Phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị ngày càng khang trang, hiện đại là một trong những mục tiêu mà TP Cần Thơ quan tâm thực hiện trong năm 2024. Từ nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn huy động khác, nhiều công trình, dự án được triển khai thực hiện vừa góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương, vừa góp phần xây dựng thành phố văn minh và hiện đại...
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Tập trung giải ngân
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) TP Cần Thơ, trong 9 tháng qua, UBND TP Cần Thơ xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đặc biệt với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện, đẩy nhanh công tác phân bổ và tăng cường các biện pháp xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công… Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: "Trong 9 tháng qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, chấn chỉnh, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Trong đó, lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình; đưa tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua đối với các chủ đầu tư vào cuối năm 2024; kiện toàn bộ máy các ban quản lý dự án và các tổ công tác nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố. Từng chủ đầu tư của các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể để theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện các dự án…".
Ðến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của TP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ và HÐND thành phố giao là 10.913,256 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 8.010,096 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.863 tỉ đồng. Qua đó, thành phố phân bổ vốn cho 23 chủ đầu tư thực hiện 90 dự án… Qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết đến ngày 20-9-2024 số vốn trên đã giải ngân là 4.290,166 tỉ đồng, đạt 48,48% kế hoạch vốn được HÐND thành phố giao và đạt 41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có 6 nguồn vốn giải ngân trên mức trung bình của thành phố (48,48%), gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) đạt 64,5%; nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 đạt 57,1%; nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương đạt 55,3%; nguồn xổ số kiến thiết đạt 51,4%; bội chi ngân sách địa phương (nguồn Chính phủ vay về cho vay lại) đạt 48,9%; nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 48,65%. Có 2 nguồn vốn giải ngân dưới mức trung bình của thành phố là nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) đạt 42,3%; nguồn tiền sử dụng đất đạt 29,3%.
Trong tổng số 90 dự án được bố trí kế hoạch vốn nêu trên có 8 dự án được bố trí kế hoạch vốn trên 100 tỉ đồng, với tổng kế hoạch vốn bố trí 5.041,780 tỉ đồng, chiếm 86,2% kế hoạch vốn thành phố quản lý và chiếm 56,97% tổng kế hoạch vốn toàn thành phố, kết quả giải ngân được 2.693,305 tỉ đồng, đạt 53,42% kế hoạch giao... Trong đó có nhiều dự án thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ðiển hình 2 dự án trọng điểm quốc gia sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021-2025, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ) cơ bản đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có số hộ đã bàn giao mặt bằng là 1.015/1.055 hộ, khoảng 40,114ha, đạt 92,89%, tương đương 36,571km. Riêng 40 hộ thuộc vị trí trạm dừng nghỉ đến nay đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, hoàn thành kiểm đếm các trường hợp bị ảnh hưởng và dự kiến hoàn thành thu hồi đất trong tháng 11-2024…
Giải pháp thúc đẩy
Theo Sở KH&ÐT TP Cần Thơ, hiện nay giải ngân vốn đầu tư công của toàn thành phố còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, thành phố chưa thực hiện phân bổ hết nguồn vốn đã được giao, đồng thời còn nhiều dự án phải điều chỉnh, điều chuyển vốn so với kế hoạch đầu năm… Nguyên nhân chính do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn, trọng điểm của thành phố; nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng nhiều so với quyết định đầu tư, từ đó phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; một số chủ đầu tư chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt...
Từ những khó khăn trên, những tháng cuối năm 2024, thành phố xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các sở, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư các dự án đẩy mạnh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nhanh các hồ sơ có liên quan đến công tác thẩm định dự án và các thủ tục liên quan đến triển khai, giải ngân dự án đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong kế hoạch vốn năm 2024, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, kịp thời cập nhật kế hoạch và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, từng quý… Các chủ đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành và cơ quan liên quan cùng tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, thanh toán, giải ngân, mặt bằng thi công; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy tiến độ thi công, giải ngân các dự án…
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ về tình hình phát triển KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: "Các cấp, các ngành xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhất là chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, theo dõi, phấn đấu đạt chỉ tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, xác định chính xác khả năng giải ngân vốn của từng dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công gửi về Sở KH&ÐT, Văn phòng UBND thành phố làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt tiến độ dự án; tăng cường đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, kiên quyết xử lý các nhà thầu cố tình thi công chậm trễ tiến độ; thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà thầu các dự án, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời cho UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện…".