08/05/2024 - 22:50

Mỹ siết chặt hạn chế bán chip cho Huawei 

Bộ Thương mại Mỹ xác nhận cơ quan này đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu đối với các công ty cung cấp và vận chuyển những mặt hàng như chip bán dẫn cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.

Khách mua sắm tại cửa hàng của Huawei ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, động thái của Bộ Thương mại được đưa ra sau áp lực từ phe bảo thủ phản đối Bắc Kinh trong Quốc hội. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải chịu sức ép về hành động cứng rắn hơn để ngăn chặn Huawei sau khi tập đoàn viễn thông Trung Quốc ra mắt laptop hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của hãng MateBook X Pro được trang bị bộ xử lý Core Ultra 9 mới của Intel.

Hiện chưa rõ loại giấy phép nào bị thu hồi, nhưng động thái trên được giới lập pháp kỳ vọng củng cố an ninh quốc gia và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty xứ cờ hoa; đồng thời giảm khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ để hỗ trợ quân đội. Trong khi đó, trang tin Nikkei cho biết tùy vào giấy phép bị thu hồi, hành động của Bộ Thương mại có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp Mỹ đang hợp tác với tập đoàn Trung Quốc. Ðồng thời, nó khiến Huawei bị tổn hại khi laptop do hãng sản xuất vẫn đang dựa vào công nghệ chip của Intel. Từ năm 2019, Huawei bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại của Mỹ do bị nghi do thám và gây hại đến an ninh quốc gia. Ðây cũng là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn Trung Quốc bành trướng quân sự. Ðể có thể xuất khẩu sản phẩm cho Huawei, các nhà cung cấp Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền. Tuy khó khăn, nhiều công ty vẫn được cấp phép bán sản phẩm và công nghệ trị giá hàng tỉ USD cho “gã khổng lồ” Trung Quốc.

Chẳng hạn như Intel, công ty bán dẫn này đã cung cấp chip CPU cho Huawei từ năm 2020. Công ty khác là Qualcomm vẫn được phép giao các con chip 4G và chip Wi-Fi cho Huawei sử dụng trên thiết bị di động. Những người chỉ trích cho rằng các giấy phép trên đã giúp Huawei “hồi sinh”, đặc biệt với mẫu laptop AI ra mắt hồi tháng trước. Năm ngoái, Huawei cũng “gây sốc” cho ngành công nghệ khi trình làng sản phẩm điện thoại mới trang bị chip tinh vi do tập đoàn Trung Quốc SMIC sản xuất, bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với cả 2 công ty.

Huawei thoát khỏi hệ sinh thái Google

Tiếp tục vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, trang Nikkei cho biết Huawei có thể hoàn tất việc rời khỏi hệ điều hành Android của Google trong năm nay bằng cách tung ra hệ điều hành “cây nhà lá vườn” phiên bản mới.

Ban đầu, Huawei sử dụng Android trên các thiết bị của hãng. Nhưng từ năm 2019, nỗ lực của Chính phủ Mỹ cắt đứt nguồn tiếp cận công nghệ dẫn tới việc Google không còn cấp phép nền tảng di động của mình cho hãng viễn thông Trung Quốc. Từ đó, Huawei chỉ được sử dụng phiên bản công khai của Android và không được phép truy cập vào các ứng dụng hay dịch vụ độc quyền của hệ sinh thái Google như Google Maps và trình duyệt Chrome. Năm 2021, công ty buộc phải chuyển sang hệ điều hành nội bộ HarmonyOS. Nền tảng này được thiết kế cho các ứng dụng Internet vạn vật và chủ yếu hoạt động trên thiết bị gia dụng có ít chức năng xử lý. Nhưng vào cuối năm nay, Huawei dự kiến ra mắt phiên bản HarmonyOS Next cải tiến cùng với điện thoại thông minh Mate 70, đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Nhắm đến nhu cầu xe hơi cùng với điện thoại thông minh, HarmonyOS Next sử dụng bộ nhớ hiệu quả gấp 3 lần hệ điều hành hiện tại và hỗ trợ AI trên thiết bị. Tháng rồi, Huawei cho biết hệ sinh thái HarmonyOS đã mở rộng tới 4.000 ứng dụng và đặt mục tiêu đạt 5.000 trong năm nay và cuối cùng sẽ lên tới 500.000.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết