27/01/2020 - 16:42

Bóng tối và những tia nắng 

Có vẻ như trong góc khuất, sự sinh tồn ít rủi ro hơn. Cá tra dầu (Giant Catfish) đã từng sống như vậy, nhưng có lẽ vì hiếm thấy, khó săn bắt nên mỗi khi bắt được cá tra dầu, một loại cá cần bảo tồn trong “sách đỏ”, người đời xem như kỳ tích.

Cá tra của Công ty Minh Đức Thành cung cấp cho các đầu bếp thuộc Mekong Cuisine tại Cần Thơ, cách quảng bá cho cá tra ĐBSCL.

1. “Chúng ta vẫn có cá tra nặng cân, to lớn mà không cần giết cá tra dầu. Công ty Minh Đức Thành (Kocana) đã nuôi thành công cá tra pangasius theo công thức riêng và tại Hội chợ Du lịch Quốc tế, mỗi ngày công ty mổ cá tra có trọng lượng 20-30kg cho các thành viên Mekong Cuisine làm món ngon”, Epal Nguyen, thành viên Mekong cuisine - tên giao dịch của Câu lạc bộ Bếp ngon Phương Nam, TP Cần Thơ, nói: “Thông điệp của chúng tôi là hãy cùng nhau bảo vệ nguồn sống từ Mekong, bảo vệ nguồn tài nguyên bằng cách tạo ra giá trị mới từ sản vật do tạo hóa ban cho ĐBSCL”.

Mekong cuisine và Kocana hợp tác để khẳng định cá quá lứa, thừa size vẫn có cách cứu gỡ nếu chúng ta nhìn đúng về tiêu dùng nội địa, suy nghĩ cách giải bài toán kinh tế, phát triển bền vững cho cá tra ĐBSCL, theo Epal Nguyen.

“Chưa có con cá nào trong vòng 20  năm đã tạo ra nguồn lợi “tỉ đô” (USD) như cá tra. Từng xuất khẩu đạt trên 2,2 tỉ USD/ năm, đâu có con cá nào cũng được như vậy”, bà Trần Thị Vân Loan, CEO Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long - An Giang, nói tại Diễn đàn Mekong Connect 2019.

Xứ mình, nuôi cá tra 7-8 tháng là đạt yêu cầu tiêu dùng thông thường. Khi sản lượng  cá tra lên tới 1,5-1,6 triệu tấn, xuất khẩu được 1,8 triệu USD, nhưng khi ở mức 1,1-1,2 triệu tấn thì xuất khẩu được 2,2-2,3 triệu USD, vậy mình muốn gì? Bà Vân Loan nói về thuật toán?

Không, bà Vân Loan nói về cách sống!

Vấn đề là không ai chịu chia sẻ với ai. Giá tăng thì người nuôi tự động tăng diện tích, Nhà nước nói “Bây giờ làm sao cản!?”. Ai cũng nghĩ thị trường mà, ai muốn làm gì thì làm. Đó là thị trường hoang sơ trong khi các  doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ chế biến, thậm chí đi trước 20-30 năm so nhiều nước. Con cá tra được nghiên cứu rất kỹ, không biết bao nhiêu luận văn của sinh viên, không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, bảo vệ luận án…Người nuôi nếm trải cũng đủ rồi, vấn đề là làm sao cho cá tra mang lại lợi nhuận bền vững?

2. “Ngày xưa, người ta nói cá tra không ngon bằng cá rô phi. Nhưng năm vừa qua, giá cá tra bằng giá cá rô phi: 3-3,5 USD/1kg, người ta vẫn ăn cá tra. Vì cá tra ngon hơn nhiều”, bà Vân Loan tự tin nói.

 Tới khi cá rô phi của Trung Quốc bị áp thuế 25% tại thị trường Mỹ, không chỉ Trung Quốc  mà cả Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ cũng bắt đầu mở rộng vùng nuôi cá tra. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn mua cá giống và cá tra thương phẩm từ Việt Nam. Trung Quốc nuôi cá tra nhưng 4 tháng, trọng lượng 400-500 gram vì  thời tiết, môi trường không đủ để cá tra lớn như cá tra xứ mình. Indonesia cũng bắt đầu nghiên cứu nuôi cá tra, họ xây dựng chiến lược dài hạn, ý thức làm thương hiệu quốc gia.

Thôi thì chọn loại thủy sản nào khác nuôi để tránh đối đầu? Bà Trần Thị Vân Loan thú thiệt: “Đó là sản vật mà Trời ban tặng cho Việt Nam mình, chỉ có ĐBSCL mới thích hợp cho con cá phát triển nhanh và mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn như vậy. Mình phải duy trì, chứ chuyển qua nuôi con gì thêm nữa thì phải hỏi các nhà khoa học”.

Đến quý III năm 2019, sức mua cá tra bắt đầu tăng, không chỉ ở Mỹ  mà cả EU. Mỗi năm EU mua 400-500 triệu USD dù có lúc chỉ còn 100 triệu USD do một số  nước tẩy chay cá tra với lý do nuôi không tốt. Trong khi đó dù nhiều vùng nuôi đạt tiêu chuẩn cao như ASC, BAP nhưng làm mã code rất chậm, truyền thông thương hiệu ra ngoài cũng không tốt nên thị trường giảm sút…

Ngược lại, khi Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện tương đương với Mỹ (kể cả Trung Quốc và Thái Lan), xuất khẩu cá tra có nhiều cơ hội hơn. Cơ hội quá lớn, nói vậy nhưng Mỹ là thị trường đặc thù, mỗi năm nhập 400-500 triệu USD, nếu 4-5 doanh nghiệp bán thì họ cũng chỉ mua chừng ấy.

