19/05/2024 - 20:07

Học cao nhưng lương thấp - cơn khủng hoảng của lao động trẻ Ấn Độ 

Mặc dù đã nỗ lực để đạt được học vấn cao, nhiều lao động trẻ tại Ấn Độ vẫn chật vật tìm việc hoặc chỉ kiếm được những công việc với mức lương thấp hơn cả người lao động chân tay.

Tỷ lệ thất nghiệp trong số thanh niên có học vấn ở Ấn Độ là 66%.

Điển hình như trường hợp của Shivanand Sawale, một thầy giáo 42 tuổi sinh trưởng ở làng Dabhadi, huyện Yavatmal thuộc bang Maharashtra. Sawale là một trong những người có học vấn cao nhất làng, sở hữu tấm bằng Thạc sĩ Khoa học và Chứng chỉ Giáo dục. Nhưng sau 13 năm giảng dạy ở một trường tư, ông chỉ kiếm được 7.500 rupee (gần 2,3 triệu đồng)/tháng, tức khoảng 250 rupee (76.000 đồng)/ngày. Trong khi đó, một nông dân làm thuê (do không có đất) ở Dabhadi được trả tiền công từ 300-400 rupee (91.000-122.000 đồng)/ngày. “Bạn bè cứ trêu chọc tôi, nói rằng ngay cả những nhân viên ít học ở các cửa hàng tiện lợi còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi” - Sawale chua chát nói.

Tương tự thầy Sawale, Sidhant Mende mặc dù được học hành bài bản và có bằng kỹ sư nhưng được trả lương rất thấp. Với công việc là giám sát xây dựng nhà ở tại thị trấn Ralegaon, thanh niên 27 tuổi này cho biết anh chỉ kiếm được 12.000 rupee (3,6 triệu đồng)/tháng, tức 400 rupee (119.000 đồng)/ngày, chỉ gần bằng mức lương của những nông dân làm thuê ở các làng xung quanh. Trước khi tìm được công việc ở Ralegaon, Mende từng đi xa tìm việc làm ở các thành phố lớn như Pune và Nagpur, nhưng không có nơi nào chịu trả lương cao hơn 13.000 rupee (3,9 triệu đồng)/tháng. “Có vẻ như bằng cấp của tôi không còn quan trọng nữa. Thật vô nghĩa khi nhận những công việc lương thấp như vậy, bởi vì tôi sẽ tiêu hết số tiền kiếm được vào phí sinh hoạt ở một thành phố lớn như Pune hay Nagpur” - anh nói.

Khác với Mende, cô gái 21 tuổi Aarti Kunkunwar - cũng sống ở Ralegaon - không có điều kiện đi tìm việc làm ở các thành phố khác dù có bằng cử nhân khoa học. Sau khi cha qua đời hồi năm ngoái, Kunkunwar không muốn để mẹ sống một mình nên quyết định ở lại quê và nhận dạy kèm cho học sinh ở khu vực lân cận. Cô kiếm được 200 rupee (61.000 đồng)/học sinh/tháng. Luật sư Vaibhav Pandit, một nhà hoạt động xã hội thường hỗ trợ lao động trẻ ở Ralegaon, cho biết thị trấn hầu như không có việc làm phù hợp cho những người như Kunkunwar.

Hiện tại, hàng triệu lao động trẻ ở Ấn Độ vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm những công việc có mức lương thấp hơn trình độ học vấn của họ. Đối với những trường hợp như vậy, học vấn cao chẳng có ý nghĩa gì. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đứng ở mức 7,6% vào tháng 3-2024. Một báo cáo khác cũng công bố vào tháng 3 từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Viện Phát triển Con người (IHD) cho thấy phần lớn thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ đều có học vấn tương đối, thấp nhất là trung học.

Năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp trong số thanh niên có học vấn ở Ấn Độ chỉ ở mức 35,2%, nhưng đến năm 2022, con số đó đã tăng gần gấp đôi, lên 66%.

Anh Chandrakant Khobragade sống ở Dabhadi, từng nghĩ rằng học hành là con đường dẫn đến một cuộc sống thành công, giàu có. Khobragade đã nỗ lực lấy bằng sau đại học về chuyên ngành thực vật học, sở hữu đủ chứng chỉ cần thiết để dạy ở các trường tư. Nhưng khi bắt đầu tìm việc ở Yavatmal, anh gặp phải một trở ngại mà bản thân chưa bao giờ nghĩ đến. Đó là ở mọi trường tư thục mà anh đến xin việc, ban lãnh đạo đều gợi ý anh “quyên góp” để có được việc làm trong trường. Những khoản quyên góp này dao động từ 3-4 triệu rupee (89-122 triệu đồng). Nhiều người xác nhận những kiểu ép buộc “quyên góp” như vậy không phải là chuyện hiếm ở các trường tư nhân. Thực trạng thiếu việc làm hiện tại khiến các tổ chức tư nhân muốn tranh thủ thu lợi đối với bất kỳ công việc nào mà họ tạo ra.

Được biết, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở nhiều bang của Ấn Độ rất ít và không thường xuyên. Đơn cử, chính quyền bang Maharashtra đã không tuyển thêm giáo viên trong 6 năm qua. Hồi tháng 2, có hơn 136.000 người nộp đơn ứng tuyển cho 21.678 vị trí giáo viên còn trống ở Maharashtra, trong khi chỉ có 11.000 người được tuyển dụng.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết