28/10/2021 - 21:44

Iran đồng ý nối lại đàm phán hạt nhân 

Iran vừa đồng ý trở lại bàn đàm phán với các cường quốc về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức).

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Bagheri (phải) đón tiếp nhà đàm phán hạt nhân của EU Mora tại Tehran hồi giữa tháng này. Ảnh: AFP

“Chúng tôi nhất trí sẽ khởi động đàm phán trước cuối tháng 11. Ngày cụ thể sẽ được thông báo trong tuần tới”, Ali Bagheri, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán của Iran, thông báo trên Twitter sau cuộc gặp với Enrique Mora, Phó Tổng Thư ký đồng thời là Giám đốc chính trị của Ủy ban đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), tại Brussels (Bỉ) hôm 27-10. Thứ trưởng Bagheri cho biết ông đã có “cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng” với ông Mora về những nhân tố thiết yếu giúp đàm phán thành công.

Sau khi ông Bagheri đưa ra thông báo trên, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã hối thúc Mỹ thể hiện sự nghiêm túc quay trở lại thực thi thỏa thuận. Chia sẻ với báo giới tại thủ đô Tehran, Ngoại trưởng Abdollahian nhắc lại lời kêu gọi Mỹ xóa bỏ lệnh phong tỏa một phần tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài mà Washington đã áp đặt kể từ sau khi rút khỏi JCPOA năm 2018 vì điều này sẽ thể hiện thiện chí thực sự của Mỹ.

Trong khi đó, phía Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về việc Iran tuyên bố nối lại đàm phán hạt nhân. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết giới chức Mỹ đã được thông tin về tuyên bố trên, nhưng vẫn đang đợi xác nhận từ các quan chức châu Âu rằng liệu Iran có thực sự sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hay không. Theo bà Psaki, Mỹ và các nước đối tác vẫn muốn một giải pháp ngoại giao, song giới chức Nhà Trắng nhấn mạnh đang cân nhắc những lựa chọn khác mặc dù quyết định vẫn sẽ phụ thuộc vào các hành động của Iran.

Cùng ngày, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Mỹ thúc giục Iran thể hiện “thiện chí”, đồng thời bày tỏ tin tưởng thỏa thuận hạt nhân có thể được khôi phục một cách nhanh chóng. Người này khẳng định các cuộc thảo luận sắp tới nên tập trung giải quyết “một số vấn đề nhỏ” còn tồn tại sau vòng đàm phán thứ 6 vừa rồi.

Quốc tế đang mất kiên nhẫn

Iran đã tổ chức 6 vòng đàm phán gián tiếp với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Vienna (Áo) về việc quay trở lại JCPOA, nhưng các cuộc đối thoại tạm ngừng hồi tháng 6 khi Tehran có chính quyền mới theo đường lối cứng rắn. Iran cho rằng họ cần thêm thời gian sau khi ông Ebrahim Raisi, người từng phản đối JCPOA, đắc cử tổng thống, thay thế nhân vật theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani. Tuy nhiên, việc trì hoãn kéo dài đã khiến nhiều nước lên tiếng cảnh báo, thậm chí trong số những cường quốc châu Âu vốn chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump vì đưa Mỹ ra khỏi JCPOA.

Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã cảnh báo về hành động quân sự đối với Iran. Israel đang bị nghi là đứng sau chiến dịch phá hoại Cộng hòa Hồi giáo, bao gồm việc sát hại các nhà khoa học hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh ông ủng hộ con đường ngoại giao nhưng nhắc rằng Washington vẫn có “những giải pháp khác” nếu đàm phán thất bại. Hồi đầu tuần này, sau khi trao đổi với các đồng minh châu Âu và Arab, Ðặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley nói chính quyền Washington sẽ luôn sẵn sàng cho các hoạt động ngoại giao nhưng JCPOA có “hạn sử dụng”. “Ở một thời điểm nào đó, JCPOA sẽ bị xói mòn bởi Iran đạt được những tiến bộ không thể đảo ngược”, ông Malley giải thích.

Theo thỏa thuận JCPOA, Iran hạn chế chương trình làm giàu uranium để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Sau đó, ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Ðáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5-2019. Sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Hiện các bên đang thúc đẩy đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận này.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết