28/06/2009 - 21:02

Ngành công thương TP Cần Thơ

Tăng trưởng trong khó khăn...

Theo ngành công thương, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Cùng với diễn biến thời tiết, dịch bệnh, nhiều hộ nuôi cá tra bị thua lỗ năm 2008 chưa có vốn tái đầu tư làm nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến hạn chế và giá gạo trên thế giới đang giảm... Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, trong 6 tháng đầu năm 2009, sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ của TP Cần Thơ vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ...

Hiệu quả từ vốn kích cầu

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm ưu thế với giá trị hơn 5.018 tỉ đồng, đạt gần 36% kế hoạch và tăng 9,2% so cùng kỳ. Ngành công thương nhận định, 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn tăng trưởng và đang có chuyển biến tích cực. Các DN được hỗ trợ vốn kích cầu của Chính phủ đã giảm bớt khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định và tiếp tục phát triển trong các tháng cuối năm. Còn về thương mại, mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường ổn định, sức mua tăng khá so cùng kỳ; các siêu thị, DN đẩy mạnh bán hàng về nông thôn...

 Nhiều DN xuất khẩu may mặc tại TPCT có thêm hợp đồng mới. (Trong ảnh: Xưởng may mặc của Công ty TNHH Kwong-Lung).

Tuy nhiên, tính trên qui mô từng DN thì giá trị sản xuất không tăng, do nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi sức mua trên thị trường sụt giảm và phần lớn DN trên địa bàn thành phố là DN sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ. Riêng tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, các KCN thu hút trên 183,7 triệu USD vốn đầu tư, trong đó có 17 dự án đầu tư mới (vốn đăng ký hơn 134,6 triệu USD), còn lại 8 dự án tăng vốn mở rộng. Các KCN hiện có 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.515 triệu USD. Vốn thực hiện đến nay đạt tỷ trọng 32% (khoảng 483 triệu USD) trên tổng vốn đăng ký. Hiện có 138 dự án (126 DN, trong đó 85 DN sản xuất và 41 DN dịch vụ) đi vào hoạt động, gồm 108 DN trong nước và 21 DN đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ, ước tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của các DN trong KCN đạt hơn 700 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp 387 triệu USD và chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2008; còn dịch vụ thương mại giảm 40% so cùng kỳ (đạt 312 triệu USD). Riêng 21 DN FDI giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 62 triệu USD, giảm hơn 33% so cùng kỳ.

Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương, sự phát triển thủy sản của thành phố năm nay chậm so với năm rồi. DN có thị trường nhưng không có hàng để xuất và cũng có DN thị trường sụt giảm. Còn ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Do tác động của suy giảm kinh tế, phần lớn DN sản xuất và xuất khẩu trong KCN đều giảm về doanh thu. Tình hình thiếu nguyên liệu ngày càng trầm trọng do nhiều hộ nuôi cá không mặn mà đầu tư, các nhà máy còn hàng nguyên liệu tồn kho khá nhiều, nên thu mua cá nguyên liệu chậm, ảnh hưởng đến giá cá nguyên liệu trên thị trường”.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu

