13/10/2024 - 09:00

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL

Khai mở tiềm năng, chuyển mình bứt phá
Bài 4: Tăng trưởng xanh - chìa khóa cho sự phát triển bền vững 

Chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược. CNH, HÐH ở các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Các địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho đầu tư xanh, phát triển kinh tế xanh, hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Ðây là con đường tất yếu để vùng đất Chín Rồng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng một tương lai thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.

Tỉnh Đồng Tháp trưng bày, giới thiệu các mô hình kinh tế tuần hoàn tại một hội thảo vào tháng 7-2024. Ảnh: MINH HUYỀN

Hướng đi tất yếu

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định quan điểm phát triển vùng ÐBSCL nhanh, bền vững, toàn diện trên nền tảng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng khẳng định quan điểm phát triển vùng ÐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm…

Trong quá trình phát triển, các địa phương vùng ÐBSCL đều bám sát những mục tiêu, quan điểm cốt lõi về tăng trưởng xanh, bền vững. Ông Lương Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao sinh thái. Tỉnh đã và đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Ðồng thời, triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ xanh góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, gắn với các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và triển khai những giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao khả năng thích ứng với BÐKH.

Nhiều địa phương ở ÐBSCL đang khuyến khích phát triển sản xuất xanh, thúc đẩy đầu tư xanh chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Thành phố cũng đang hỗ trợ các nhà đầu tư VSIP, Thanh Bình - Phú Mỹ… vào đầu tư các KCN xanh trên địa bàn. Các chủ đầu tư KCN này có kinh nghiệm lâu năm và mong muốn thu hút các DN thứ cấp trong việc đầu tư các lĩnh vực phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ đã giao cho Viện Kinh tế - Xã hội thực hiện đề án đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và quận huyện. Năm 2024 là năm thứ 3 thực hiện đánh giá này và là năm đầu tiên đưa chỉ số xanh là chỉ số mới để đánh giá nhận thức và hành động của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện để các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đánh giá đầy đủ hơn về chiến lược, cách tiếp cận, giải pháp triển khai chỉ số xanh của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ kết quả đó chúng tôi tham vấn lại với thành phố về cách nhìn của DN đối với cách làm của các sở, ban, ngành. Từ đó có giải pháp hỗ trợ DN thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất để đưa ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Vươn đến nền kinh tế xanh

Nhằm góp phần thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tạo hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu Long An đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Long An, chia sẻ: Ðể hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, chúng ta cần cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường, huy động nguồn lực cho các mục tiêu tăng trưởng xanh. Long An đang thuê đơn vị tư vấn rà soát các tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh Long An để sau này có thể thực hiện trao đổi thương mại. Phối hợp với các chuyên gia đẩy mạnh tiến độ khảo sát, đánh giá hiện trạng, kiểm kê khí thải nhà kính. Long An cũng tiếp tục nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp chuyên biệt cho lĩnh vực công nghệ cao. Tới đây Long An sẽ có 2 KCN gần 1.000ha tập trung phát triển công nghiệp xanh. Ðồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Long An cũng tổ chức đoàn công tác sang học tập tại Singapore về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn, tổ chức các hội thảo về công nghệ chip bán dẫn và tới đây sẽ có nhà máy điện khí trên 3 tỉ USD đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để khởi công, thu hút ngành công nghiệp chip bán dẫn từ Hàn Quốc, Ðài Loan đến với Long An trong thời gian tới.

Ðồng Tháp nói riêng và ÐBSCL nói chung đang hướng tới nền kinh tế xanh và có nhiều lợi thế phát triển chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, ÐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự phát triển không cân đối giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì vậy để phát triển nhanh bền vững cần tuân thủ các quy định, định hướng, giải pháp của thế giới, của Ðảng và Nhà nước. Thế giới đang chuyển sang phát triển xanh, bền vững, không tăng trưởng nóng bằng mọi giá, gây ra mất cân bằng giữa kinh tế và môi trường. Vùng ÐBSCL đang có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xanh. Theo kết quả công bố chỉ số PGI năm 2023, có nhiều tỉnh của vùng ÐBSCL nằm trong top đầu. Vì vậy, các tỉnh cần phát huy kết quả đạt được và có sự phấn đấu điều chỉnh trong từng tiêu chí phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương cũng như có sự liên kết với các tỉnh trong vùng, cả nước và khu vực, đề ra chương trình, giải pháp cụ thể để thực hiện từng tiêu chí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng chia sẻ với địa phương để thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PGI. Xu hướng của thế giới đặt ra yêu cầu giảm phát thải và Việt Nam nằm trong những nước tiên phong, cam kết thực hiện chuyển đổi xanh. Do đó, trên từng lĩnh vực, trong từng doanh nghiệp cần có định hướng tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải, hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với giảm thiểu tác động đến môi trường, phát huy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như phát huy lợi thế của từng ngành tại các địa phương ở ÐBSCL.

Lưu ý quá trình phát triển công nghiệp ở Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam VIPFA, Nguyên Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nhấn mạnh: Cần xác định về cơ bản tăng trưởng xanh là một trình độ mới của sự tăng trưởng gắn với quá trình giảm thiểu carbon, cân bằng năng lượng và giảm phát thải ròng bằng 0. Tăng trưởng xanh được xác định là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia trên thế giới, là sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp cận tăng trưởng xanh khá sớm với quyết tâm mạnh mẽ thể hiện khát vọng trở thành quốc gia phát triển bền vững. Chiến lược tăng trưởng xanh của các địa phương cần nhấn mạnh vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số phát triển hạ tầng xanh, bền vững.

***

Ðối với ÐBSCL, để thúc đẩy tiến trình CNH, HÐH thành công cần vượt qua những thách thức liên quan đến điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội, thể chế chính sách. Và để hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng sinh thái, văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ÐBSCL cần nắm bắt những cơ hội và động lực mới để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển sắp tới.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Bài cuối: Nguồn năng lượng mới

Chia sẻ bài viết