Ngày 10-5, cuộc tập trận quân sự chung thường niên Balikatan 2024 giữa Mỹ và Philippines kết thúc sau nhiều tuần huấn luyện bắn đạn thật và triển khai vũ khí mới.
Cuộc tập trận “Balikatan - Vai kề vai” tiến hành từ ngày 22-4 và được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tái khẳng định mối quan hệ đồng minh thân cận kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đắc cử vào năm 2022.
Quân đội Philippines theo dõi tên lửa bắn trúng mục tiêu trong cuộc tập trận chung.
Balikatan 2024 diễn ra trong bối cảnh Philippines lên kế hoạch cho “Khái niệm phòng thủ quần đảo toàn diện”, mở rộng phạm vi phòng thủ của Manila tới vùng đặc quyền kinh tế và những vùng lãnh thổ ngoài cùng như các đảo ở Biển Đông hoặc eo biển Luzon. Hoạt động biểu dương lực lượng Mỹ - Philippines cũng đánh dấu bước ngoặt trong chính trị ở Biển Đông khi tiến hành giữa thời điểm quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc gia tăng các vụ đối đầu quanh khu vực tranh chấp; còn Washington thì thể hiện rõ ý định xây dựng các liên minh khu vực như một phần của chiến lược đối phó Bắc Kinh.
Tuy không chỉ đích danh đối thủ nào, các cuộc tập trận gây chú ý khi được triển khai dọc bờ biển thành phố duyên hải Laoag ở phía Bắc tỉnh Ilocos. Khu vực này được coi là “sân sau” hàng hải của Trung Quốc khi nằm ngay phía Nam Đài Loan và gần một số thực thể tranh chấp trên Biển Đông. Trong quá trình huấn luyện mô phỏng, Mỹ và Philippines đã phóng tên lửa và sử dụng lựu pháo đặt dọc bờ biển để đánh chìm 5 trung đội hỗ trợ tàu tấn công đổ bộ.
Dựa trên kịch bản bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, lực lượng phối hợp còn thử nghiệm khả năng bảo vệ nhóm đảo chiến lược quanh bờ biển phía Bắc và phía Tây gần Biển Đông và eo biển Đài Loan. Các tàu chiến cũng lần đầu tiên tham gia huấn luyện ở vùng biển nằm ngoài ranh giới 19km phân định lãnh hải của Philippines và bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kéo dài khoảng 370km. Điều này mở rộng hoạt động quân sự vào “vùng xám”, nơi EEZ của Philippines chồng lấn vùng lãnh hải mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn”.
Vũ khí, trang bị mới
Trong số vũ khí mới được Mỹ giới thiệu có khả năng hỗ trợ Philippines nếu xảy ra xung đột, các nhà quân sự đặc biệt chú ý hệ thống phóng tên lửa mặt đất tầm trung (MRC) Typhon. Đây là loại vũ khí đầu tiên được Lầu Năm Góc triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Nhà Trắng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019, vốn cấm phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 2.500km. Được biết, hệ thống Typhon có khả năng phóng tên lửa đạn đạo phòng thủ SM-6 nhắm mục tiêu trên biển ở phạm vi 370km. Hệ thống cũng có thể phóng tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk tầm bắn lên đến 1.600km.
Hệ thống Typhon không được kích hoạt trong cuộc tập trận vừa rồi, nhưng mục tiêu Mỹ triển khai nhiều khả năng là để xác định những địa điểm phóng sẽ được sử dụng nếu xung đột xảy ra. Từ miền Bắc Philippines, Typhon có thể tiếp cận những mục tiêu ở Đài Loan cùng các căn cứ và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Biển Đông và Trung Quốc đại lục. Quân đội Mỹ và Philippines còn sử dụng thủy phi cơ để đưa hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) xuống đảo Palawan phía Tây, gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã kịch liệt lên án cuộc tập trận, cho rằng Philippines và các quốc gia bên ngoài đang hợp lực chống lại Bắc Kinh.
MAI QUYÊN (Theo Aljazeera, Asiatimes)