30/04/2024 - 08:17

Phương Tây “tuyên chiến” với TikTok 

TikTok có phải là ứng dụng độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp cho người dùng, thậm chí là công cụ tuyên truyền của đối thủ nước ngoài hay không? Câu hỏi này vẫn đang gây tranh cãi ở phương Tây, đặc biệt khi nhiều quốc gia lo ngại tính bảo mật của TikTok và mối quan hệ của nền tảng này với Chính phủ Trung Quốc.

TikTok đang đối mặt với khả năng bị cấm ở Mỹ. Ảnh: AP

“Cuộc chiến” gay gắt

Ngày 17-4, Ủy ban châu Âu (EC) ra hạn cho TikTok đưa ra đánh giá rủi ro sau khi ứng dụng mới TikTok Lite ra mắt ở Pháp và Tây Ban Nha. Theo thông báo, phiên bản rút gọn về cơ bản trả tiền cho người dùng để xem video và kiếm điểm đổi lấy phần thưởng như phiếu mua hàng hoặc thẻ quà tặng. Ðiều này dẫn đến lo ngại của EC về tác động của TikTok Lite đối với trẻ em và sức khỏe tâm thần của người dùng. Hồi tháng 2, EC cũng tiến hành các thủ tục tố tụng đối với nền tảng truyền thông xã hội của công ty ByteDance theo Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm đánh giá TikTok có hành động mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em hay không. TikTok có thể phải đối mặt mức phạt 6% doanh thu toàn cầu nếu bị kết tội vi phạm các quy định DSA.

Ðến nay, EC cùng 2 cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã cấm TikTok trên thiết bị của nhân viên để đảm bảo an ninh mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch. Một số nước thành viên như Bỉ, Hà Lan, Pháp, Ðan Mạch, Estonia hay ngoài khối như Na Uy cũng thực thi chính sách tương tự do lo ngại nguy cơ gián điệp. Hồi đầu tháng 4, đối tác của Mỹ trong Nhóm chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) là Úc đã cấm TikTok trên tất cả thiết bị thuộc sở hữu nhà nước liên bang vì lo ngại quyền riêng tư và bảo mật bị xâm phạm. Những đồng minh còn lại gồm Canada, Anh và New Zealand gần đây cũng có động thái tương tự trước cảnh báo từ giới chuyên môn, rằng thông tin nhạy cảm có thể bị lộ khi tải xuống TikTok từ kho ứng dụng.

Ðến ngày 21-4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty ByteDance phải thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok ở thị trường Mỹ trong thời hạn được quy định; hoặc nền tảng sẽ bị loại trừ khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại đây. TikTok kịch liệt chỉ trích động thái trên, trong đó, người phát ngôn của TikTok cho rằng dự luật vừa thông qua “chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật nếu văn kiện liên quan được thông qua tại Thượng viện, mở ra tiền lệ lần đầu tiên một nền tảng mạng xã hội bị “cấm cửa” hoàn toàn ở xứ cờ hoa. Theo luật, ByteDance cần sự chấp thuận từ nhà chức trách Trung Quốc để hoàn thành việc thoái vốn cưỡng ép, tuy nhiên Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ phản đối điều này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từng nói rằng dự luật cấm TikTok sẽ “quay lại gây hại cho Mỹ”.

Ðã đến lúc cấm TikTok?

Lâu nay, TikTok bị cáo buộc là công cụ theo dõi các nhà báo phương Tây và liên tục khai gian về quy định lưu trữ dữ liệu người dùng. Theo đó, dữ liệu cá nhân từ Mỹ và châu Âu được cho chuyển đến Bắc Kinh trong nhiều năm qua để sàng lọc thông tin quan trọng và nhạy cảm. Công ty mẹ của mạng xã hội Facebook là tập đoàn Meta và nền tảng X (trước đây là Twitter) tuy cũng có sai phạm tương tự, nhưng các nghiên cứu cho biết người dùng TikTok phải đối mặt mức độ thao túng chưa xác định. Không chỉ lượng thời gian dành cho ứng dụng, mà nó còn gồm nhiều loại nội dung có thể dẫn đến tình trạng tự làm hại bản thân và trầm cảm mà người dùng tiếp thu hàng ngày. TikTok còn hỗ trợ tăng tốc tuyên truyền thông tin sai lệch chống lại chính phủ nhiều nước phương Tây, trở thành một trong những phương tiện chính của chủ nghĩa phản yêu nước và mất lòng tin vào nền dân chủ.

Vấn đề nữa là thị trường Trung Quốc hoàn toàn đóng cửa với các hãng tin phương Tây, một số dịch vụ phần mềm nhất định của châu Âu và các ứng dụng của nhóm Big Tech (Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft). Ngay cả TikTok cũng chưa từng xuất hiện tại Trung Quốc, thay vào đó người dân nước này sử dụng phiên bản nội địa Douyin và được chính phủ giám sát gắt gao để ngăn người dùng tạo nội dung gây hại. Ngược lại, các nền dân chủ phương Tây lại rộng cửa để Bắc Kinh tiếp cận trực tiếp với giới trẻ, cho phép TikTok trở thành nơi lý tưởng để thanh thiếu niên tìm hiểu tin tức cũng như định hình ý kiến ​​của mình.

Lợi nhuận công ty mẹ của TikTok tăng vọt năm 2023

Theo hãng tin Bloomberg, lợi nhuận của ByteDance, công ty chủ quản của mạng xã hội TikTok, đã tăng 60% trong năm 2023, đánh bại các đối thủ trực tuyến khác là Tencent và Alibaba trên đường đua lợi nhuận.

Kể từ khi được thành lập tại Bắc Kinh cách đây 12 năm, ByteDance đã phát triển thần tốc những năm gần đây để trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị lớn trên thế giới, ước tính 225 tỉ USD. Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết lợi nhuận trước thuế của công ty tăng lên hơn 40 tỉ USD từ mức khoảng 25 tỉ USD năm 2022. Doanh thu của công ty cũng tăng lên 120 tỉ USD, từ mức 80 tỉ USD năm 2022.

ByteDance ra mắt mạng xã hội TikTok năm 2017 và ứng dụng này đã nhanh chóng phủ rộng trên toàn thế giới, vượt mốc 1 tỉ người dùng chỉ trong 4 năm. TikTok là phiên bản quốc tế của Douyn, bản nội địa ra mắt tại Trung Quốc năm 2016 đến nay đã có hàng trăm triệu lượt người dùng trong nước. Nhờ sự bùng nổ của các ứng dụng này, ByteDance đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thương mại điện tử, đặt chỗ du lịch và cũng ra mắt cả ứng dụng chỉnh sửa video. Công ty hiện có hơn 150.000 nhân viên ở gần 120 quốc gia trên thế giới.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết