25/08/2024 - 22:01

Nga, Trung Quốc tăng tốc hợp tác ở Bắc Cực 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin hôm 21-8 đã ký một thông cáo chung, trong đó đồng ý phát triển các tuyến vận chuyển ở Bắc Cực theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 5 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Bắc Kinh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và người đồng cấp Nga Mishustin trong cuộc gặp hôm 21-8. Ảnh: SCMP

Thông cáo nhấn mạnh, “củng cố quan hệ Trung Quốc - Nga là lựa chọn chiến lược được đưa ra dựa trên lợi ích cơ bản chung của 2 nước, đồng thời không bị những thay đổi trong tình hình quốc tế ảnh hưởng”. “Cả 2 bên kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 2 nước, phản đối mọi nỗ lực nhằm cản trở sự phát triển bình thường của mối quan hệ song phương, can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hạn chế không gian về kinh tế, công nghệ và quốc tế của 2 nước” - thông cáo chung có đoạn viết.

Trong thông cáo chung, hai bên cũng cam kết ủng hộ chủ quyền chung của 2 nước, cùng nhau thực hiện các dự án và nhiệm vụ hợp tác quan trọng trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga. Hai bên còn nhất trí tiếp tục tham gia “đối thoại mang tính xây dựng” xung quanh việc cho phép tàu chở hàng Trung Quốc đi qua hạ lưu sông Đồ Môn, tuyến đường thủy quan trọng giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Nga ngày càng trông cậy vào Trung Quốc để giúp phát triển tuyến đường biển Bắc Cực, vốn được cho có thể cắt giảm gần một nửa thời gian vận chuyển tới châu Á, trong bối cảnh nền kinh tế xứ bạch dương tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các đối tác thương mại tại khu vực. Không những vậy, nhờ sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, Nga tiếp tục hiện đại hóa và mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực. Trong những năm gần đây, Mát-xcơ-va đã bổ sung thêm 3 tàu phá băng hạt nhân mới vào hạm đội tàu phá băng của nước này, từ đó củng cố vị thế của xứ bạch dương ở Bắc Cực. Những con tàu này có khả năng xuyên thủng lớp băng dày nhất ở Bắc Cực.

Về phần mình, Trung Quốc trong những năm qua cũng đã chuyển sự chú ý sang Bắc Cực, bởi Bắc Kinh nhận thấy tiềm năng kinh tế và chiến lược to lớn của khu vực. Theo đó, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển đội tàu phá băng - lực lượng  cần thiết để di chuyển trong môi trường khắc nghiệt và đạt được các mục tiêu đầy tham vọng ở Bắc Cực. Năm 2024, Trung Quốc có bước tiến lớn khi đưa 3 tàu phá băng tới Bắc Cực, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng cả về thành tựu kỹ thuật lẫn chiến lược địa chính trị toàn cầu, đồng thời là dấu hiệu cho thấy chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm củng cố ảnh hưởng trong khu vực.

Về phần mình, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện và đẩy mạnh hoạt động ở Bắc Cực. Mới đây, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ thông báo đã mua tàu phá băng mới có tên Aivik, đồng thời có kế hoạch hiện đại hóa và sửa chữa các tàu phá băng cũ để Washington tiếp tục tuần tra ở Bắc Cực và bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực.

Đáng chú ý, Mỹ vừa thành lập Bộ Tư lệnh Hàng không Bắc Cực mới, đóng tại căn cứ Fort Wainwright, tiểu bang Alaska. Để củng cố đơn vị mới này, quân đội Mỹ quyết định tái bố trí 2 tiểu đoàn trực thăng, vốn lâu nay đóng quân ở bờ Tây nước Mỹ và quần đảo Hawaii, để báo cáo tình hình với chỉ huy Sư đoàn Dù 11 ở Alaska. Động thái này nhằm nâng cao hiệu quả phản ứng của Mỹ trước các cuộc xâm nhập vào Vùng nhận dạng phòng không của nước này trong tương lai. “Bắc Cực rõ ràng là một khu vực chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Bạn phải ở tại Bắc Cực mới có thể hiểu được Bắc Cực” - Đại tá Russ Vanderlugt, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hàng không Bắc Cực, cho biết.

Hồi tháng 7, Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận đã phát hiện, theo dõi và điều động tiêm kích của Mỹ và Canada để chặn 2 máy bay ném bom TU-95 Bear của Nga và 2 máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc tại khu vực bờ biển Alaska. Đây là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc thực hiện tuần tra chung bằng máy bay ném bom tại vùng biển Alaska, tín hiệu cho thấy quan hệ quân sự song phương giữa 2 nước đang ngày càng thắt chặt. Đặc biệt, tờ The War Zone cho biết các máy bay Nga và Trung Quốc đã đi qua khu vực thuộc Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) xung quanh Alaska.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết