27/02/2013 - 22:15

Sau 1 tuần thực hiện mua tạm trữ

Giá lúa gạo chỉ tăng nhẹ!

Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: VĂN CÔNG

Từ ngày 20-2-2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ với thời gian kéo dài đến ngày 31-3-2013. Sau 1 tuần thực hiện mua tạm trữ, giá lúa gạo  tại ĐBSCL đã nhích lên. Tuy nhiên, mặt bằng giá lúa gạo nhìn chung vẫn còn thấp…

* Giá tăng chưa như mong đợi

Đến nay, tại nhiều địa phương của TP Cần Thơ nông dân đã bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2012-2013, năng suất đạt khá cao, nhiều thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi tạo thuận lợi cho nông dân tiêu thụ lúa. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân năm nay chi phí đầu tư khá cao, trong khi giá lúa ở mức thấp, nông dân có mức lời ít so với vụ đông xuân năm trước.

Theo anh Lâm Minh Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, đến ngày 25-2, toàn huyện đã thu hoạch được 8.800 ha trên tổng số hơn 25.000 ha lúa đông xuân 2012-2013, năng suất bình quân đạt 7,1 tấn/ha. Hiện đã bước vào thu hoạch chính vụ, dự kiến đến trung tuần tháng 3-2013 sẽ thu hoạch dứt điểm. Giá lúa gần đây có nhích lên nhưng còn chậm, thương lái thu mua lúa tươi Jasmine ở mức 4.900 đồng/kg, giá lúa này nông dân có lời không nhiều, chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng/công (1.300m2). Vụ đông xuân năm nay chi phí cao, khoảng 3 triệu đồng trở lên/công...

Anh Nguyễn Minh Xuân, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình làm 4 ha lúa đông xuân, thu hoạch hơn 30 tấn. Gần đây, thương lái mua lúa tươi giá tăng khoảng 50 đồng/kg lên ở mức 4.200 đồng/kg (lúa IR50404). Tuy nhiên, giá lúa vẫn còn ở mức thấp nên gia đình dự định phơi và trữ lúa lại toàn bộ chờ giá tăng lên. Nếu bán với giá hiện nay mức lời rất thấp”. Tuy nhiên, phần lớn nông dân đã chọn giải pháp bán lúa ngay sau thu hoạch do không có điều kiện phơi sấy, trữ lúa và cần tiền để thanh toán các khoản nợ vật tư nông nghiệp đã đến hạn. Vụ  đông xuân này do ảnh hưởng giá vật tư nông nghiệp và thuê mướn nhân công tăng nên chi phí sản xuất lúa của nhiều nông hộ đã tăng ít nhất khoảng 1-2 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giá lúa hiện đang ở mức khá thấp so với cùng kỳ năm trước, nhất là các loại lúa thơm. Hiện giá nhiều loại lúa thơm như Jasmine đang thấp hơn năm trước khoảng 1.200 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ nói: “Cùng kỳ năm rồi, lúa tươi Jasmine thu hoạch bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 6.000-6.100 đồng/kg, nhưng hiện nay thương lái chỉ mua với giá 4.800-4.900 đồng/kg. Do không có điều kiện phơi sấy lúa và sợ thời tiết có mưa bão trái mùa, tôi đã quyết định bán 22 công lúa Jasmine cho thương lái ngay tại ruộng với giá 4.900 đồng/kg lúa tươi”. Anh Lư Ngọc Phương ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ khẳng định: “Với giá lúa như hiện nay, dù năng suất các ruộng lúa thơm Jasmine đạt khá cao nhưng nông gia chỉ có thể đạt mức lời tối đa từ 1-2 triệu đồng/công. Nếu ai mướn đất để sản xuất lúa, khả năng bị lỗ vốn là rất lớn do giá mướn đất ở mức từ 3,8- 4 triệu đồng/công/năm.  Thực tế cho thấy, vụ này  tôi làm 8 công lúa Jasmine, trong đó có 3 công đất mướn. Qua vụ đông xuân tiền lời chưa đủ để trả tiền thuê mướn đất thì khả năng kiếm lời từ các vụ lúa sau là rất khó!”.

* Vì sao giá lúa chưa tăng?

Sau gần 1 tuần VFA chính thức thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa gạo tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ chỉ tăng  nhẹ 100-200 đồng/kg. Đến ngày 25-2-2013, nông dân tại nhiều địa phương trong thành phố vẫn phải bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng cho thương lái với giá chỉ 4.250-4.300 đồng/kg và lúa khô  giá 4.950-5.000 đồng/kg; nhiều loại lúa hạt dài giá 4.400-4.600 đồng/kg đối với lúa tươi và 5.100 -5.600 đồng/kg lúa khô. Trong khi đó, giá lúa Jasmine tươi  ở mức 4.900 đồng/kg và lúa đã phơi, sấy khô: 6.100- 6.200 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở TP Cần Thơ cho rằng, giá cả và đầu ra trong xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng đầu năm 2013 vẫn còn gặp khó là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong nước. Dù hoạt động thu mua lúa gạo đã được đẩy mạnh lên rất nhiều kể từ ngày 20-2 khi VFA thực hiện mua tạm trữ lúa gạo, nhưng với tình hình giá cả đầu ra trong xuất khẩu chưa có nhiều khởi sắc và việc thu mua lúa gạo của các tiểu thương, doanh nghiệp vẫn chủ yếu thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá lúa gạo trong nước khó có thể tăng cao. Ngoài ra, việc “quá tải” của hệ thống thu mua lúa gạo khi bước vào mùa thu hoạch rộ và nhiều doanh nghiệp, tiểu thương còn gặp khó khăn về vốn cũng góp phần làm ảnh hưởng xấu đến giá lúa gạo trong nước. Ông Nguyễn Văn Hên, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ lúa gạo được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay vốn trong 3 tháng, nhưng các tiểu thương kinh doanh lúa gạo phải tự xoay xở nguồn vốn. Vậy mà gần đây khi mua gạo bán cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lại chậm trả tiền đến 3-4 ngày khiến tiểu thương kinh doanh lúa gạo càng thêm gặp khó, muốn đẩy mạnh mua lúa trong dân  cũng rất khó khi chưa có sẵn tiền mặt. Trong khi đó, giá thu mua gạo lứt nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp đưa ra vẫn còn khá thấp, chỉ 6.600-6.650 đồng/kg đối với gạo lứt  IR50404 loại tốt”.

Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ đã được VFA giao chỉ tiêu mua tạm trữ 8.000 tấn gạo, đến thời điểm này công ty đã mua đạt gần 1.300 tấn gạo và gần  6.000 tấn lúa. Hiện lúa dài thường được công ty mua giá khoảng 5.600 đồng/kg, lúa Jasmine 6.100 đồng/kg. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, công ty được VFA phân bổ chỉ tiêu 8.000 tấn gạo nhưng công ty mua chỉ đạt 6.300 tấn gạo do thời điểm phân bổ đã rơi vào cuối vụ thu hoạch. Năm nay việc phân bổ ngay thời điểm nông dân bước vào thu hoạch rộ nên thuận lợi cho công ty triển khai. Tuy nhiên, với số lượng được phân bổ chỉ 8.000 tấn gạo để được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay là còn quá ít so với vùng nguyên liệu lúa hơn 5.500 ha được công ty bao tiêu sản phẩm, chưa kể công ty còn  thu mua thêm một số lượng lớn lúa gạo của người dân ở bên ngoài. Hằng năm, vào vụ đông xuân công ty thường thu mua khoảng 20.000 tấn gạo và khoảng 26.000 tấn lúa”.

Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo  là giải pháp hữu hiệu trước mắt nhằm “cứu” giá lúa gạo trong nước trước tình hình hiện nay. Tuy nhiên, mua tạm trữ với số lượng 1 triệu tấn gạo là còn ít vì số lượng gạo này chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng lúa gạo hàng hóa cần tiêu thụ của vùng ĐBSCL trong vụ này. Để cải thiện giá lúa gạo trong nước, bên cạnh việc thu mua tạm trữ, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh các giải pháp về việc tìm kiếm, mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, trước mắt cần có thêm chính sách hỗ trợ và khuyến khích nông dân, doanh nghiệp có điều kiện cần tăng cường các hoạt động thu mua, dự trữ lúa gạo để chờ thời điểm xuất khẩu có lợi nhất.

Công – Khoa

Chia sẻ bài viết