“Trung Quốc thật dễ tính. Nhưng dễ là như thế nào? Tôi lại thấy rất là khó do tập quán rất khó chịu” - bà Vân Loan nói và giải thích tiếp: “Mấy chục khách hàng là mấy chục loại “chất lượng”. Mỗi container hàng, sản phẩm rất khác nhau do mỗi ông đòi một kiểu.  Họ nhìn mọi thứ bằng mắt, mình nói là đủ thì họ nói dư nước, họ đếm được nước bằng cảm quan!? Ở những thị trường khác, cứ  theo quy cách, chuẩn mực mà làm”.

Dubai là cửa ngõ thị trường Trung Đông nối kết với các nước châu Phi. Đó là nơi dễ cho sản phẩm mới, nhiều ưu thế về công nghệ. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long - An Giang là doanh nghiệp đầu tiên bán hàng qua đó, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường dù giá bán rất cao. “Năm đầu tiên, mức lời 36 tỉ đồng, thật khó tin. Tôi sợ kế toán mình làm sai tới mức phải mướn Công ty kiểm toán ở Sài Gòn xuống coi có đúng không?” - bà Vân Loan nói. Từ xưa, cá tra là món rất bình thường, mình đâu nghĩ có ngày vô tới nhà hàng, khách sạn. Giờ đây lên tới phi cơ hạng 5 sao, với nhiều tên gọi Swai, Dory Fillet…

3. Kích hoạt xuất khẩu có cái hay là tiếp cận xu hướng tiêu dùng, công nghệ và cách làm rất thị trường, nhưng bỏ trống thị trường nội địa là khoảng hở quá lớn trên sân nhà.

Cách đây vài hôm, Co May Group tổ chức sự kiện “pháo hoa” cho cá tra ở thị trường nội địa. Món ăn liền của Co May đã được lòng người tiêu dùng Singapore và các nước. Nhưng thật oái oăm, dân trung du, Tây Nguyên, miền Bắc nước ta… vẫn còn lạ lẫm với cá tra nấu cam, cá tra hấp ngũ vị, mắm cá vồ đém, phi lê chiên giòn sốt chanh dây…

Ông Phạm Minh Thiện và bà Vân Loan có vẻ như quá dễ dàng lập chiếc cầu để tận dụng nguyên liệu của hai bên làm thức ăn nhanh. Nhưng vấn đề là khi các công ty đặt trọn lòng tin vào chuỗi cung ứng tự tạo, tức những ao nuôi của doanh nghiệp thì cơ hội nào cho cộng đồng đang lặn hụp giữa dòng?

“Công ty Cửu Long - An Giang lớn lên từ nuôi cá và thế mạnh của Công ty  là duy trì vùng nuôi cá rất lớn,  khép  kín từ nuôi cá, chế biến, xuất khẩu; nhưng Công ty cũng dành khoảng 30% sản lượng cho người nuôi liên kết. Liên kết với nhà máy, nuôi đúng size, đúng lứa, người nuôi sẽ tránh được rủi ro”, bà Vân Loan nói.

“Năm kia, cá vừa vượt size, chỉ 1 ao thôi nhưng sản lượng lên tới 1.700 tấn. Ao đó công ty lỗ 5000 đồng/kg X 1.700 tấn, một tài sản lớn” - bà Vân Loan cho rằng muốn duy trì thì người nuôi phải tìm chuỗi liên kết an toàn chứ vốn nuôi cá rất lớn mà không nắm bắt yêu cầu, kỹ thuật thì rủi ro sẽ rất là lớn. Không thể hễ thị trường chuyển động, người nuôi lẹ lẹ mở rộng diện tích, tăng sản lượng; khi các nhà máy chế biến chưa giải quyết lượng hàng tồn kho thì bên nào cũng gặp khó.

“Làm sao người nuôi cám cảnh doanh nhân mang nông thủy sản từ châu thổ ra chợ toàn cầu?”- Một thoáng ưu tư, bà Vân Loan nói: “Hồi xưa  làm cá xuất khẩu rất là vui, những năm gần đây hơn 50% doanh nghiệp phải đóng cửa, đổi chủ, chủ phải đi nước ngoài... Ai đó nghiên cứu giúp chúng tôi để đường đi đến tiêu dùng bớt rủi ro thì doanh nghiệp mới sống còn để duy trì nguồn lực tỉ đô này”.

Con đường đi đến tiêu dùng cần thông tin rõ ràng để người nuôi nắm được xu hướng, làm sao đạt tiêu chuẩn và phải tìm ra câu trả lời bao nhiêu là vừa? Bà Vân Loan nói: “Cá tra từng rơi vào biết bao tình huống khó, nhưng vẫn là nguồn lợi tỉ đô. Nói vậy để chúng ta cùng nuôi hy vọng như gia đình chúng tôi lúc trước và luôn quan tâm tới thị trường mới có tính liên kết như Dubai”.

Tạo hóa đã từng bao trùm bằng bóng tối đêm đen để con người nhận ra chân giá trị của những tia nắng buổi bình minh, đời cũng thế mà thôi.

Bài, Ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết