14/10/2024 - 09:40

Sáng tạo sản phẩm thay thế thịt động vật từ trái mít 

Mỗi phần của trái mít Thái đều được chị Cao Thị Cẩm Nhung (35 tuổi, ngụ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tận dụng chế biến thành thịt thực vật, với nhiều sản phẩm đa dạng, giúp nâng cao giá trị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Chị Nhung (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm mới lạ làm từ mít.

Chị Cẩm Nhung từng là giáo viên, nhưng với niềm đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp quá lớn đã thôi thúc chị xin nghỉ việc để theo đuổi những dự định ấp ủ. Chị có 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nổi bật là những sản phẩm ăn vặt và các loại nước sốt, gia vị. Quá trình tiếp xúc thị trường giúp chị nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện nay là chú trọng chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, trong đó có các sản phẩm thay thế thịt động vật. Chị Nhung kể, gia đình chị trồng mít Thái diện tích 8.000m2. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào thị trường chủ lực Trung Quốc nên khi ngưng nhập hàng, khiến giá mít Thái ở miền Tây giảm 7-10 lần vẫn rất khó bán. Bằng kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh các mặt hàng nước sốt, gia vị, chị Nhung đã nghiên cứu để tạo ra sản phẩm đặc trưng từ mít. Chị kỳ vọng, từ chỗ phải bán tươi giá rẻ khi vào vụ hoặc “bí đầu ra”, những sản phẩm chế biến từ trái mít sẽ góp phần nâng cao giá trị.

Ðầu năm 2022, lần lượt những sản phẩm thịt thực vật từ mít ra đời như bánh phồng, khô mít, thát lát, lát mít tẩm vị, patê, snack… mang nhiều lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng. Tùy vào từng món ăn mà chị sử dụng phần nào của trái mít Thái để chế biến, như ở trái mít non có thể làm thành patê mít, snack mít, dưa chua mít; mít chín làm bánh phồng mít; xơ mít có thể làm khô mít… “Trái mít từ lúc còn non cho đến 3 tháng, 6 tháng hay thu hoạch đều có thể tận dụng. Khi trái mít được sử dụng gần như triệt để các thành phần cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao giá trị trái mít cho người nông dân”, chị Nhung vui vẻ nói.

Chị Nhung cho biết, mít là 1 trong 8 loại thực phẩm dùng để chế biến thức ăn chay. Về bản chất, mít có cấu trúc sớ giống thịt, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao… Rất phù hợp để làm thực phẩm chay và rất tiềm năng khi bán ra thị trường. Sản phẩm thịt thực vật từ mít của chị Nhung được lấy tên là Lemit Foods ra đời trong xu thế thực phẩm có nguồn gốc thực vật, xu hướng và là nền tảng cho đổi mới sáng tạo trên thế giới. “Tôi muốn sử dụng nguyên liệu từ mít tạo ra sản phẩm đa dạng về khẩu vị, chủng loại. Với sản phẩm Lemit Foods tôi mong muốn người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thực phẩm ăn chay, ăn kiêng… ăn làm sao cho bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường”, chị Nhung cho biết.

Sản phẩm thịt từ mít là lựa chọn đạm thay thế bổ dưỡng, kết hợp cùng các loại thực vật tươi sạch như đậu nành, nấm… Nhờ đó mang lại hương vị mới lạ, thơm ngon, hình thức và kết cấu giống thịt động vật. Ðể tạo ra sản phẩm thịt thực vật từ mít trải qua nhiều công đoạn như thu hái, xử lý mủ, tẩm ướp, chế biến, thanh trùng, tiệt trùng, đóng gói… “Tất cả sản phẩm đều sử dụng ăn chay, giúp người tiêu dùng có thêm phần lựa chọn cho bữa ăn hằng ngày và làm đa dạng thị trường”, chị Nhung nói.

Hiện sản phẩm đang được chị Nhung bán giá 32.000 đồng/100gr. Sắp tới, chị Nhung sẽ nghiên cứu chế biến, đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm mới từ trái mít Thái. Ngoài ra, Chị Nhung mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng chục héc-ta trồng theo hướng VietGAP, Local GAP để sản xuất số lượng lớn bán ra thị trường.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết