02/01/2024 - 07:56

Ði bộ đẩy lùi chứng viêm mãn tính 

Ði bộ là hình thức vận động mang lại rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như hỗ trợ sức khỏe tim mạch và tuổi thọ cũng như giảm lo lắng và căng thẳng tinh thần. Gần đây, các nhà nghiên cứu còn cho biết một điểm cộng lớn khác của việc đi bộ - đó là có thể giúp giảm viêm.

Ảnh: Getty Images

Viêm mãn tính, vừa lợi vừa hại

Viêm không hẳn là điều xấu. Ðó là cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ miễn dịch, giúp phát hiện và sau đó tấn công hoặc loại bỏ vi khuẩn, virus hoặc những tác nhân có hại khác khỏi cơ thể. Phản ứng viêm này có thể gây đau, đỏ và sưng, tùy thuộc vào loại chấn thương và xảy ra ở bộ phận nào của cơ thể.

Theo các chuyên gia, lý tưởng nhất là tình trạng viêm chỉ xuất hiện tạm thời, có nghĩa là hệ thống phòng thủ của cơ thể “kích hoạt” để phản ứng với mối đe dọa, sau đó “tự tắt” khi mối đe dọa được giải quyết. Nhưng đôi khi, hệ miễn dịch không biết cách “tự tắt” và liên tục tấn công các tác nhân mà nói xem là mối nguy đối với cơ thể. Ðây được gọi là viêm mãn tính và nó có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng nếu không được điều trị, bao gồm dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2, ung thư, đột quỵ và các bệnh tự miễn.

Dù vậy, các chuyên gia cho biết có nhiều cách để giảm thiểu chứng viêm thông qua lối sống hàng ngày, như tăng cường tiêu thụ thực phẩm chống viêm, kiểm soát căng thẳng (một nguyên nhân gây viêm) và tập thể dục. Họ nói rằng đi bộ nhanh có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm rất tốt.

Ði bộ giúp giảm viêm như thế nào?

Isabelle Amigues, bác sĩ người Mỹ chuyên về bệnh thấp khớp, dẫn nghiên cứu được công bố trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity (tạm dịch: Trí não, Hành vi và Miễn dịch) cho thấy chỉ cần dành 20 vài phút tập thể dục trên máy chạy bộ tốc độ vừa phải là đã giúp giảm hoạt động của tế bào viêm (cụ thể là tế bào bạch cầu liên quan đến phản ứng miễn dịch). Nghiên cứu trước đó cũng gợi ý rằng những người đi bộ nhiều hơn thường có mức độ viêm thấp hơn.

Bên cạnh đó, “tập thể dục cũng làm giảm lượng mỡ dự trữ có liên quan đến việc thúc đẩy quá trình viêm nhiễm” - Stella Bard, một bác sĩ chuyên điều trị các bệnh viêm, cho biết. Về cơ bản, “mô mỡ trắng” tạo ra hoóc-môn và cytokine (tế bào bạch cầu viêm) của riêng nó và thừa mô mỡ trắng có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính. “Bằng cách di chuyển hoặc đi bộ, chúng ta có thể giúp giảm mô mỡ và do đó giảm viêm” - bác sĩ Amigues nói thêm.

Bên cạnh đó, đi bộ còn hỗ trợ các khía cạnh sức khỏe khác, sau đó làm giảm chứng viêm. Ví dụ, đi bộ giúp giảm căng thẳng, một tác nhân chính gây viêm nhiễm. Bác sĩ Amigues giải thích: “Ði bộ có thể là một hoạt động giảm căng thẳng, đặc biệt nếu được thực hiện trong khung cảnh thiên nhiên. Ði bộ cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và chúng ta biết rằng chất lượng giấc ngủ là điều tối quan trọng để hỗ trợ hệ miễn dịch”.

Cần đi bộ bao nhiêu để giảm viêm?

Không có quy tắc cứng nhắc nào về thời gian chúng ta cần đi bộ mỗi ngày để giảm viêm. Dù vậy, bác sĩ Bard khuyên bạn nên đi bộ 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần - tương đương khuyến nghị tập thể dục hàng tuần của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC-Mỹ). Nếu bạn chưa có thói quen đi bộ thường xuyên, hãy bắt đầu đi bộ và tăng dần cả về thời lượng, cường độ và tần suất. Bác sĩ Amigues lưu ý: “Ði bộ rất nhanh trên quãng đường rất dài một ngày mỗi tháng không hữu ích bằng việc đi bộ với tốc độ vừa phải, kéo dài 40 phút mỗi ngày”.

Các chuyên gia nói rằng ngoài hình thức tập thể dục chính là đi bộ, một số bài tập cường độ thấp khác cũng có thể giúp ích cho bệnh nhân mắc các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp (RA), đau mãn tính,... Theo đó, khí công và thái cực quyền giúp điều trị chứng đau cơ xơ hóa rất tốt, trong khi bơi lội sẽ dễ dàng hơn đối với người bị bệnh khớp, cho phép họ tập luyện lâu hơn mà không bị đau.

HOÀNG ÐIỂU (Theo Well and Good)

 

Chia sẻ bài viết