23/08/2024 - 06:38

“Kỷ nguyên mới” trong quan hệ Ý - Nhật 

Đại sứ Ý tại Nhật Bản Gianluigi Benedetti mới đây cho biết, quan hệ đối tác chiến lược giữa Rome và Tokyo đang trong “kỷ nguyên mới”, trải dài trên mọi lĩnh vực hợp tác, từ an ninh kinh tế, khoa học, công nghiệp, ngoại giao cho tới quốc phòng.

Soái hạm ITS Cavour của Ý tại căn cứ hải quân Yokosuka. Ảnh: Japan Times

Sự kiện soái hạm ITS Cavour, dài 244 mét, nặng 27.100 tấn của Hải quân Ý đến căn cứ hải quân Yokosuka ở tỉnh Kanagawa hôm 22-8 là một phần trong “kỷ nguyên mới” giữa đất nước hình chiếc ủng và xứ hoa anh đào, đồng thời đánh dấu chương mới trong chính sách ngoại giao quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ý. “Đó thực sự là một thành tựu lịch sử, bởi đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của soái hạm ITS Cavour” - ông Benedetti nói.

Theo tờ Japan Times, đồng hành cùng ITS Cavour tới Nhật Bản có tàu khu trục ITS Alpino. Các tàu này sẽ neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka cho đến ngày 27-8, sau đó sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với  Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF), hải quân Mỹ, Đức và Pháp. Japan Times cho hay, MSDF trong các cuộc tập trận hy vọng sẽ thu thập được thông tin từ Hải quân Ý về hoạt động của chiến đấu cơ F-35B. Hiện cả Rome và Tokyo đều đang đặt mua F-35A và F-35B do Mỹ sản xuất. Trong đó, MSDF có kế hoạch triển khai F-35B trên 2 tàu sân bay lớp Izumo, gồm JS Izumo và JS Kaga.

Việc tàu sân bay hạng nhẹ ITS Cavour lần đầu được triển khai đến khu vực diễn ra hơn một năm sau khi Hải quân Ý phái tàu tuần tra ITS Morosini tới Nhật Bản sau 27 năm.  Song, ITS Cavour và ITS Alpino không phải là 2 tàu Ý duy nhất đến thăm Nhật Bản trong những ngày tới. Theo đó, từ ngày 25 đến 30-8, Amerigo Vespucci, chiếc tàu lâu đời nhất của Hải quân Ý và cũng là chiếc tàu đẹp nhất thế giới, sẽ cập cảng Tokyo, trong khi tàu tuần tra đa năng Raimondo Montecuccoli sẽ ghé cảng tại căn cứ hải quân White Beach ở tỉnh Okinawa từ ngày 30-8 đến 2-9.

Sự kiện trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ý điều động một số máy bay vận tải và cảnh báo sớm cũng như chiến đấu cơ F-35A tham gia cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Đại sứ Benedetti cho rằng việc Rome liên tục triển khai tàu tới Nhật Bản là nhằm gửi đi thông điệp quan trọng tới khu vực. “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của kế hoạch “La bàn chiến lược” của Ý. Đất nước chúng tôi cùng với Nhật Bản và các đối tác khác trong khu vực có ý định đóng góp cụ thể vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở một khu vực có tầm quan trọng chiến lược tuyệt đối cho các động lực địa chính trị toàn cầu, gồm khu vực châu Âu - Đại Tây Dương” - ông Benedetti nhấn mạnh.

Theo ông Benedetti, mục tiêu của Ý là tăng cường hợp tác và nâng cao khả năng tương tác với quân đội “các quốc gia có cùng chí hướng”. Bày tỏ quan ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, đại sứ Benedetti nói rằng lợi ích chiến lược của Rome là “đảm bảo tự do hàng hải và an ninh hàng hải trong khu vực” , “điều cần thiết để đảm bảo dòng chảy thương mại và năng lượng, đặc biệt là cho một nền công nghiệp và quốc gia giao thương như Ý”.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh xuất hiện những mối lo ngại chung về kinh tế và an ninh, sự hiện diện ngày càng tăng trong khu vực của các quốc gia như Pháp, Đức hay Ý đã làm nổi bật mối quan hệ quốc phòng ngày càng mở rộng giữa Tokyo và các đối tác châu Âu quan trọng khi họ điều chỉnh lợi ích chiến lược. Đáng chú ý, Nhật Bản, Ý và Anh còn tuyên bố tiếp tục phát triển chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo trị giá hảng tỉ USD, dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2035.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết