Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP Cần Thơ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện khá tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Ðặc biệt, hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đã khởi sắc, đưa nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Ðây là điều kiện thuận lợi để TP Cần Thơ hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển trong những tháng cuối năm.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Kết quả khả quan
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) TP Cần Thơ, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế thành phố vẫn duy trì tăng trưởng. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, HÐND thành phố để cụ thể hóa, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện… Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ÐT TP Cần Thơ, nhận định: “Trong 9 tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng phát triển tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lĩnh vực thương mại tích cực thúc đẩy tiêu thụ, phân phối thông qua các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc. Doanh thu du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2023 và tổ chức nhiều chương trình, lễ hội tạo được sức hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch... góp phần kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế địa phương”.
Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024, TP Cần Thơ đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,73%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%, khu vực dịch vụ tăng 7,02%, thuế sản phẩm tăng 1,80%. 9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Ðây là tháng thứ sáu liên tiếp IIP có mức tăng trưởng trên 6%, IIP tiếp tục trên đà khởi sắc từ nay đến cuối năm 2024. Một số ngành sản xuất chủ lực như xay xát gạo, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất trang phục tăng trưởng khá đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng qua tăng 11,93% so với cùng kỳ 2023, trong đó ngành du lịch lữ hành tăng cao 61,13% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch, cùng với các điểm hoạt động du lịch được chú trọng đầu tư không gian và mô hình mới thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế. Các tuyến giao thông vận tải tiếp tục được mở rộng đã giúp các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ và vận tải duy trì tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ… Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển 9 tháng ước tăng 7,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tăng 5,52% so với cùng kỳ 2023... Hoạt động sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, diện tích cây ăn trái ngày càng được mở rộng; sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu…
Thúc đẩy phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, các lĩnh vực thực hiện chưa đạt tiến độ kế hoạch năm. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn do tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm người lao động để duy trì hoạt động kinh doanh. Mặc dù tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu nhỏ lẻ. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh. Tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng một phần đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất cây trồng…
Ðể tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024, TP Cần Thơ xác định nhiệm vụ 3 tháng cuối năm là rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và ủng hộ của nhân dân. Trong đó, các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Tập trung đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.
TP Cần Thơ đưa ra kế hoạch tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả những tháng cuối năm; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế…
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ về tình hình phát triển KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Những tháng cuối năm 2024, các sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó khẩn trương rà soát, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2024 theo Nghị quyết của Thành ủy, HÐND và quyết định của UBND thành phố; tăng cường thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45 của Quốc hội, Nghị quyết số 98 của Chính phủ, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới nhằm tạo động lực phát triển mới, thu hút các nguồn lực để triển khai hiệu quả các định hướng, mục tiêu theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; chỉ đạo đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường các biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường, liên kết tiêu thụ sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN