08/12/2007 - 22:11

Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Trưởng khoa truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ:

Cùng cộng đồng quyết tâm ngăn chặn HIV/AIDS

Công tác phòng chống HIV/AIDS, điều trị cho người nhiễm HIV tại TP Cần Thơ đang có những chuyển biến tích cực. Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS (1-12) năm nay, TP Cần Thơ đang triển khai Tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS (từ 15-11 đến 15-12-2007), với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Trưởng Khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ), về tình hình triển khai, thực hiện công tác này tại TP Cần Thơ.

* Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, năm nay, số ca nhiễm HIV tăng ít, số ca chuyển sang AIDS và số ca tử vong giảm. Ngành y tế thành phố đã thực hiện những biện pháp gì để đạt được kết quả trên, thưa bác sĩ?

- 9 tháng đầu năm 2007, toàn thành phố phát hiện thêm 606 trường hợp nhiễm HIV mới; 114 bệnh nhân chuyển sang AIDS; 56 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2006, số ca nhiễm HIV mới tăng ít hơn 20 ca; số ca chuyển sang AIDS giảm 25,49% và số ca tử vong giảm 50,47%.

Trong 2 năm qua, thành phố đã tăng cường quảng bá dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, miễn phí, giấu tên chất lượng cao tại tuyến thành phố và mở thêm các phòng tư vấn xét nghiệm tại tuyến quận, huyện. Điều này khuyến khích người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đi làm xét nghiệm kiểm tra về tình trạng nhiễm HIV của mình. Ngoài mô hình quản lý, tư vấn, chăm sóc (QTC) người nhiễm HIV/AIDS được thực hiện trước đây, từ năm 2005, Cần Thơ tăng cường thực hiện 3 chương trình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV thuộc các chương trình quốc gia là: chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; tiếp cận điều trị HIV/AIDS; phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Khi được tư vấn, điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazol, điều trị các nhiễm trùng cơ hội và điều trị thuốc kháng vi-rút HIV (ARV), sức khỏe người nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện đáng kể. Một số bệnh nhân AIDS khi sử dụng các dịch vụ về tư vấn, chăm sóc và điều trị đã chuyển từ giai đoạn AIDS về giai đoạn nhiễm HIV, không có biểu hiện bệnh, phục hồi khả năng lao động. Nhờ đó, số người chuyển sang AIDS và tử vong đã giảm đáng kể. Mặt khác, qua tuyên truyền, cộng đồng đã giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, tham gia nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS, có cuộc sống tích cực hơn.

* Theo bác sĩ, công tác tuyên truyền phòng, chống và điều trị HIV/AIDS còn những hạn chế gì cần khắc phục?

Lũy tích đến tháng 9-2007, TP Cần Thơ có 3.158 người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, chăm sóc tại xã, phường; 264 người nhiễm HIV đang được tư vấn, chăm sóc tại các trường, trại. Có 1.208 người nhiễm HIV đang được điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazol. Đến hết tháng 10-2007 đã có hơn 400 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV. Một số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn, giới thiệu dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

- Hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS chủ yếu là cung cấp kiến thức về HIV/AIDS chứ chưa tập trung nhiều vào truyền thông thay đổi hành vi. Trong khi đó, đây là giai đoạn cần chú trọng tuyên truyền thực hiện hành vi an toàn để phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% số lần quan hệ tình dục ngoài hôn nhân đều phải sử dụng bao cao su đúng cách; 100% số lần tiêm chích đều sử dụng bơm kim tiêm sạch, không dùng chung bơm kim tiêm.

Ngoài ra, số lượng người nhiễm HIV/AIDS được lập hồ sơ theo dõi và giới thiệu về chương trình điều trị ARV tại một số địa phương còn thấp, chưa tạo được nguồn bệnh nhân điều trị ARV. Việc quản lý và chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chưa chặt chẽ, trong đó có số trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV bị bỏ sót, chưa được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

* Chủ đề của chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu năm 2007-2008 là “Tăng cường lãnh đạo. Giữ vững cam kết. Quyết tâm ngăn chặn AIDS”. Bác sĩ cho biết tại sao chiến dịch lại tập trung vào việc “Tăng cường lãnh đạo”?

- Vẫn tiếp tục chủ đề xuyên suốt cho các chiến dịch phòng, chống AIDS đến năm 2010 là “Giữ vững cam kết. Quyết tâm ngăn chặn AIDS” nhưng năm nay, Liên Hiệp Quốc chọn nội dung trọng tâm của chiến dịch là “Tăng cường lãnh đạo- Leadership”. Tài liệu chủ đề phòng chống HIV/AIDS toàn cầu năm 2007 giải thích: “Việc nhấn mạnh “Tăng cường lãnh đạo” trong Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS sẽ khuyến khích và nâng cao vai trò lãnh đạo trong công tác phòng, chống AIDS của tất cả các cấp, các ngành. Đồng thời, tạo ra luồng sinh khí mới và khuyến khích các nhà lãnh đạo trở thành những điển hình về phòng, chống HIV/AIDS ở từng địa phương, mỗi quốc gia”.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có sự tham gia của toàn xã hội. Để huy động cả cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS theo một chương trình hành động tổng thể, rất cần sự chỉ đạo trực tiếp của các nhà lãnh đạo. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS chỉ đạt kết quả tốt khi có sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo. Để nâng cao vai trò của các nhà lãnh đạo trong phòng, chống HIV/AIDS, rất cần sự tham mưu của các nhà chuyên môn. Thời gian qua, tại Cần Thơ, công tác này chưa được thực hiện tốt, nhất là ở quận, huyện và cơ sở.

* Như vậy, TP Cần Thơ sẽ triển khai những hoạt động gì để thực hiện tốt chủ đề này, thưa bác sĩ?

- Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS trong tìnhhình mới và kế hoạch 02 của Thành ủy Cần Thơ về việc triển khai học tập, thực hiện Chỉ thị đến tận các chi bộ trong toàn thành phố. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 của UBND TP. Đây là chương trình hành động của cấp lãnh đạo chính quyền cao nhất tại địa phương. Theo chương trình này, công tác phòng chống HIV/AIDS phải được đưa vào chương trình phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở tất cả các tuyến. Ngoài ra, tổ chức triển khai học tập về Luật phòng, chống HIV/AIDS đã có hiệu lực từ 1-1-2007 và Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của luật này cho cán bộ chủ chốt tuyến xã, phường và chủ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Ngành y tế, ngành lao động thương binh- xã hội và các ban, ngành có liên quan khác cũng tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về các nhu cầu tăng cường sự lãnh đạo; phát hành các văn bản pháp lý đặc thù của địa phương liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

LỆ THU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết