19/05/2024 - 16:39

Tân Thủ tướng và “giấc mơ Singapore” mới 

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 15-5, ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) đã trở thành thủ tướng thứ 4 của Singapore trong gần 60 năm qua. Xuất thân bình dân và được nhận xét dễ gần so với giới tinh hoa cầm quyền điển hình trong nước, ông Hoàng một mặt được kỳ vọng xây dựng thành tựu từ di sản của những người tiền nhiệm; mặt khác có thể tạo dấu ấn riêng trong các lĩnh vực từ kinh tế, an sinh xã hội đến ngoại giao.

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài (trái) và người tiền nhiệm Lý Hiển Long tại lễ nhậm chức hôm 15-5. Ảnh: AFP

Qua 3 đời thủ tướng, Singapore từ nước thuộc "thế giới thứ 3" đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới nhờ vào đường lối phát triển theo định hướng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, trên cương vị người đứng đầu bộ máy lãnh đạo "thế hệ 4G" của đảng Hành động Nhân dân (PAP), ông Hoàng Tuần Tài được trông đợi sẽ kế thừa chính sách mà những người tiền nhiệm đã thiết lập và tiếp tục nuôi dưỡng nền kinh tế cởi mở nhất có thể.

Trong bài phát biểu đầu tiên, tân Thủ tướng Singapore khẳng định các nhà lãnh đạo trước đây đã tạo lập những nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện lập trường riêng khi cho biết mọi chính phủ sẽ tùy vào thời điểm cần điều chỉnh đường lối chính sách sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau của xã hội. Trong đó, ông muốn bắt đầu bằng cách lắng nghe nhiều quan điểm đa dạng, luôn cởi mở với những ý tưởng khác nhau và sẵn sàng xem xét lại các giả định cơ bản.

Thay đổi để bắt kịp thời đại

Năm 1984, cựu Thủ tướng Singapore Ngô Tác Ðống từng coi "mức sống của Thụy Sĩ" như một mục tiêu mà người dân nước này hướng tới. Ngày nay, đảo quốc có diện tích khoảng 728,3 km² nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao hơn Mỹ và người dân nơi đây cũng tận hưởng một số tiêu chuẩn sống hàng đầu thế giới. Về kinh tế, Singapore có tốc độ tăng trưởng vượt bậc và xếp thứ hạng khá cao trong các lĩnh vực như nhà ở, y tế, giáo dục và giao thông.

Với mức độ phát triển như hiện nay, người ta cho rằng sẽ khó có thể kỳ vọng nền kinh tế thị trường tự do Singapore đạt mức tăng trưởng theo cấp số nhân như trước. Trong bối cảnh này, đảo quốc Ðông Nam Á không thể chỉ ưu tiên tăng trưởng GDP hoặc cạnh tranh với các xã hội hoặc nền kinh tế tiên tiến khác trong tương lai. "Singapore đang dẫn đầu về phát triển và nước này phải tự vạch ra tương lai của mình. Họ phải khai thác tính sáng tạo và khéo léo của người dân ở mức độ lớn hơn nhiều so với những chính phủ trước từng làm" - Giáo sư Donald Low tại Ðại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết.

Là một nhà kỹ trị, tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài từng bày bỏ mong muốn xây dựng Singapore thành nơi người ta có thể thành công bằng nhiều con đường khác nhau và người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội miễn làm việc ổn định thì đều được đảm bảo những nhu cầu cơ bản như nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hưu trí. Theo ông, đã đến lúc đất nước phải nhìn xa hơn phương diện tiền bạc và công việc khi người dân không còn nói nhiều về cái gọi là "5 chữ C" như trước. Ðây là khẩu hiệu về tiêu chuẩn thành công hay còn gọi là "Giấc mơ Singapore", đề cập đến việc có căn hộ (condominium), có xe hơi (car), tiền (cash), thẻ tín dụng (credit card) và thẻ thành viên câu lạc bộ (club). Ở một quốc gia vừa mở cửa và khan hiếm tài nguyên, biểu tượng về địa vị theo "5C" từng được xem là công cụ hữu ích trong quá trình phát triển kinh tế. Song, thời thế đã thay đổi khi Singapore thành công nhờ nền văn hóa cạnh tranh và làm việc chăm chỉ, nhưng quốc gia này cũng nổi tiếng là một trong những xã hội làm việc quá sức và căng thẳng nhất trên thế giới. Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu Chính sách thực hiện vào năm ngoái, hơn một nửa người dân Singapore cho biết họ sẽ chấp nhận mức lương hoặc chức vụ thấp hơn để dành thời gian cho gia đình hoặc cuộc sống cá nhân.