Từ đầu năm 2009 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ ngoại tệ toàn thành phố ước thực hiện 360,5 triệu USD đạt gần 39% kế hoạch năm và giảm 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 346,9 triệu USD, đạt 38,6% kế hoạch năm và giảm 0,8% so cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ 11,8 triệu USD, giảm gần 20%. Riêng DN xuất khẩu trong KCN chỉ tăng 5,4% so cùng kỳ (đạt trên 230 triệu USD), còn DN FDI đạt 19,4 triệu USD, giảm gần 36% so cùng kỳ. Hiện nay, gạo và thủy sản là 2 mặt hàng chiếm trên 81% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và cũng là ngành hàng đang gặp khó.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng, cho rằng: “Nếu tính trên từng mặt hàng xuất khẩu thì gạo, may mặc tăng so cùng kỳ, nhưng thủy sản, da giày, thủ công mỹ nghệ đều giảm. Song, mức giảm không nhiều và có khả năng phục hồi, nếu DN có chiến lược kinh doanh tốt trong 6 tháng cuối năm”. Ở hàng may mặc từ đầu năm đến nay đã xuất 1.597 ngàn sản phẩm với giá trị 13,2 triệu USD và tăng 17,6% so cùng kỳ, do vốn kích cầu đã đến DN và nhiều DN như: Công ty cổ phần May Meko, Kwong-Lung, Việt Thành, Hào Tân... đã ký hợp đồng mới cùng nhu cầu mở rộng thêm thị trường.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo trên địa bàn tăng gần 40% so với cùng kỳ, ước thực hiện hơn 312.000 tấn, đạt gần 60% kế hoạch năm. Mặt hàng gạo chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong 3 tháng đầu năm, việc xuất khẩu khá thuận lợi, do DN thực hiện các hợp đồng đã ký từ cuối năm 2008, với lượng lúa gạo tồn kho sẵn có và nguồn cung dồi dào từ thu hoạch lúa đông xuân. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 đến nay, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, giá gạo trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh (khoảng 30 USD/tấn so đầu tháng 4-2009). Giá gạo giảm do thông tin Thái Lan, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh bán gạo dự trữ, nguồn cung gạo từ châu Á tăng, trong bối cảnh nhu cầu gạo trên thị trường thế giới chưa cao.

Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, phản ánh: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị xuất khoảng 14.000 tấn gạo, so cùng kỳ tương đương về sản lượng, nhưng giảm về giá trị, chỉ bằng 84% so cùng kỳ. Do giá gạo xuất giảm bình quân khoảng 15 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4-2008. Nông dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nếu Chính phủ điều hành linh hoạt và cho DN vay vốn mua tạm trữ gạo sẽ giải quyết đầu ra cho nông dân. Bởi thị trường xuất khẩu đang thuận lợi, hiện thị trường Philippines đã đặt hàng trở lại”. Theo ông Thuấn, giá gạo xuất khẩu hợp đồng loại 5% dao động ở mức 395-410 USD/tấn, gạo 15% tấm 270 USD/tấn và gạo 25% tấm 340-360 USD/tấn. Tuy nhiên, để đảm bảo xuất khẩu có lợi cho DN và nông dân, rất cần chính sách linh hoạt, phù hợp.

Đối với mặt hàng thủy sản đông lạnh chỉ xuất khẩu khoảng 60.200 tấn, giảm 19,3% về số lượng và đạt kim ngạch 154,7 triệu USD, giảm 22,3% so cùng kỳ. Đây là mặt hàng chiếm đến 44,6% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Hiện nay, giá tôm nguyên liệu loại 20 con/kg ở mức 130.000 đồng/kg (tăng 62% so cùng kỳ năm 2008); nhưng giá cá tra từ cuối tháng 5-2009 đến nay lại giảm mạnh, hiện cá tra loại I là 15.500- 16.000 đồng/kg (giảm 800- 1.600 đồng/kg). Hiện người nuôi cá gặp khó khăn do đến vụ thu hoạch mà chưa có DN đến mua. Theo một DN xuất khẩu thủy sản, thị trường Nga và một số thị trường khác có nhu cầu nhập khẩu cá tra trở lại, nhưng để vào được thị trường này không phải DN nào cũng làm được. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Xuất khẩu thủy sản có khả năng phục hồi vào quí IV/2009 nhân dịp Noel, nhưng DN phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nhập khẩu cùng với những rào cản thương mại ở nước sở tại”.

Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, mặc dù sản xuất công nghiệp tăng chậm, xuất khẩu khó đạt mục tiêu đề ra nhưng tình hình có thể sẽ được cải thiện trong các tháng cuối năm. Bởi nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đã đến tay DN, sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi. Ngành công thương đang cùng DN tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm thị trường mới, nhưng DN cũng phải tự chủ động để vượt qua thách thức.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết