19/05/2024 - 13:10

Testosterone thấp ảnh hưởng đến tuổi thọ nam giới 

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, nam giới có nồng độ testosterone thấp có nguy cơ tử vong sớm cao hơn vì bệnh tim mạch và nguyên nhân khác. Phát hiện này cho thấy testosterone có thể là một chỉ dấu sinh học quan trọng về tuổi thọ ở phái mạnh.

Nồng độ testosterone ở nam giới thường giảm dần khi lớn tuổi, từ 35 tuổi trở đi trung bình giảm 1,6%/năm. Một người được chẩn đoán testosterone thấp (còn gọi là Low-T) khi hoóc-môn sinh dục này trong cơ thể dưới 300 nanogram/decilit (ng/dL). Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng bao gồm năng lượng thấp, rối loạn cương dương, trầm cảm và tăng tích tụ mỡ trong cơ thể.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia quốc tế đã điều nghiên lại 11 nghiên cứu với thời gian theo dõi ít nhất 5 năm, có sự tham gia của 24.109 nam giới độ tuổi từ 40-70 ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, các hoóc-môn lưu thông trong cơ thể được xem xét bao gồm testosterone, hormone luteinizing (LH), dihydrotestosterone (DHT), estrogen và globulin gắn với hoóc-môn giới tính (SHBG). Các chuyên gia cũng tính đến các yếu tố sức khỏe và lối sống như hoạt động thể chất, mức cholesterol và thói quen hút thuốc của những người tham gia.

Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện những người có mức testosterone rất thấp có nguy cơ cao tử vong sớm vì mọi nguyên nhân và do bệnh lý tim mạch. Cụ thể, nam giới có mức testosterone dưới 213 ng/dL, nồng độ LH trên 10 IU/L hoặc nồng độ estrogen dưới 5,1 pmol/L có tỷ lệ tử vong cao hơn do mọi nguyên nhân. Hơn nữa, nam giới có nồng độ testosterone dưới 153 mg/dL có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy mức DHT quá thấp hoặc quá cao cũng lần lượt làm tăng nguy cơ gặp biến cố tim mạch hoặc tử vong do mọi nguyên nhân.

Ðược biết, ngoài lý do tuổi tác, nồng độ testosterone ở nam giới cũng có thể giảm xuống để đáp ứng với tình trạng sức khỏe hoặc chịu tác động của việc uống thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các thay đổi về lối sống - bao gồm chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng - có thể giúp duy trì mức testosterone khỏe mạnh. Ngoài ra, áp dụng các phương pháp điều trị như liệu pháp thay thế hoóc-môn (dạng thuốc viên, thuốc tiêm, gel hoặc miếng dán) cũng có thể giúp cải thiện nồng độ testosterone.

AN NHIÊN (Theo Healthnews.com, Business Insider)

Chia sẻ bài viết