Để duy trì tính ổn định và liên tục của chính phủ, tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài gần như giữ nguyên các vị trí bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính. Ông cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11-2025).

"Giấc mơ Singapore" mới

Trước những dấu hiệu cho thấy các ưu tiên bắt đầu thay đổi, Thủ tướng Hoàng xác định "giấc mơ Singapore" không đo lường bằng những thước đo hẹp dựa trên thành công vật chất. Thay vào đó, "Giấc mơ Singapore" vẫn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhưng nó sẽ bao gồm sự viên mãn, mục đích trong những gì người dân làm và ý nghĩa họ tìm được trong cuộc sống.

Nói rõ hơn, "giấc mơ mới" sẽ bao gồm 3 yếu tố chính. Ðầu tiên là sự nhiệt huyết và toàn diện. Trong khi khái niệm về chế độ nhân tài của Singapore vẫn "quá hẹp" ở một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tính hòa nhập giúp mang lại cơ hội đồng đều cho tất cả người dân Singapore bất kể xuất thân, giáo dục và lựa chọn nghề nghiệp. Thông qua việc xây dựng mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ hơn, mọi người sẽ có cơ hội tìm được công việc tốt và tận hưởng mức sống cao hơn theo thời gian. "Nói cách khác, chúng ta phải thực sự chú trọng việc học ngoài điểm số, phải coi trọng mọi tầng lớp lao động dù họ là ai và làm nghề gì" - ông Hoàng nói rõ.

Sự giàu có của Singapore. Ảnh: Reuters

Yếu tố thứ 2 mà chính phủ mới theo đuổi là sự công bằng và thịnh vượng sau khi nhận thức những căng thẳng mà người Singapore đối mặt hàng ngày. Hướng tới xã hội nơi người dân có thể được đảm bảo tốt hơn về các nhu cầu cơ bản trong mọi giai đoạn cuộc sống, ông Hoàng cho rằng Singapore cần có một môi trường thuận lợi cho mọi thành phần xã hội, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật và người chăm sóc họ.

Cuối cùng, ông Hoàng cho rằng "giấc mơ Singapore" mới còn cần sự kiên cường và đoàn kết bởi chính phủ sẽ không thể tự mình làm mọi việc thông qua những thay đổi chính sách, cũng như không có cá nhân nào có thể thành công chỉ dựa vào nỗ lực của một mình họ. Với một bộ phận đã làm tốt những điều trên, Thủ tướng Hoàng Tuần Tài kêu gọi những người này đóng góp lại cho xã hội hoặc dành thời gian và chuyên môn của mình để cố vấn và hỗ trợ những đối tượng còn khó khăn. Nhà lãnh đạo mới nói thêm, đây không phải là chương trình nghị sự theo hướng từ trên xuống mà là sự đồng thuận chung, là một lộ trình do tất cả đồng sáng tạo cho giai đoạn xây dựng quốc gia tiếp theo. "Ðó là lý do tại sao tôi tin chắc rằng giấc mơ Singapore mới không nói về bản thân mình hay riêng ai, mà nó thuộc về tất cả chúng ta" - Thủ tướng Hoàng Tuần Tài khẳng định.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Singapore là quốc gia giàu có đứng hàng thứ tư thế giới xét trên GDP theo sức mua tương đương (PPP), sau Luxembourg, Macao (Trung Quốc), Ireland.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), Singapore và Zurich (Thụy Sĩ) là 2 thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2023. Như vậy, trong vòng 11 năm qua, Singapore đã chiếm vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới tới 9 lần. Thành phố này sở hữu mức giá vận chuyển cao nhất thế giới do sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ về số lượng ô tô được phép hoạt động. Singapore cũng nằm trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất đối với các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, thực phẩm và đồ uống.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNA News)

Chia sẻ bài viết