09/05/2024 - 21:14

Biện pháp xử trí đầu tiên đối với người bị ngộ độc thực phẩm 

(CTO) - Thời gian qua, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm trong cả nước khiến nhiều người nhập viện điều trị. Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém, suy giảm miễn dịch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người cần nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa. Ảnh: THU SƯƠNG

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người cần nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm để kịp thời chữa trị, hạn chế nguy cơ diễn biến nặng.

Theo các bác sĩ, những tình huống có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm bao gồm: Người vừa mới ăn xong, khởi phát các biểu hiện bệnh sau đó; có từ hai người trở lên có biểu hiện tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm, trong khi những người không ăn thì không có biểu hiện bệnh.

Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng và tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Các biểu hiện thường gặp ở đường tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến mất nước, mất muối, khiến bệnh nhân khát, môi và da khô, nước tiểu sẫm màu và lượng ít dần... Khi bị ngộ độc thực phẩm ở mức độ nặng, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nên tình trạng rối loạn cảm giác, yếu, liệt, cứng cơ, nhìn mờ, co giật, lẫn lộn, lơ mơ, hôn mê. Ngộ độc thực phẩm biến chứng lên hệ tim mạch, hô hấp gồm đau ngực, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở…

Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp xử trí đầu tiên khi có biểu hiện hoặc nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đó là gây nôn: uống 100 - 200ml nước sạch rồi dùng tăm bông hoặc hai ngón tay đã rửa sạch ngoáy vào cuống lưỡi, cổ họng… Cách thức này chỉ thực hiện với người bệnh tỉnh táo, mới ăn, uống phải chất độc; chống chỉ định khi người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, khó thở.

Người bệnh nếu nôn ói, tiêu chảy nhiều có thể bị mất nước, điện giải cần được bù nước, điện giải. Nếu người bệnh có khả năng uống được thì bù nước bằng dung dịch oresol (lưu ý đọc kỹ hướng dẫn cách thức pha và sử dụng dung dịch). Các đồ uống có thể thay thế khác như nước khoáng, nước hoa quả, nước cháo, nước canh.

Nếu người bệnh hôn mê, co giật, cần được đặt nằm nghiêng một bên nhưng không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh. Nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Người thân bệnh nhân cần lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kể cả chất nôn ói, chất thải ra từ người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết