Hỗ trợ hội viên phụ nữ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình là một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội LHPN quận Ô Môn. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình phù hợp thực tế, Hội hỗ vay vốn, giải quyết việc làm… giúp chị em có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội LHPN quận Ô Môn tham quan mô hình nuôi ếch của hội viên tại phường Thới Hòa.
Vui vẻ làm nước giải khát mời khách trong căn nhà xinh xắn, chị Hồ Thị Bích Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chủ nhiệm mô hình Tổ Phụ nữ mua bán nhỏ tại khu vực Thới Hòa C, phường Thới An, kể về quá trình vượt khó. Trước đây, chị Phượng không có việc làm ổn định. Năm 2022, được Hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng, chị Phượng mua bán nhỏ gạo, bánh, cà phê, các nhu yếu phẩm… lợi nhuận khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày. Chị Phượng chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn nghĩa tình này mà tôi vừa có thu nhập khá vừa có thời gian đưa rước con đi học, chăm lo gia đình”.
Chị Lâm Thị Cẩm Tiên cũng được Hội giới thiệu vay vốn mua bán cá, có đồng ra đồng vào, an tâm nuôi con học hành. Nhận thấy chị Phượng, chị Tiên và nhiều chị em trên địa bàn làm ăn hiệu quả, Hội LHPN phường thành lập mô hình Tổ Phụ nữ mua bán nhỏ, hộ nào có nhu cầu thì được hỗ trợ vay vốn. Theo chị Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới An, ngoài mô hình trên, phường còn có các tổ hợp tác may gia công, trồng rau an toàn, phụ nữ giúp nhau tạo sinh kế… hỗ trợ chị em có việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 2024, Hội LHPN phường Thới Hòa đăng ký mô hình Dân vận khéo “Nuôi ếch” của hội viên Lương Thị Hạnh. Anh Hồng Quang Nam - chồng chị Hạnh, phấn khởi cho biết ngoài việc bán ếch thịt, gia đình còn bán ếch giống, các nơi đặt hàng nhiều, giá cả ổn định. Hiện gia đình chị Hạnh cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ nuôi ếch trên địa bàn phường. Được Hội hỗ trợ vay vốn, gia đình có thêm điều kiện làm ăn thuận lợi. Mô hình đang được Hội khảo sát để nhân rộng đến các hội viên.
Thông qua Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN quận Ô Môn triển khai nhiều hoạt động mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phối hợp kết nối xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ. Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững; xây dựng kế hoạch giúp đỡ 144 hộ nghèo, cận nghèo là hội viên phụ nữ. Các cấp Hội thành lập nhiều mô hình mới: May gia công (phường Long Hưng), Tổ hợp tác trồng ổi (phường Thới Long), Tổ hợp tác trồng sầu riêng, Tổ liên kết nấu ăn lưu động (phường Châu Văn Liêm)... Hội thành lập và duy trì hiệu quả các mô hình giải quyết việc làm sau đào tạo nghề và liên kết giải quyết việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương. Đến nay, toàn quận có 26 mô hình với 409 thành viên, giới thiệu việc làm tại chỗ cho 610 phụ nữ. Hội phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, duy trì hoạt động tốt các nguồn vốn huy động tại chỗ trong hội viên.
Nhìn chung, các mô hình phụ nữ làm kinh tế trên địa bàn quận Ô Môn cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, rất được chị em ủng hộ. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình hiệu quả; chăm lo đời sống, hỗ trợ chị em an tâm lao động, sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.