23/12/2015 - 20:18

CỦNG CỐ NỘI LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, TP Cần Thơ đã và đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Với "Đề án xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020", thành phố đang từng bước xây dựng các định hướng chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành công nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Bước chuyển

Theo Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ những năm qua có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Nếu tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thì cơ cấu kinh tế tại thời điểm năm 2015 của Cần Thơ ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại-dịch vụ lần lượt là 9,91% - 31,76% và 58,33%. Đối với khu vực công nghiệp, tính theo GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng ở mức 4,67%, so với nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,65% và khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng 7,26%. Lĩnh vực công nghiệp tập trung sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

Để TP Cần Thơ tiếp tục phát triển trong thời kỳ hội nhập, năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45 "Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", trong đó xác định Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Qua hơn 10 năm phát triển, diện mạo thành phố công nghiệp của Cần Thơ đã dần hình thành nhưng chưa rõ nét. Quá trình chuyển dịch cơ cấu khá nhanh từ khu vực II sang khu vực III của TP Cần Thơ từ sau năm 2010 về cơ bản cho thấy thành phố đã chuyển sang giai đoạn hoàn thiện công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nếu đối chiếu các chỉ tiêu về GDP/người, tỷ trọng công nghiệp chế tác, lao động phi nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa,... so với bộ tiêu chí công nghiệp hóa của một số quốc gia và địa phương thì TP Cần Thơ chỉ mới ở thời kỳ khởi đầu công nghiệp hóa.

 TP Cần Thơ định hướng chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp chiến lược phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất găng tay bóng chày tại Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet, Khu Công nghiệp Trà Nóc 2.

Trước thực trạng này, UBND TP Cần Thơ giao Viện Kinh tế Xã hội thành phố làm cơ quan chủ trì thực hiện Đề án "Xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020". Song song với quá trình xây dựng Đề án, cơ quan chủ quản nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí để xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 để UBND thành phố ký ban hành và triển khai thực hiện. Ông Trần Thế Như Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, cho biết: Bộ tiêu chí để xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 được đề xuất gồm 20 tiêu chí với 9 tiêu chí phản ánh trình độ phát triển kinh tế và công nghệ; 9 tiêu chí phản ánh trình độ phát triển xã hội và 2 tiêu chí phản ánh chất lượng môi trường. Theo đó, một số tiêu chí quan trọng được đề xuất như phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp của thành phố chiếm 32,36% trong GRDP; tỷ trọng giá trị công nghiệp chế tạo chiếm hơn 28% trong tổng giá trị công nghiệp của thành phố; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 10%/năm; tỷ lệ lao động công nghiệp đã qua đào tạo chiếm 65% trên tổng số lao động công nghiệp của thành phố.

Hài hòa bộ tiêu chí

Để đưa TP Cần Thơ sớm trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố đề xuất chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp chiến lược xuất khẩu, như: chế biến nông - thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp điện tử, cơ khí, hóa chất, nhựa. Điều chỉnh chiến lược xuất khẩu của Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với xu hướng phát triển mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của thành phố gắn đổi mới công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu với thị trường xuất khẩu hàng hóa. Góp ý để hoàn thiện Đề án"Xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020", Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, cho rằng: TP Cần Thơ muốn phát triển công nghiệp bền vững phải lựa chọn những ngành công nghiệp phù hợp để không phải trả giá cho vấn đề ô nhiễm. Thành phố cần đưa ra định hướng chung để lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên, chủ lực gắn với sản phẩm chủ lực mà thành phố có lợi thế phát triển nhằm rút ngắn chặng đường công nghiệp hóa.

Bộ tiêu chí thành phố công nghiệp được xác định với 20 tiêu chí, trong đó, tiêu chí thứ 20 về tỷ lệ trình độ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp được xác định từ 5-10% thu nhập trước thuế của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp đứng trước yêu cầu gia tăng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, chia sẻ: "Hiện nay, tỷ lệ đầu tư phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp chiếm khoảng 2% nguồn vốn ngân sách hằng năm của địa phương là rất hạn chế. Và nếu chỉ trông chờ vào ngân sách doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ. Do đó, thành phố cũng cần có chính sách cụ thể để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận các hoạt động hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của thành phố và từ nhiều nguồn khác để đầu tư đổi mới công nghệ

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2013 - 2014 của thành phố đạt mức 7,67 - 7,71%/năm và ước tính năm 2015 tốc độ tăng trưởng giảm còn 6,91%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp được đánh giá là đạt thấp hơn mức đề xuất trong bộ tiêu chí là 10%/năm. Mặc dù giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp là một hạn chế lớn trong quá trình công nghiệp hóa của thành phố. Do đó, việc thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp là yêu cầu quan trọng để góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020. Hiện thành phố có 8 khu công nghiệp tập trung trong đó có 2 khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy là Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Do đó, từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục tập trung thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển các khu công nghiệp Hưng Phú I, II, Thốt Nốt, Bắc Ô Môn, Ô Môn.

Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, muốn phát triển doanh nghiệp công nghiệp, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và các cơ chế chính sách cho doanh nghiệp vào đây. Để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào Cần Thơ, vấn đề đặt ra không phải là giá đất mà là môi trường đầu tư kèm theo sự quyết tâm, cam kết của lãnh đạo thành phố. Với vai trò là cơ quan chủ trì Đề án "Xây dựng TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020", Viện Kinh tế-Xã hội sẽ thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài thành phố, các sở ngành hữu quan để hoàn thiện Đề án và trình UBND thành phố xem xét thông qua để đi vào triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ:
Xác định lợi thế cạnh tranh

 

Hiện nay, sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ chủ yếu tập trung cho xuất khẩu là chính, chưa phải là sản xuất các sản phẩm cho tiêu dùng trong nước. Vì vậy, cần làm tốt khâu phân tích và dự báo thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực.

Khi hội nhập, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng kỳ vọng có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do với nước ta và có tính cạnh tranh cao tại các thị trường đó. Do đó, chúng ta có thể định lượng các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của TP Cần Thơ khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực để định hướng cho ngành công nghiệp xuất khẩu của thành phố trong thời gian tới.

THANH ĐÌNH

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý CÁC Khu Chế xuất VÀ Công nghiệp Cần Thơ:
Đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp

 

Vùng ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng rất đa dạng về nguồn nguyên liệu nông thủy sản. Trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản cũng rất phát triển trong những năm qua. Tuy nhiên, theo tôi để nâng lên một bước ngành công nghiệp nhiều lợi thế này, thành phố nên tập trung cho công nghiệp bao bì, bảo quản... Đây là hướng đi để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản...

Tuy nhiên, để có thể thành công từ hướng đi này, TP Cần Thơ cần đề ra các giải pháp đồng bộ từ đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn đến đào tạo nguồn nhân lực...

QUẾ LIM

Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-xã hội Đà Nẵng:
Đầu tư đồng bộ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

 

Đà Nẵng và Cần Thơ có nhiều điểm tương đồng, như: lợi thế trong thu hút đầu tư, đóng vai trò động lực để thúc đẩy kinh tế của vùng... nên có những thuận lợi, khó khăn khá giống nhau trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp nói riêng.

Thực tế cho thấy, bên cạnh sự thành công trong thu hút đầu tư, chúng tôi đã phải bỏ lỡ nhiều cơ hội. Một số nhà đầu tư đến Đà Nẵng đã tìm thấy đối tác, ngành nghề, vị trí đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, khi khảo sát giao thông, cảng, bến bãi thì lại "quay lưng" vì chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu đa dạng từ phía họ. Vì vậy, tôi cho rằng, để ngành công nghiệp Cần Thơ phát triển hơn nữa, thành phố nên đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hệ thống logistics, khu công nghiệp chuyên biệt cho từng nhóm ngành nghề...

CHI MAI

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ:
Tập trung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

 

Nếu xác định Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL và chọn phát triển công nghiệp thì phải xác định được ngành công nghiệp chủ lực, hoặc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các tỉnh lân cận. Đồng thời, phải xác định nguồn lực đầu tư cho các khu công nghiệp, phục vụ cho ngành nào là chính. Nếu vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển thương mại dịch vụ, logistics thì cuối cùng sẽ không được gì cả.

Trong quá trình hội nhập, thay đổi các dòng đầu tư cũng có tác động thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Thành phố cần xây dựng các công cụ về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm, tổ chức công tác xúc tiến thương mại. Thành phố nên chọn từ 1-2 thị trường trọng điểm để xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. TP Cần Thơ đang nổi lên thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Do vậy, cần xây dựng chiến lược thu hút đầu tư FDI vào thành phố trong vòng 3-5 năm tại các quốc gia này để có được dòng vốn đầu tư chất lượng.

LÊ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết