Trong báo cáo công bố ngày 8-9, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa lãnh đạo đã lên án những sai lầm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021. Phía Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa sử dụng cuộc điều tra như một công cụ chính trị để tấn công chính quyền ông Biden.
Rút quân bằng mọi giá
Báo cáo trên là kết quả cuộc điều tra kéo dài 3 năm do nghị sĩ Michael McCaul, người hiện giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dẫn đầu.
Tình hình hỗn loạn trên đường băng sân bay Kabul, Afghanistan ngày 16-8-2021. Ảnh: AP
Ủy ban Đối ngoại phát hiện rằng Tổng thống Biden đã quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan “bất kể giá nào” và phớt lờ Thỏa thuận Doha, văn kiện mà người tiền nhiệm Donald Trump đã ký với lực lượng Taliban vào năm 2020.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút quân khỏi quốc gia Nam Á nếu Taliban đáp ứng một số nghĩa vụ nhất định, chẳng hạn như cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, ngừng các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ, giảm làn sóng bạo lực nhắm vào lực lượng Afghanistan và bắt đầu đàm phán với Chính phủ Afghanistan. Đến cuối năm 2020, Taliban rõ ràng đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, buộc Tổng thống Trump phải duy trì 2.500 binh sĩ ở Afghanistan cho đến khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1-2021.
Theo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cuộc rút quân khỏi Afghanistan rồi kéo theo việc Washington ngừng hoạt động giám sát, đã mở ra cánh cửa để nước này trở thành thiên đường cho al-Qaeda và ISIS-K, một nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động tại miền Ðông Afghanistan. Sau đó, vị thế của Mỹ đã “bị tổn hại nghiêm trọng”.
Phe Dân chủ hoài nghi
Trong tuyên bố gửi tới tờ Washington Examiner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sử dụng cuộc điều tra để “chính trị hóa chính sách Afghanistan” thay vì nghiên cứu về các giải pháp lập pháp để củng cố nước Mỹ. Trong khi đó, Sharon Yang, phát ngôn viên Nhà Trắng phụ trách giám sát và điều tra, đã chỉ trích “báo cáo thiên vị” của Ủy ban Đối ngoại.
Đảng Dân chủ cũng hoài nghi về thời điểm công bố báo cáo. “Nếu họ có 3 năm để đánh giá những gì đã xảy ra, tại sao họ lại công bố báo cáo sau Ngày lễ Lao động trong năm bầu cử tổng thống?”, Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg đặt câu hỏi.
Tổng thống Biden trước đây đã bảo vệ hành động nhanh chóng rút quân khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và phủ nhận trách nhiệm.
Việc công bố báo cáo là bước đi mới nhất của phe Cộng hòa nhằm tung những thông tin bôi nhọ hồ sơ của ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trước thềm cuộc bầu cử năm 2024. Mặc dù ông Biden không còn là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, phe Cộng hòa tìm cách liên kết bà Harris với các quyết định của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tức Tổng thống Biden. Ủy ban trên nói họ không phát hiện bằng chứng nào cho thấy bà Harris không đồng ý với các quyết định của ông Biden.
Báo cáo của phe Cộng hòa được đưa ra chỉ vài tuần sau khi ông Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington để tham gia lễ tưởng nhớ những người lính thiệt mạng trong cuộc di tản khỏi Afghanistan. Ông Trump nhiều lần chỉ trích ông Biden và bà Harris về quyết định rút quân, đổ lỗi cho họ về 13 người Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul ngày 26-8-2021. Vấn đề Afghanistan có thể là một trong những nội dung chính tại cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia vào ngày 10-9.
Cuộc điều tra trước đây tập trung vào Tổng thống Biden cùng các quan chức cấp cao trong Nhà Trắng, nhưng giờ đây cấp phó của ông bị coi là nhân vật chủ chốt.
Vào năm 2022, nghị sĩ Michael McCaul từng công bố một báo cáo dài 115 trang về cuộc điều tra vụ rút quân, trong đó chỉ nhắc đến tên bà Harris 2 lần. Nhưng báo cáo cuối cùng, được công bố 4 tuần sau khi bà Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, đã nhắc đến Phó Tổng thống Mỹ ít nhất 251 lần.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)