Các cường quốc đã bắt đầu kế hoạch giành quyền thống trị trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trong bối cảnh ngành này nổi lên như một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế kỷ 21. Một phần trong kế hoạch đó là cố gắng thu hút các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ các quốc gia khác để lãnh đạo các dự án sản xuất hiện có cũng như chiêu mộ nhân tài mới để hỗ trợ các kế hoạch trong tương lai, gồm các nhân tài đến từ Hàn Quốc.
Nhà máy sản xuất chip của Samsung ở thành phố Pyeongtaek. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Diplomat, cuộc cạnh tranh giành nhân tài chip Hàn Quốc đầu tiên bắt đầu với sáng kiến đầy tham vọng “Made in China 2025” nhằm giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn.
Do nhận thấy các kỹ sư xứ kim chi giữ vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách trong sản xuất chip tiên tiến, lĩnh vực các công ty Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các đối thủ ở Hàn Quốc, Mỹ và Ðài Loan, các công ty Trung Quốc đã đưa ra mức lương hấp dẫn để thu hút những chuyên gia lành nghề này. Kết quả là một số kỹ sư Hàn Quốc gần đây đã chuyển đến làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại ở Hàn Quốc về khả năng rò rỉ công nghệ.
Về phần mình, các công ty từ Mỹ, đối tác quan trọng của Hàn Quốc, cũng chạy đua tìm kiếm nhân tài trong kế hoạch giành lại thị phần sản xuất chip. Cụ thể, Micron, công ty vốn đang tụt hậu so với các đối thủ Hàn Quốc như Samsung hay SK Hynix trong sản xuất chip nhớ, đã tuyển dụng một số kỹ sư chủ chốt từ Samsung và SK Hynix. Tương tự, “ông lớn” công nghệ Intel trong cam kết trở nên vượt trội hơn các đối thủ như Samsung hay Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Ðài Loan (TSMC) trong sản xuất chip tiên tiến đã tích cực tuyển dụng các kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc lành nghề. Ðáng chú ý, một số kỹ sư này từng làm việc cho Samsung, qua đó làm dấy lên lo ngại ở Hàn Quốc về khả năng mất nhân tài và rủi ro rò rỉ công nghệ. Mặt khác, các công ty xứ cờ hoa còn tập trung thu hút nhân tài mới tại Hàn Quốc bằng mức lương hậu hĩnh kèm theo nhiều chế độ phúc lợi.
Nhu cầu về nhân tài chip Hàn Quốc cũng đang gia tăng ở Nhật Bản, nơi đã bắt tay vào các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giành lại vị thế trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Theo đó, JASM, một liên doanh được Tokyo hậu thuẫn giữa TSMC và Sony, đã bắt đầu tuyển dụng nhân tài Hàn Quốc thông qua các cổng thông tin việc làm dành cho giới trẻ tại nước này sau khi đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề. Ðể đạt được mục tiêu trở thành đơn vị chủ chốt trong sản xuất chip tiên tiến, Rapidus, nhà sản xuất chất bán dẫn được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, cũng đã bắt đầu “chiêu mộ” nhân tài Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và rò rỉ công nghệ. Cụ thể, Quốc hội Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi Ðạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp nhằm tăng cường hình phạt đối với hành vi làm rò rỉ các công nghệ cốt lõi, chẳng hạn như chất bán dẫn. Theo đó, mức phạt sẽ tăng từ mức hiện tại 1,5 tỉ won (tương đương 1,1 triệu USD) lên mức 6,5 tỉ won và án tù có thể kéo dài tới 18 năm.
Tuy nhiên, giống như các cường quốc công nghệ khác, Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, vốn được coi là yếu tố quan trọng đối với sự thống trị trong tương lai của quốc gia Ðông Á này. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc dự báo nước này sẽ thiếu khoảng 54.000 lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2031, cao hơn 30 lần so với mức 1.784 người vào năm 2022, từ đó có thể đặt ra thách thức đáng kể đối với tham vọng của Hàn Quốc. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc tăng phúc lợi đối với các kỹ sư giàu kinh nghiệm để ngăn cản họ chuyển sang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài; tích cực phát triển nhân tài địa phương mới để đáp ứng nhu cầu trong tương lai; nỗ lực giữ chân nhân tài nước ngoài sau khi họ tốt nghiệp các trường đại học Hàn Quốc; tích cực mời sinh viên nước ngoài đến học tập và tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Đài Loan mới đây cáo buộc 8 công ty công nghệ Trung Quốc đại lục, gồm nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology, “săn trộm” nhân tài bất hợp pháp và đánh cắp bí mật thương mại từ hòn đảo này, làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp công nghệ cao của Đài Loan”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)