa chữa 4 đập với tổng trị giá 725 triệu đồng và 860 ngày công lao động. Trong đó, cầu Mương Ranh được xây dựng mới với tổng trị giá 180 triệu đồng và 200 ngày công lao động. Ông Tô Thanh Mặn cho biết: "Cầu cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp nên lưu thông khó khăn. Do vậy, khi CB ấp vận động, tôi sắp xếp công việc gia đình phụ bắc cầu mới. Cầu mới được mở rộng, xây dựng vững chắc, giao thương thuận lợi, an toàn". Ngoài ra, CB ấp Tân Bình còn vận động xã hội hóa 63 triệu đồng giặm vá, đổ đá bụi, bê tông các đoạn đường; sơn cột cờ...
Cùng với việc vận động nhân dân xây dựng hạ tầng, Chi ủy Chi bộ lãnh đạo CB, ĐV hỗ trợ đoàn viên, hội viên, sinh viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 6,5 tỉ đồng để phát triển kinh tế, học tập; động viên người dân cải tạo vườn kém hiệu quả trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ông Bùi Văn Hoàng, người dân ấp Tân Bình, chia sẻ: "Nhờ các CB ấp giới thiệu vay vốn với lãi suất thấp, gia đình tôi có tiền lên bờ, mua cây giống và phân thuốc trồng sầu riêng, chanh. Với 15 gốc sầu riêng có trái đầu tiên, tôi thu nhập được khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, 14 gốc sầu riêng, 30 gốc chanh mới trồng vài tháng đang xanh tốt, dự kiến sẽ cho thu nhập cao hơn trong những năm tiếp theo".
Nhằm hỗ trợ người dân trong sản xuất, hợp tác xã sầu riêng Tân Bình được thành lập, với 16 thành viên, diện tích canh tác 11,2 ha. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Tân Bình, cho biết: "Nhờ CB các cấp hướng dẫn kỹ thuật, bà con trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban Giám đốc Hợp tác xã tổ chức họp luân phiên để các thành viên đến từng vườn tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng phân, thuốc hợp lý; xử lý các bệnh để cây phát triển tốt…".
Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, CB, ĐV ấp còn phối hợp xây dựng 5 căn nhà cho các hộ còn khó khăn về nhà ở; vận động xã hội hóa nhiều phần gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, ấp không còn hộ nghèo, còn 4 hộ cận nghèo. Anh Huỳnh Văn Viền, người dân ấp Tân Bình, chia sẻ: "Căn nhà cũ cột cây, mái tôn cũ mưa lớn bị dột, gia đình không có tiền cất lại. Nhờ CB các cấp hỗ trợ cất lại căn nhà mới, gia đình tôi có nơi ở ổn định. CB ấp còn vận động hỗ trợ gia đình tôi đổ đá bụi đường vào nhà và kéo điện thắp sáng, nước sạch cho gia đình".
Những hành động thiết thực, hiệu quả của CB, ĐV Chi bộ ấp Tân Bình đã tạo sự lan tỏa trong CB, ĐV và nhân dân về việc "làm theo" gương Bác. "Phát huy kết quả đạt được, Chi ủy sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo CB, ĐV quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường…" - đồng chí Nguyễn Văn Hái, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Bình, khẳng định.
Bài, ảnh: THANH THY